Hai công ty sản xuất chip Intel và Micron đã tìm cách để tránh cho một số sản phẩm của mình bị dán mác “Made in America” với mục đích bán sản phẩm cho Huawei một cách “hợp pháp”. Họ đã làm thế nào để hợp pháp hóa việc bán thiết bị cho Huawei trong bối cảnh Huawei bị Bộ Thương mại Hoa Kỳ cho vào danh sách đen thương mại cấm các công ty Mỹ làm ăn với công ty viễn thông Trung Quốc?
“Lỗ hổng” từ lệnh cấm vận
Lệnh cấm vận của Mỹ không phải không có khe hở. Hàng hóa do các công ty Mỹ được sản xuất ở nước ngoài không phải lúc nào cũng được coi là “made in America”. Lợi dụng điều này, một số thiết bị đã được các nhà cung cấp Hoa Kỳ “tuồn sang” Huawei từ khoảng 3 tuần nay, tờ NYTimes đưa tin.
Điều này sẽ giúp Huawei tiếp tục lắp ráp và bán các sản phẩm như điện thoại thông minh và máy chủ. Nó cũng chứng tỏ rằng chính quyền Tổng thống Donald Trump đang gặp khó khăn trong việc thực thi lệnh cấm vận đối với Huawei. Các công ty công nghệ Mỹ cũng cảnh báo với chính phủ rằng lệnh cấm vận có thể ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng toàn cầu trong ngành công nghiệp điện tử, từ đó tác động xấu đến các mối quan hệ thương mại.
Nhiều người cho rằng quyết định đưa Huawei vào danh sách đen thương mại của Bộ Thương mại Hoa Kỳ dễ gây ra sự nhầm lẫn đối với các công ty Trung Quốc và nhiều nhà cung cấp Mỹ. Một số Giám đốc điều hành do chưa có nhiều kinh nghiệm trong việc đánh giá các biện pháp kiểm soát thương mại của Mỹ dẫn đến quyết định dừng hợp tác với Huawei cho đến khi các luật sư có thể làm rõ những mặt hàng nào vẫn có thể giao dịch, mặt hàng nào không.
Các nhà sản xuất chip của Mỹ vẫn đang bán hàng triệu USD giá trị hàng hóa cho Huawei, bất chấp lệnh cấm của chính quyền Tổng thống Donald Trump. Ảnh: NY Times
|
Theo lệnh cấm, các công ty Mỹ vẫn có thể bán các thiết bị và công nghệ hỗ trợ cho các sản phẩm hiện tại của Huawei cho đến giữa tháng 8/2019. Nhưng đối với các sản phẩm tương lai của Huawei, lệnh cấm này đã được áp dụng. Hiện tại, doanh số mà các công ty Mỹ thu được từ quá trình bán thiết bị cho Huawei có thể đã lên tới hàng trăm triệu đô la.
Nhận thức được điều này, chính phủ tổng thống Trump đang cố gắng tìm cách giải quyết. Nhiều quan chức trong chính phủ cho rằng việc bán hàng này đã vi phạm tinh thần của luật pháp và làm suy yếu các nỗ lực gây sức ép cho Huawei của Mỹ trong khi một số người lại bày tỏ sự ủng hộ vì nó làm giảm nhẹ lệnh cấm lên các tập đoàn Mỹ. Huawei cũng cho biết công ty đã mua 11 tỉ USD giá trị hàng công nghệ từ các công ty Mỹ mỗi năm.
Hiện Intel và Micron vẫn từ chối bình luận.
Chúng tôi đã thảo luận với chính phủ Hoa Kỳ, theo đó, một số mặt hàng vẫn của chúng tôi có thể được phép cung cấp cho Huawei và nó phù hợp danh sách đen thương mại và các quy định hiện hành. Ông John Neuffer, chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp bán dẫn, viết trong một tuyên bố vào thứ Sáu tuần trước.
Tác động của lệnh cấm đến mỗi công ty là khác nhau và các công ty phải đánh giá tác động của lệnh cấm một cách thận trọng để đảm bảo quá trình kinh doanh không bị gián đoạn mà vẫn duy trì sự tuân thủ của lệnh cấm, theo Ông John Neuffer.
Vào ngày 25/6, Sanjay Mehrotra, CEO của Micron, cho biết công ty đã ngừng giao hàng cho Huawei từ giữa tháng 5 ngay sau khi lệnh cấm được ban bố. Nhưng cũng theo ông Sanjay, công ty đã khởi động lại hoạt động bán thiết bị cho Huawei từ khoảng 2 tuần nay sau khi Micron xem xét lại các quy tắc trong danh sách đen thương mại. “Sau khi xem xét lại, chúng tôi quyết định sẽ tiếp tục vận chuyển một số “thiết bị nhỏ” cho Huawei và đương nhiên, quá trình này diễn ra hợp pháp”, ông Mehrotra nói.
Micron cạnh tranh với các công ty Hàn Quốc như Samsung để cung cấp chip nhớ cho điện thoại thông minh của Huawei. Ảnh: NY Tmes
|
Ngay sau khi Bộ Thương mại đưa Huawei vào danh sách thực thể, Hiệp hội Công nghiệp Bán dẫn đã gửi một bức thư tới Nhà Trắng với nội dung yêu cầu miễn trừ cho một số công ty cho phép họ tiếp tục bán linh kiện cho Huawei. Tuy nhiên, yêu cầu này đã không được Nhà Trắng chấp nhận.
Nhiều người hy vọng rằng sẽ Trung Quốc và Mỹ sẽ đạt được một thỏa thuận thương mại trước thềm Hội nghị Thượng đỉnh G20 được tổ chức tại Nhật Bản vào cuối tuần này trong bối cảnh các cuộc đàm phán thương mại giữa hai bên đang đi vào bế tắc.
Huawei là đại diện cho sự đổi mới và khả năng công nghệ của Trung Quốc, đồng thời cũng là “nút thắt” cho sự bế tắc trong quan hệ kinh tế - đối ngoại - an ninh giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ. Chính quyền Tổng thống Trump cáo buộc rằng nhiều công ty Trung Quốc như Huawei có thể đã làm gián điệp cho chính phủ Bắc Kinh. Cả Huawei và chính phủ Trung Quốc đã nhiều lần phủ nhận cáo buộc này.
Trong khi chính phủ Mỹ biện minh cho lệnh cấm vận của mình do những lo ngại về an ninh quốc gia thì nhiều nhà phân tích lại cho rằng Huawei và nhiều công ty công nghệ Trung Quốc chỉ là “con tốt” trong các cuộc đàm phán thương mại Trung – Mỹ. Ngoài Huawei, mới đây, chính phủ Mỹ đã mở rộng lệnh cấm vận, bổ sung thêm 4 công ty và một viện nghiên cứu sản xuất siêu máy tính của Trung Quốc vào danh sách đen thương mại.
Người trong cuộc “vạch đường cho hươu chạy”
Kevin Wolf, một cựu quan chức của Bộ Thương mại và hiện đang là đối tác tại công ty luật Akin Gump, đã “vạch dường đi” cho một số công ty công nghệ Mỹ để tiếp tục cung cấp thiết bị cho Huawei. Ông Wolf đã nói với các CEO của các công ty công nghệ Mỹ rằng việc bổ sung Huawei vào danh sách đen thương mại không ngăn cản các nhà cung cấp Mỹ tiếp tục bán hàng, miễn là những hàng hóa và dịch vụ đó không được sản xuất tại Hoa Kỳ, theo NY Times.
Ông Wolf đã nêu ra nhiều ví dụ để chứng minh cho lập luận này. Theo ông, các công ty vẫn có thể bán các con chip cho Huawei với điều kiện nó được sản xuất bên ngoài Hoa Kỳ và việc bán nó sẽ không gây ra rủi ro cho nền an ninh quốc gia của Hoa Kỳ.
Sau khi tin tức này được báo chí đưa tin vào hôm thứ Ba, Garrett Marquis, phát ngôn viên Hội đồng Bảo an Quốc gia Nhà Trắng đã chỉ trích cách giải quyết của các công ty và cho rằng đó là một sự “lách luật”. “Nếu những thông tin này sự thật, thật đáng xấu hổ khi một cựu quan chức của Bộ Thương mại, người từng chịu trách nhiệm thực thi luật xuất khẩu của Hoa Kỳ lại đang hỗ trợ và hướng dẫn các công ty phá vỡ cơ chế quy định đó.
Tình trạng tiến thoái lưỡng nan của Mỹ sau lệnh cấm vận
Ảnh: SCMP
|
Các công ty Mỹ không phải là nguồn cung thiết bị quan trọng duy nhất cho Huawei, nhưng họ muốn tránh việc để mất một đối tác làm ăn lớn như Huawei vào các đối thủ nước ngoài khác. Micron đang cạnh tranh với các công ty Hàn Quốc như Samsung và SK Hynix để cung cấp chip nhớ cho điện thoại thông minh của Huawei. Nếu Micron không thể bán cho Huawei, các đơn đặt hàng rất có thể sẽ bị chuyển sang các đối thủ Hàn Quốc của công ty này.
Ngược lại, Bắc Kinh cũng gây áp lực cho các công ty Mỹ. Trong tháng 6 này, Bắc Kinh tuyên bố sẽ tạo một danh sách thực thể không đáng tin cậy như một động thái nhằm đáp trả lại việc Huawei và nhiều công ty công nghệ Trung Quốc bị Mỹ đưa vào danh sách đen thương mại.
Cơ quan hoạch định kinh tế của Trung Quốc cũng đã triệu tập các CEO của các công ty nước ngoài tại Trung Quốc, bao gồm đại diện của Microsoft, Dell và Apple. Trong cuộc họp, Bắc Kinh đã cảnh báo rằng việc doanh số cho các công ty Trung Quốc tại Mỹ bị cắt giảm có thể dẫn đến hình phạt tương tự đối với các công ty Mỹ. Bắc Kinh nói bóng gió các công ty nên vận động chính phủ của mình để ngăn chặn các lệnh cấm. Trung Quốc được coi là một thị trường lớn và tiềm năng đối với các công ty Mỹ điển hình như Apple.
Việc thực thi lệnh cấm không chỉ khiến các công ty Trung Quốc bị ảnh hưởng mà thiệt hại đối với các công ty Mỹ cũng không phải ít. Xung đột thương mại giữa hai nước sẽ chỉ giúp cho nhiều quốc gia khác trở thành “ngư ông đắc lợi”.
Vào ngày 24/6, FedEx đã đệ đơn kiện lên chính phủ liên bang và cho rằng các quy tắc của Bộ Thương mại đã tạo ra một gánh nặng lớn chưa từng thấy đối với công ty, ảnh hưởng đến việc kinh doanh của công này. “FedEx là một công ty vận tải, không phải là một cơ quan thực thi pháp luật”, phía công ty này cho biết.
Một phát ngôn viên của Bộ Thương mại cho biết họ chưa xem xét khiếu nại của FedEx nhưng sẽ bảo vệ vai trò của cơ quan này trong việc bảo vệ an ninh quốc gia.
Theo NY Times