"Đại chiến" taxi:

Hà Nội “siết” hoạt động của Uber Grab, đặt biển cấm theo giờ tại 13 tuyến phố

VietTimes -- Ngày 10/1, Sở GTVT Hà Nội đã hoàn thành việc lắp biển cấm các xe hợp đồng dưới 9 chỗ đi vào 13 tuyến phố trong khung giờ cao điểm. Từ ngày 11/1, các phương tiện vi phạm sẽ bị lực lượng chức năng xử lý.
Biển cấm đã được lắp đặt hoàn tất ở 13 tuyến phố tại Hà Nội. Ảnh: T.T.Dương.

Cụ thể, 13 tuyến phố cấm xe hợp đồng vào giờ cao điểm gồm Hoàng Hoa Thám, Mai Xuân Thưởng, Giảng Võ, Láng Hạ, Lê Văn Lương, Trường Chinh, Khâm Thiên, cầu Chương Dương (chiều Nguyễn Văn Cừ sang Trần Nhật Duật), Hàng Bài, Phủ Doãn, Cầu Giấy, Xuân Thủy, Giải Phóng.

Các tuyến phố này trước đó cũng đã cấm taxi. Biển báo cấm xe hợp đồng dưới 9 chỗ này được đặt ngay bên cạnh hoặc song song với biển cấm taxi truyền thống. Thời gian cấm từ 6h đến 9h; buổi chiều từ 16h30 đến 19h30.

Trước đó, vào giữa tháng 6/2017, Sở GTVT đã có văn bản kiến nghị UBND Hà Nội về việc quy hoạch số lượng xe Grab, Uber, đặt biển cấm trên một số tuyến phố.

Theo Sở GTVT Hà Nội việc cấm các loại xe hợp đồng sẽ giảm phương tiện cá nhân vào nội đô, giảm ùn tắc giao thông giờ cao điểm.

Sở GTVT cho biết , trước khi đưa ra việc cấm này, Sở đã có văn bản gửi các doanh nghiệp kinh doanh xe hợp đồng dưới 9 chỗ về việc cấm xe ở các tuyến đường.

Tuy nhiên, nhiều người băn khoăn không rõ các cơ quan quản lý sẽ phân biệt, xử phạt xe hợp đồng như thế nào vì rất khó để phân biệt được xe của các hãng vận tải, hợp tác xã vận tải và xe cá nhân tham gia hợp đồng.

"Nếu xe tôi chở khách vào đường cấm mà nhận là người nhà thì có bị phạt không”, một tài xế nói.

Ghi nhận của phóng viên cho thấy, sau khi Bộ GTVT tổng kết thí điểm 2 năm thực hiện đề án 24 và có báo cáo Trình thủ tướng, trong đó có yêu cầu các hãng xe kinh doanh vận tải hợp đồng dưới 9 chỗ phải niêm yết logo, dán nhãn “xe hợp đồng” nếu không sẽ xử phạt… thì đã có nhiều xe tham gia mô hình này niêm yết thông tin.

Tuy nhiên, thực tế hiện nay, không ít lái xe tham gia Grab, Uber hay mô hình xe công nghệ không thông qua các hãng vận tải cũng như hợp tác xã taxi.

Tài xế Grab N.Đ.C, lái xe Kia Morning chạy cho Grab hơn nửa năm cho biết, anh không hề được hãng phổ biến về quy định này của Bộ GTVT. Theo nhận định của anh, dù có đưa ra quy định, cơ quan nhà nước cũng rất khó có đủ nguồn lực để quản lý vấn đề này.

Về phần mình, nếu bị yêu cầu dán logo và niêm yết hai bên thành xe, tài xế này cho biết sẵn sàng bỏ Grab. Lý do rất đơn giản, nguồn thu chính của anh không đến từ việc chạy Grab, chỉ chạy để kiếm thêm thu nhập, trong khi đó việc dán niêm yết sẽ ảnh hưởng đến xe của anh.

Một xe taxi đồng thời tham gia hoạt động Grab và thực hiện nghiêm chỉnh việc dán logo của hãng taxi công nghệ. Ảnh: Ánh Dương.

Cùng nhận định trên, tài xế tên Mạnh, có thâm niên gần 1 năm chạy cho Uber cũng cho biết, anh có biết taxi truyền thống yêu cầu taxi công nghệ dán logo và niêm yết. Nhưng do hãng không yêu cầu và không phổ biến nên anh không biết Bộ có các yêu cầu này.

Thông tin thêm, anh Mạnh cho biết anh thuê chiếc xe này với giá 10 triệu đồng/tháng để chạy toàn thời gian cho Uber. Tuy nhiên, ngoài Uber, anh vẫn đăng ký chạy thêm cho Grab để kiếm thêm thu nhập.

Ngoài ra, việc cắm biển báo đã được thực hiện, nhưng hiện chế tài xử phạt các xe vi phạm không rõ dựa vào điều luật nào của pháp luật?

Mới đây, Bộ GTVT mới có văn bản trình Thủ tướng tổng kết 2 năm hoạt động thí điểm của mô hình này. Trong đó có đề xuất các phương pháp xử lý và đang chờ sự trả lời của Thủ tướng về mô hình này, nhưng Sở GTVT Hà Nội đã có biển báo cấm đường và “sẽ xử phạt các xe vi phạm”, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Vũ Văn Viện nói.

Tuy nhiên, chính Bộ GTVT hiện nay vẫn chưa thể định danh được mô hình dịch vụ vận tải kiểu mới này, do đó chưa thể áp dụng được các điều luật hiện hành để xử lý vi phạm các tài xế hoạt động trong mô hình này.