Ngày 5/1/2017, Sở GDCK Hà Nội (HNX) có thông báo về việc hủy đăng ký giao dịch đối với cổ phiếu của Tổng CTCP Bia – Rượu – NGK Hà Nội (Mã CK: BHN). Theo đó, 231,8 triệu cổ phiếu với giá trị 2.318 tỷ đồng sẽ hủy đăng ký giao dịch trên Sở GDCK Hà Nội – UPCOM từ ngày 11/1/2017, ngày giao dịch cuối cùng trên UPCOM của cổ phiếu BHN là ngày 10/1/2017.
HNX cho biết, BHN hủy đăng ký giao dịch là do cổ phiếu của công ty này đã được chấp thuận niêm yết tại Sở GDCK TP. HCM (HOSE). Cổ phiếu BHN bị hủy đăng ký giao dịch theo quy định tại Điểm d Khoản 1 Điều 6 Thông tư số 180/2015-BTC ngày 13/11/2015 của Bộ Tài chính hướng dẫn về đăng ký giao dịch chứng khoán trên hệ thống giao dịch cho chứng khoán chưa niêm yết.
Trước đó, ngày 4/1/2017, Habeco đã có thông báo về việc niêm yết trên HOSE, dự kiến 231,8 triệu cổ phiếu BHN sẽ giao dịch trên HOSE trong tháng 1/2017 với mức giá tham chiếu trong ngày đầu tiên giao dịch sẽ là bình quân giá thị trường 10 phiên giao dịch cuối cùng trên UPCOM.
Chốt phiên giao dịch ngày 6/1/2017, BHN có giá 127.200 đồng/cổ phiếu, giá trung bình 10 phiên gần nhất của BHN đang là 128.000đồng/cổ phiếu. Như vậy, nếu không có biến động lớn trong 2 phiên đầu tuần tới, giá cổ phiếu BHN trong ngày đầu giao dịch trên HOSE sẽ dao động trong khoảng 128.000đ – 130.000đ.
Cổ phiếu BHN bắt đầu giao dịch từ ngày 28/10/2016 với giá chào sàn là 39.000 đồng/cổ phiếu. Ngay sau đó, BHN là tâm điểm của TTCK với chuỗi tăng kỷ lục, có thời điểm cổ phiếu này được giao dịch với mức giá 235.000đ/cổ phiếu. Cùng với cổ phiếu của Sabeco, BHN trở thành cổ phiếu có thị giá cao nhất trên cả 3 sàn HOSE, HNX và UPCOM.
Trao đổi với VietTimes, một chuyên gia chứng khoán nhận định, có 2 lý khiến BHN tăng nóng trong thời gian qua: Thứ nhất, cơ cấu cổ đông của BHN rất cô đặc, hiện nhà nước đang nắm 81,79%, “đối tác chiến lược” của BHN là Bia Carlsberg nắm 17.23%, nên tỷ lệ cổ phiếu “lọt” ra ngoài chỉ khoảng 0,98%; Thứ hai, các cơ quan chức năng đại diện cho Nhà nước đang trong quá trình đàm phán với đối tác ngoại về việc thoái vốn nhà nước tại Habeco, chính vì vậy NĐT kỳ vọng giá cổ phiếu BHN sẽ đạt “đỉnh” để nhà nước sẽ thu về lợi ích cao nhất từ việc thoái vốn này.
Sau chuỗi ngày tăng nóng, cổ phiếu BHN đang trở về đúng giá trị thực của nó. Hiện BHN đang được giao dịch với mức giá 127.200 đồng/ cổ phiếu. Theo BCTC hợp nhất quý III/2016, tính đến 30/9/2016, doanh thu của BHN trong năm 2016 đạt hơn 7.653 tỷ đồng, giảm nhẹ so với cùng kỳ 2015. Lợi nhuận sau thuế đạt 755.9 tỷ đồng, giảm 245 tỷ đồng so với thời điểm cuối quý III/2015.
Một trong những vấn đề mà NĐT, đối tác cũng như dư luận hết sức quan tâm là quyền sử dụng đất của BHN tại khu đất vàng 183 Hoàng Hoa Thám, Ba Đình, Hà Nội. Trong cáo bạch niêm yết trên HOSE, BHN nêu rõ, “Căn cứ văn bản số 848/VPCP-ĐMDN của Văn phòng Chính phủ ngày 4/2/2016 về việc xử lý tồn tại trong quá trình cổ phần hóa Habeco, VPCP đã đồng ý không tính bổ sung giá trị lợi thế vị trí địa lý tại vị trí Số 183 Hoàng Hoa Thám, phường Ngọc Hà, quận Ba Đình, Hà Nội vào giá trị của Habeco”. Được biết, diện tích của khu đất vàng này có “vỏn vẹn” 52.230 m2.