Hà Nội: Tập trung xét nghiệm “thần tốc” sau khi phát hiện 3 ca mắc COVID-19

VietTimes – Do tình hình dịch COVID-19 trên địa bàn TP. Hà Nội phức tạp nên các đơn vị phải xét nghiệm “thần tốc”, truy vết ca bệnh, không để dịch bùng phát.
ông Chử Xuân Dũng - Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội (Ảnh - Trung Nguyên)

Đây là ý kiến chỉ đạo của ông Chử Xuân Dũng - Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội – đưa ra tại họp trực tuyến với các quận, huyện về công tác phòng, chống dịch COVID-19 diễn ra vào chiều nay, ngày 30/4.

Không để lọt ca bệnh nghi ngờ

Sau khi nghe các đơn vị báo cáo, ông Chử Xuân Dũng đã nhấn mạnh tình hình dịch bệnh ở TP phức tạp hơn nhiều so với ngày hôm qua (29/4). Phó Chủ tịch UBND TP phân tích, ca F0 đầu tiên tiếp xúc với ca bệnh Hà Nam ngày 22/4, ngày 26/4 ca dương tính ở Đông Anh tiếp xúc với ca bệnh mới ở Khu công nghiệp Thăng Long. Như vậy đã có ca F2 trở thành F0.

Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội yêu cầu các đơn vị cần tập trung cao độ, thần tốc công tác truy vết, không được bỏ sót trường hợp nào, kết hợp giữa địa phương, CDC, ứng dụng công nghệ thông tin và đặc biệt phải có sự vào cuộc của lực lượng công an. “Nếu chậm giờ nào thì việc đuổi theo rất khó khăn. Truy vết song hành với việc xét nghiệm, cách ly F1, giám sát nghiêm ngặt F2 cách ly tại nhà” – ông Dũng nhấn mạnh.

Toàn cảnh cuộc họp (Ảnh - Trung Nguyên)

Với 2 công ty có ca bệnh mới ở khu công nghiệp Thăng Long, ông Dũng yêu cầu các đơn vị phải truy vết hết F1 ngay, khử khuẩn các khu làm việc, có đề xuất cụ thể về việc phong tỏa, tạm dừng hoạt động từng khu vực, phân xưởng làm sao đảm bảo an toàn phòng dịch nhưng không ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh.

Việc phong tỏa chỉ tiến hành cục bộ hay toàn bộ công ty hoặc ở các xã, thì tùy theo điều tra dịch tễ. Nếu chưa điều tra hết thì phong tỏa diện rộng rồi từng bước nới lỏng. Các khu cách ly cần quản lý chặt chẽ, kiểm tra thường xuyên không để lây chéo hoặc mang mầm bệnh ra ngoài cộng đồng; đảm bảo an toàn cho những người phục vụ.

“Các trường hợp công dân Việt Nam về nước sau cách ly tập trung 14 ngày, khi trở về gia đình, chính quyền địa phương phải tiếp tục giám sát việc tự cách ly 14 ngày ở nhà, thông tin cụ thể để người dân biết, không tiếp xúc và giám sát. Không để trường hợp như bệnh nhân ở Hà Nam khi đã tiếp xúc, giao lưu nhiều” – ông Dũng cho hay.

Với tốc độ lây lan của virus, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội nói rõ: “Công tác xét nghiệm cần nhanh hơn. Sở Y tế cần nhắc nhở lãnh đạo CDC phải tham dự đầy đủ các cuộc họp của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch TP. Hà Nội. Việc xét nghiệm phải thực hiện đúng công thức 4/6, trong 10 tiếng phải trả kết quả xét nghiệm. Đơn vị nào làm sai công thức, để dịch lây lan thì phải chịu trách nhiệm”

Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội chỉ đạo các đơn vị, cơ quan, địa phương phải trực 24/7, tổ chức các đoàn kiểm tra ngay cả trong các ngày nghỉ; tăng cường giám sát, nhắc nhở. “Phải kích hoạt, thực hiện nghiêm phương châm 4 tại chỗ phòng dịch. Sáng nay, 2 công ty có công nhân mắc COVID-19 khi hỏi phương châm 4 tại chỗ thế nào đều không biết. Phát biểu thì hay, báo cáo đầy đủ nhưng thực ra đều lúng túng, không nắm được. Phải tự có biện pháp bảo vệ mình trước, sẵn sàng ứng phó” – ông Dũng cho hay.

Xét nghiệm nhanh chóng để phòng dịch

Liên quan đến chùm ca bệnh ở Hà Nam, ông Hoàng Đức Hạnh - Phó Giám đốc Sở Y tế TP. Hà Nội - cho biết: Hà Nội hiện đã ghi nhận tổng cộng 3 ca mắc COVID-19.

Trường hợp đầu tiên là bệnh nhân N.V.K.,, 28 tuổi, sống ở Khu Trung - Việt Hùng - Đông Anh - Hà Nội. Bệnh nhân là F1 của bệnh nhân 2899, tiếp xúc ngày 22/4. Bệnh nhân được lấy mẫu xét nghiệm ngày 29/4, kết quả dương tính SARS-CoV-2 ngày 29/4 (CDC Hà Nội thực hiện). Hiện, bệnh nhân không có triệu chứng, được điều trị và cách ly điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương.

Trường hợp thứ 2 là bệnh nhân N.Đ.Đ, nam, 27 tuổi, sống ở Lỗ Giao, Việt Hùng, Đông Anh. Làm công nhân làm việc tại công ty Vinco )Kim Chung, Đông Anh, Hà Nội) và trường hợp thứ 2 là bệnh nhân N.H.N., nữ, 25 tuổi, sống ở Lỗ Giao, Việt Hùng, Đông Anh, làm việc tại Công ty Panasonic ở Khu công nghiệp Bắc Thăng Long, Đông Anh, Hà Nội.

Ông Hoàng Đức Hạnh - Phó Giám đốc Sở Y tế TP. Hà Nội (Ảnh - Trung Nguyên)

Kết quả điều tra sơ bộ cho thấy có 33 trường hợp tiếp xúc gần (F1) với bệnh nhân gồm 3 người tại gia đình và 30 tại công ty bệnh nhân làm việc. Hiện, 3 trường hợp dương tính đã được chuyển sang cách ly điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. Các trường hợp F1 của BN 2911 đã được lấy mẫu và cách ly theo quy định, các trường hợp khác đang được tiếp tục tiến hành điều tra, lấy mẫu cách ly theo quy định.

Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phứ tạp, ông Hạnh đề nghị huyện Đông Anh khẩn trương truy vết, lấy mẫu xét nghiệm, thực hiện cách lý tập trung tất cả những trường hợp tiếp xúc gần với trường hợp mắc bệnh (F1); rà soát các trường hợp tiếp xúc với trường hợp tiếp xúc gần (F2), yêu cầu cách ly tại nhà.

Huyện cũng cần tổ chức giám sát chặt chẽ hàng ngày tình hình sức khỏe và tổ chức cách ly y tế, lấy mẫu xét nghiệm theo quy định đối với tất cả trường hợp tiếp xúc gần và có liên quan với bệnh nhân. "Đối với các khu vực đã phong tỏa, cần kiểm soát chặt chẽ không cho người dân ra, vào theo đúng tinh thần “nội bất xuất – ngoại bất nhập". Bên trong khu cách ly: các hộ gia đình phải cách ly giữa nhà với nhà, người dân không được giao lưu” - ông Hạnh nói.

Trước mắt, ông Hạnh đề xuất tổ chức lấy mẫu xét nghiệm toàn bộ người dân thôn Trung, xã Việt Hùng (Đông Anh); thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng tại xã Việt Hùng (nơi ở của các bệnh nhân) và thực hiện Chỉ thị 15 với xã Uy Nỗ.

Hà Nội tự tin có thể kiểm soát tốt dịch bệnh

Tại cuộc họp, PGS. TS. Trần Đắc Phu - cố vấn Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam - đánh giá: Hà Nội đã vào cuộc quyết liệt, đúng hướng, hiệu quả. Ông Phu phân tích cần thống nhất lại quan điểm ứng phó với dịch bởi không có đợt nào giống đợt nào. WHO đang cảnh báo các nước Đông Nam Á về việc nóng lòng có miễn dịch cộng đồng và muốn tháo gỡ dần việc hạn chế các lễ hội đông người sẽ dẫn đến nhiều nguy cơ.

Ông Phu phân tích: Các chủng virus cần quan tâm hiện nay bởi lây lan nhanh là chủng của Anh (B117), chủng Nam Phi, chủng Ấn Độ… Đặc biệt, các ổ dịch ở Việt Nam, dù có ở đâu về cũng thuộc loại lây lan nhanh.

“Các tỉnh có ca bệnh, Hà Nội cũng có ca bệnh bởi đặc thù giao lưu quá lớn, đợt này nguy cơ cao khi có dịp nghỉ lễ 30/4-1/5. Nhưng chúng ta có thể tự tin vì Hà Nội đã xét nghiệm diện rộng cả ngoài cộng đồng và trong các cơ sở y tế và không phát hiện trường hợp nào. Tuy nhiên không thể lơ là vì tốc độ virus hiện nay lây lan nhanh. Cứ làm thế này, Hà Nội có thể tự tin sẽ kiểm soát được dịch bệnh” – ông Phu nói.

Ông Phu nhấn mạnh: Hiện nay, thành phố cần truy vết hết F1, F2 và “khó mấy cũng phải làm, làm phải thật nhanh, không để lây lan. Hà Nội đã có kinh nghiệm truy vết, nhất là lực lượng Công an. Sau đó, khoanh vùng càng gọn càng tốt theo điều tra dịch tễ. Muốn tốt thì phải điều tra dịch tễ tốt. Xác định rõ thì mới khoanh vùng nhỏ được” – ông Phu nhấn mạnh,

Ngoài ra, ông Phu cho rằng: Việc phát hiện các ổ dịch khác phải tiến hành song song lúc này. Đặc biệt chú ý các trường hợp sốt (như phát hiện ca bệnh ở Hà Nam), các cơ sở y tế phải đặc biệt lưu ý. Ông Phu cũng lưu ý thành phố cần rà soát các khu cách ly, thực hiện nghiêm 5k… khai báo y tế trên phương tiện giao thông rất quan trọng để phục vụ truy vết lúc cần.