Người ta nghi ngờ, cơ quan tình báo quốc gia Indonesia cũng nằm trong số các mục tiêu này.
Báo cáo gần đây của một nhóm các nhà nghiên cứu bảo mật internet thuộc công ty truyền thông quốc tế TheRecord, Insikt Group cho biết phát hiện vụ việc lần đầu tiên hồi tháng 4/2021.
Hình ảnh minh họa về hacker. Ảnh: PC World. |
Theo báo cáo này, có 10 bộ và cơ quan của Indonesia, trong đó có cả cơ quan tình báo quốc gia (BIN) bị nhiễm phần mềm độc lại PlugX của nhóm hacker có tên gọi Mustang Panda, được cho là nhóm hacker đến từ Trung Quốc, từng thực hiện nhiều hoạt động gián điệp trên không gian mạng, có mục tiêu của hoạt động chính là ở khu vực Đông Nam Á. Các nhà nghiên cứu đã thông báo cho Indonesia hai lần vào tháng 6 và tháng 7 năm 2021 tuy nhiên chính phủ nước này chưa có phản hồi.
Cảnh sát, Bộ Thông tin truyền thông và các cơ quan liên quan của Indonesia hiện đang thực hiện các bước để xác minh và làm sạch hệ thống bị tấn công. Người đứng đầu Cơ quan an ninh mạng và bảo mật Indonesia, ông Hinsa Siburian cho biết vụ tấn công mạng trên vẫn chỉ là tin đồn. Chính phủ Indonesia đang tiếp tục thực hiện các chiến lược “phòng thủ mạng” đặc biệt trước thách thức của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Từ tháng 1 đến tháng 8/2021, cơ quan này đã ghi nhận 888.711.736 cuộc tấn công mạng, tất cả đều có thể kiểm soát được. Ngoài ra, theo dữ liệu của Cơ quan an ninh mạng và bảo mật Indonesia, có 45,5% vụ tấn công mạng để rò rỉ dữ liệu trong các tổ chức chính phủ, 21,8% trong các tổ chức tài chính, 10,4% trong các tổ chức truyền thông và 10,1% trong các cơ quan thực thi pháp luật và vận tải./.
Theo VOV