Hạ viện Mỹ có kế hoạch bỏ phiếu cho dự luật cấm TikTok trên toàn quốc

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Ủy ban Đối ngoại Hạ viện có kế hoạch tổ chức cuộc bỏ phiếu vào tháng 2 về dự luật ngăn chặn sử dụng ứng dụng truyền thông xã hội phổ biến của Trung Quốc TikTok tại Mỹ, theo thông báo của cơ quan này ngày 27/1.
Logo ứng dụng TikTok được chụp vào ngày 22/8/2022. Ảnh REUTERS/Dado Ruvic
Logo ứng dụng TikTok được chụp vào ngày 22/8/2022. Ảnh REUTERS/Dado Ruvic

Dự luật này, được chủ tịch ủy ban, nghị sĩ Michael McCaul, đảng viên Đảng Cộng hòa đưa ra chủ trương nhằm mục đích cung cấp cho Nhà Trắng những công cụ pháp lý nhằm cấm hoàn toàn TikTok vì những lo ngại về an ninh quốc gia Mỹ.

McCaul trong cuộc phỏng vấn với Bloomberg News, đã đưa tin về thời gian bỏ phiếu trước đó cho biết: “Mối lo ngại chính là ứng dụng này cung cấp cho chính phủ Trung Quốc một cửa hậu vào điện thoại của chúng ta.”

Năm 2020, Tổng thống đương nhiệm khi đó là Donald Trump đã cố gắng chặn người dùng mới tải xuống TikTok và cấm những giao dịch khác trong một nỗ lực nhằm ngăn chặn khả năng sử dụng ứng dụng này ở Mỹ, nhưng đã thua trong một loạt các vụ kiện về biện pháp hành chính này.

Chính quyền tổng thống Joe Biden tháng 6/2021 chính thức từ bỏ nỗ lực này. Tháng 12/2021, thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa Marco Rubio công bố luật Lưỡng đảng cấm TikTok, luật này cũng chặn tất cả những giao dịch từ bất kỳ công ty truyền thông xã hội nào trong hoặc dưới ảnh hưởng của Trung Quốc và Nga.

Quốc hội Mỹ có thể áp đặt lệnh cấm trong năm 2023 và những bình luận của nghị sĩ McCaul làm tăng áp lực lên chính quyền Tổng thống Joe Biden, đang yêu cầu công ty mẹ Trung Quốc ByteDance phải bán các hoạt động tại Mỹ. Theo McCall, một số đề xuất của các cơ quan nhà nước hiện nay có nguy cơ bị loại bỏ về mặt pháp lý do lo ngại vi phạm quyền tự do ngôn luận.

Đại biểu Đảng Cộng hòa Texas bày tỏ nghi ngờ và cho rằng, không có bức tường lửa được đề xuất nào sẽ bảo vệ đầy đủ người dùng Mỹ khỏi nền tảng video ngắn cực kỳ phổ biến và nguồn gốc Trung Quốc. Ông tuyên bố rằng, ủy ban hiện đang nghiên cứu một dự luật mới, kết hợp một số đề xuất cấm TikTok và giải quyết mọi lo ngại về vấn đề Hiến pháp.

Những nỗ lực của McCaul tương đồng với những nỗ lực khác nhằm đặt TikTok ngoài vòng pháp luật tại Hạ viện và Thượng viện Mỹ, bao gồm một dự luật được Đảng viên Đảng Dân chủ Raja Krishnamurthy của Illinois và Đảng Cộng hòa Mike Gallagher của Wisconsin ủng hộ.

Trong tuần, Nghị sĩ Ken Buck của Colorado và Thượng nghị sĩ Josh Hawley của Missouri đã giới thiệu những phiên bản lệnh cấm được đề xuất. Trong một cuộc phỏng vấn, Hawley đã thúc giục ủy ban xem xét những rủi ro an ninh quốc gia của TikTok, yêu cầu Ủy ban phải hoàn thành công việc càng sớm càng tốt và tuyên bố rằng, bán ứng dụng cho Mỹ sẽ giải quyết được mối lo ngại của các nhà lập pháp.

Ngày 27/1, Phát ngôn viên của TikTok Brooke Oberwetter cho biết, "những kêu gọi lệnh cấm hoàn toàn đối với TikTok đã sử dụng phương thức tiếp cận từng phần của vấn đề an ninh quốc gia và đối với những vấn đề rộng lớn của ngành truyền thông xã hội như bảo mật dữ liệu, quyền riêng tư và những tác hại trực tuyến chứ không phải là một kế hoạch tổng thế,” cho thấy các quan chức của Mỹ đang sử dụng những vấn đề này như một công cụ để xóa bỏ TikTok.

"Chúng tôi hy vọng rằng các nhà lập pháp sẽ tập trung nỗ lực vào việc giải quyết những vấn đề đó một cách toàn diện, thay vì giả vờ rằng việc cấm bất kỳ dịch vụ mạng xã hội nào sẽ giải quyết được tất cả các vấn đề mà họ quan tâm và làm cho người Mỹ an toàn hơn", ông nói trong một tuyên bố.

Nếu được thông qua, luật của McCall sẽ được thảo luận tại Hạ viện. Nhưng Quốc hội khó cấm hoàn toàn được TikTok, ứng dụng phổ biến trong giới thanh thiếu niên và sẽ cần 60 phiếu bầu tại Thượng viện.

Ủy ban Đầu tư nước ngoài (CFIUS) của chính phủ Mỹ, một cơ quan an ninh quốc gia quyền lực vào năm 2020 đã ra lệnh cho ByteDance thoái vốn khỏi TikTok vì lo ngại rằng dữ liệu người dùng Mỹ có thể được chuyển cho chính phủ Trung Quốc.

CFIUS và TikTok đã đàm phán từ năm 2021 nhằm đạt được thỏa thuận an ninh quốc gia để bảo vệ dữ liệu của người dùng TikTok ở Mỹ.

TikTok, có hơn 100 triệu người dùng ở Mỹ đã cố gắng trong ba năm để đảm bảo với Washington rằng chính phủ Trung Quốc hoặc bất kỳ cơ quan nào khác dưới sự kiểm soát của Bắc Kinh cũng không thể truy cập thông tin cá nhân của công dân Mỹ và thao tác nội dung của ứng dụng.

TikTok cho biết doanh nghiệp đã đề xuất "gói biện pháp toàn diện với sự tham gia của nhiều cấp chính phủ Mỹ, sự giám sát độc lập từ các tổ chức tư nhân để đảm bảo không có cửa hậu nào xâm nhập vào TikTok, có thể được sử dụng để thao túng nền tảng mạng xã hội" và đã đầu tư khoảng 1,5 tỷ USD cho đến nay cho gói biện pháp kiểm soát này.

Thư ký báo chí Nhà Trắng Karine Jean-Pierre từ chối bình luận về dự luật và nói: “Dự thảo đang được (CFIUS) xem xét nên tôi sẽ không đi vào chi tiết về vấn đề này.”

Tháng 12/1, tổng thống Mỹ Joe Biden đã ký một đạo luật, trong đó có lệnh cấm nhân viên liên bang sử dụng hoặc tải xuống TikTok trên các thiết bị thuộc quyền sở hữu của chính phủ. Hơn 25 tiểu bang của Mỹ cũng đã cấm sử dụng TikTok trên các thiết bị thuộc sở hữu nhà nước.

Theo Reuters