Biên lợi nhuận mảng trái cây đạt tới 60%
Chỉ tính riêng trong Quý 3/2018, lợi nhuận sau thuế (LNST) Quý 3/2018 đạt 378 tỷ đồng (LNST của công ty mẹ đạt 403 tỷ đồng, LNST của cổ đông không kiểm soát đạt âm 25,5 tỷ đồng), tăng gấp 2,18 lần so với cùng kỳ năm 2017.
Tuy nhiên, lũy kế từ đầu năm tới cuối quý 3/2018, LNST của HAG chỉ đạt 477,86 tỷ đồng, giảm tới hơn 53% so với giai đoạn cùng kỳ năm 2017. Mức lãi cơ bản trên cổ phiếu (EPS) đạt 397 đồng/cổ phiếu.
Doanh thu từ bán hàng và cung cấp dịch vụ trong Quý 3/2018 đạt 1.521 tỷ đồng, tăng 262 tỷ đồng (+21%) so với cùng kỳ.
Trong đó, nguồn doanh thu từ mảng trái cây đạt 924 tỷ đồng, tăng 472 tỷ đồng, chiếm 60,7% doanh thu từ bán hàng và cung cấp dịch vụ..
Nguyên nhân được HAG giải trình là do diện tích thu hoạch trái cây tăng và Tập đoàn có thêm nguồn thu từ hoạt động bán trái cây của Công ty TNHH Phát triển Nông nghiệp Đại Thắng (được mua về từ tháng 3/2018).
Với chi phí giá vốn của lĩnh vực này là 365 tỷ đồng, lợi nhuận gộp đạt 266 tỷ đồng. Biên lợi nhuận gộp của lĩnh vực này đạt 60%, tăng mạnh so với mức 43,5% so với cùng kỳ năm 2017.
Về hoạt động bán sản phẩm, hàng hóa, phụ phẩm, doanh thu trong quý ghi nhận đạt 217 tỷ đồng, tăng 148 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2017. Giá vốn của lĩnh vực này đạt 67 tỷ đồng, giảm 22 tỷ đồng. Lợi nhuận gộp vì thế cũng gia tăng mạnh khi đạt 150 tỷ đồng ((biên lợi nhuận gộp đạt tới 69,12%), trong khi cùng kỳ ghi nhận mức lỗ gộp tại lĩnh vực này.
Kết quả này đạt được chủ yếu do HAG đã tận dụng được nguồn thu các sản phẩm phụ từ ngành nông nghiệp.
Về hoạt động bán bất động sản, doanh thu từ lĩnh vực này của HAG đạt 38 tỷ đồng, tăng 25 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2017. Nguyên nhân là do Tập đoàn đã tiến hành chuyển nhượng một phần dự án bất động sản tại TP. Quy Nhơn, tỉnh Bình Định cho bên thứ ba.
Ở chiều hướng ngược lại, nguồn doanh thu chiếm tỷ trọng thấp hơn từ cung cấp dịch vụ cho thuê, hoạt động bán bò hay bán mủ cao su có xu hướng giảm.
Đối với hoạt động bán bò, doanh thu sụt giảm là do HAG đã dồn lực cho mảng trái cây và không ưu tiên nguồn vốn lưu động tài trợ cho lĩnh vực này. Tương tự, đối với hoạt động bán mủ cao su, HAG chủ trương không bán nhiều trong bối cảnh giá cao su giảm mạnh, mà sẽ chờ giá cao su tăng trở lại.
Lãi thanh lý 516 tỷ đồng từ giảm tỷ lệ sở hữu HAGL Land
BCTC Quý 3/2018 của HAG cũng cho thấy, nguồn doanh thu từ hoạt động tài chính trong kỳ đạt 740 tỷ đồng, tăng 445 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2017.
Nguyên nhân chủ yếu của sự tăng trưởng đột biến này đến từ việc ghi nhận Lãi thanh lý khoản đầu tư đạt 516 tỷ đồng mới phát sinh trong Quý 3/2018, do HAG đã tiến hành giảm tỷ lệ sở hữu trong CTCP Xây dựng và Phát triển Nhà Hoàng Anh (HAGL Land - HAN).
Theo thuyết minh trên BCTC hợp nhất, ngày 12/9/2018, HAN đã hoàn tất việc phát hành riêng lẻ 125 triệu cổ phiếu với giá phát hành là 13.414,63 VND/cổ phiếu (mệnh giá là 10.000 đồng/cổ phiếu) cho “một bên thứ ba”.
Hoạt động này đã làm giảm tỷ lệ sở hữu của HAG tại HAN từ 68,9% xuống còn 47,89% và HAN không còn là công ty con trong Tập đoàn kể từ ngày này. Khoản đầu tư vào HAN của HAG đã được điều chỉnh chuyển tới khoản mục Đầu tư vào các công ty liên kết, với giá trị ghi sổ là 2.476,9 tỷ đồng.
Đáng chú ý, HAN là công ty con của HAG thực hiện thực hiện đầu tư vào dự án HAGL Myanmar (Khu phức hợp trung tâm thương mại, khách sạn, căn hộ cho thuê “Hoang Anh Gia Lai Myanmar Centre”).
Hoạt động phát hành thêm cổ phiếu cho “một bên thứ ba” diễn ra sau buổi lễ công bố hợp tác chiến lược giữa HAG và Công ty Cổ phần Ô tô Trường Hải (Thaco) ngày 8/8/2018.
Chi phí hoạt động tài chính trong kỳ tăng 112 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó, chi phí lãi vay đạt 408 tỷ đồng, tăng 82 tỷ đồng so với cùng kỳ.
Nguyên nhân được phía HAG giải trình là do diện tích vườn cây đưa vào khai thác tăng, dự án thủy điện đã ngưng vốn hóa nên phần lãi vay tương ứng được đưa vào chi phí hoạt động trong kỳ.
Thu nhập khác trong kỳ của HAG chỉ đạt 7 tỷ đồng, giảm tới 119 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2017. Trong khi đó, chi phí khác trong kỳ ghi nhận đạt 563 tỷ đồng, tăng tới 431 tỷ đồng. Nguyên nhân là do HAG đã thực hiện xóa sổ các tài sản không hiệu quả và điều chỉnh chi phí đầu tư vườn cây cọ dầu vào chi phí chuyển đổi mục đích sang trồng cây ăn trái.
Tỷ phú Trần Bá Dương cho HAG “mượn tạm” 500 tỷ đồng
Tổng tài sản của HAG tính tới ngày 30/9/2018 đạt 48.357 tỷ đồng, giảm tới 4.705 tỷ đồng so với đầu năm.
Nguyên nhân chủ yếu đến từ biên động giảm mạnh của các khoản Phải thu về cho vay ngắn hạn giảm từ 3.969 tỷ đồng tại ngày 31/12/2017 về mức 963 tỷ đồng; và khoản mục Bất động sản đầu tư giảm từ 3.210 tỷ đồng về mức chỉ còn 37,4 tỷ đồng.
Các khoản cho vay ngắn hạn chủ yếu là phát sinh với các bên liên quan, được thuyết minh là các khoản cho vay tín chấp, có thời hạn hoàn trả từ năm 2018 đến năm 2022 và lãi suất trung bình từ 10% đến 13%/năm.
Biến động dư nợ vay của HAG tính tới cuối Quý 3/2018 (Nguồn: HAG)
|
Về số dư nợ vay ngân hàng, tính tới 30/9/2018, tổng giá trị nợ vay ghi nhận là 21.059 tỷ đồng, giảm 1.766 tỷ đồng so với đầu năm nhưng vẫn cao gấp gần 2 lần so với nguồn vốn chủ sở hữu.
Trong đó, khoản vay ngắn hạn tăng mạnh từ 2.528 tỷ đồng lên mức 5.790 tỷ đồng. Chủ yếu là do sự gia tăng mạnh từ các khoản Trái phiếu chuyển đổi cổ phần HNG (ghi nhận 2.218 tỷ đồng) và các khoản Vay dài hạn ngân hàng đến hạn trả (ghi nhận 1.928 tỷ đồng, tăng 1.349 tỷ đồng).
Ở chiều hướng ngược lại, các khoản vay dài hạn đạt mức 15.269 tỷ đồng, giảm 5.027 tỷ đồng so với đầu năm. Biến động này có thể đến từ sự chuyển dịch một phần khoản vay dài hạn tới hạn trả, các hoạt động trả nợ và điều chỉnh khi giảm tỷ lệ sở hữu tại công ty con.
Ngoài ra, HAG cũng ghi nhận giá trị lên tới gần 1.000 tỷ đồng từ hoạt động “mượn tạm” một số cá nhân có liên quan trong khoản mục Phải trả ngắn hạn khác.
Trong đó, đáng chú ý là số dư “nợ” 500 tỷ đồng của ông Trần Bá Dương (Chủ tịch HĐQT Thaco) và 426 tỷ đồng của ông Đoàn Nguyên Đức (Chủ tịch HĐQT của HAG) cho HAG “mượn tạm” tính tới cuối Quý 3/2018./.