Hà Nội rao bán quyền mua cổ phần Havisco: Có gì hấp dẫn?

VietTimes -- Trong khi 2 cổ đông lớn khác đã thực hiện quyền mua cổ phần Havisco, UBND TP. Hà Nội quyết định đem bán đấu giá với mức khởi điểm là 700 đồng/quyền mua, giảm tỷ lệ sở hữu xuống dưới 10%.
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)

Theo Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), UBND TP. Hà Nội sẽ thực hiện đấu giá toàn bộ quyền mua cổ phần tại CTCP Truyền thông Nghe nhìn Hà Nội (Havisco) thuộc sở hữu của đơn vị này.

Cụ thể, UBND TP. Hà Nội sẽ bán đấu giá 1.848.000 quyền mua với mức giá khởi điểm là 700 đồng/quyền mua (căn cứ theo Chứng thư thẩm định giá số 348/2018/CT-TĐG-VAI ngày 15/10/2018 của Công ty TNHH Thẩm định giá và Giám định Việt Nam).

Như vậy, nếu phiên đấu giá diễn ra thuận lợi, UBND TP. Hà Nội sẽ thu về số tiền tối thiểu là 1,29 tỷ đồng. Phiên đấu giá dự kiến sẽ diễn ra vào lúc 8h30 ngày 28/3/2019 tại HNX.

Những chuyển biến “bên trong” Havisco

Havisco tiền thân là Công ty Nghe Nhìn Hà Nội trực thuộc Đài PTTH Hà Nội, được thành lập từ ngày 5/8/1989, nhằm phục vụ sự nghiệp chính trị của cơ quan này. Từ năm 2014, Havisco bắt đầu tiến hành cổ phần hóa và chính thức hoạt động theo mô hình công ty cổ phần từ tháng 6/2016 với vốn điều lệ 10 tỷ đồng.

Theo phương án cổ phần hóa, cổ đông Nhà nước nắm giữ 45%, cổ phần bán ưu đãi cho người lao động 12,41% và phần còn lại, tương đương với 42,59% vốn điều lệ, được thực hiện bán đấu giá công khai.

Tuy nhiên, tính tới ngày 31/12/2017, bên cạnh cổ đông Nhà nước (chiếm 46,2% vốn điều lệ), cơ cấu cổ đông của Havisco chỉ có sự góp mặt của CTCP Đầu tư phát triển đô thị và thương mại (TUDI.,JSC) với 42,59% và cá nhân bà Lê Thị Hồng Thanh (chiếm 11,21%). 

Năm 2018, Havisco đã lên kế hoạch chào bán cổ phiếu cho các cổ đông hiện hữu, tăng quy mô vốn điều lệ từ 10 tỷ đồng lên mức 50 tỷ đồng. Mục đích nhằm đảm bảo nguồn vốn sản xuất kinh doanh trong khi Havisco đang gặp khó khăn về tài chính.

Ngoại trừ cổ đông Nhà nước là UBND TP. Hà Nội, hai cổ đông còn lại đã thực hiện quyền mua cổ phiếu với giá 10.000 đồng/cổ phần, góp đủ phần vốn theo phương án trên. Điều này đẫn đến quy mô vốn và tỷ lệ sở hữu tại Havisco có nhiều thay đổi.

Cụ thể, vốn điều lệ của Havisco đã tăng lên mức 31,52 tỷ đồng. Trong đó, TUDI.,JSC trở thành cổ đông lớn nhất với 67,56% vốn điều lệ, tiếp đến là bà Lê Thị Hồng Thanh (17,78%) và cổ đông Nhà nước là UBND TP. Hà Nội (14,66%).

Được biết, TUDI.,JSC được thành lập từ năm 2005, từng là một thành viên của Tổng công ty Sông Hồng (Bộ Xây dựng). Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ - ông Phạm Đình Mạnh (sinh năm 1963) từng là cán bộ của bộ Xây dựng và là người đại diện phần vốn Nhà nước tại TUDI.

3 nhà đầu tư mua hết 3,38 triệu cổ phần của Hapulico tại doanh nghiệp BĐS

Công ty này cũng là cổ đông nắm giữ cổ phần chi phối tại CTCP Bất động sản Hapulico - doanh nghiệp được thành lập năm 2008 nhằm mục đích đầu tư tổ hợp Hapulico Complex tại ngã ba Nguyễn Huy Tưởng - Ngụy Như Kon Tum. Bên cạnh đó, TUDI.,JSC cũng đang đầu tư vào một số dự án bất động sản khác.

Quay trở lại với Havisco, nếu cổ đông trúng đấu giá thực hiện quyền mua, tỷ lệ sở hữu của UBND TP. Hà Nội sẽ giảm về mức 9,24% vốn điều lệ. 

Trước đó, UBND TP. Hà Nội đã thực hiện chào bán 462.000 cổ phần Havisco với mức giá lên tới 75.000 đồng/cổ phần nhằm triệt thoái vốn vào đầu năm 2018. Do chỉ 1 nhà đầu tư đăng ký tham gia đấu giá, UBND TP. Hà Nội đã không thể thực hiện thoái vốn thành công.

Havisco có gì hấp dẫn?

Sau khi cổ phần hóa, Havisco chuyên cung cấp các dịch vụ: Sản xuất phim; Dịch vụ kỹ thuật nghe nhìn; Khai thác quảng cáo và Sản xuất ca nhạc. Tuy nhiên, nguồn doanh thu chủ yếu của doanh nghiệp này đến từ việc cho thuê mặt bằng, phần nhỏ doanh thu còn lại đến từ bán băng đĩa, sản xuất phim.

Kết quả kinh doanh của Havisco trong những năm gần đây không mấy khả quan, với số lỗ lũy kế lên tới 6 tỷ đồng (tính đến ngày 30/6/2018). Trong đó, 6 tháng đầu năm 2018, Havisco đã lỗ tới 1,4 tỷ đồng.

Về thực trạng tài chính, vào năm 2017, đơn vị kiểm toán đã đưa ra ý kiến ngoại trừ với một số khoản mục có số dư lớn trên Báo cáo tài chính nhưng chưa có đủ biên bản, hồ sơ xác nhận.

Tổng giá trị tài sản của Havisco ghi nhận sự giảm mạnh vào trong giai đoạn 2016 - 2017 từ mức 30,9 tỷ đồng xuống 19,38 tỷ đồng (-37,28%). Xu hướng này vẫn tiếp tục trong 6 tháng đầu năm 2018 với tổng giá trị tài sản giảm xuống ở mức 17,8 tỷ đồng.

Điểm hấp dẫn hiếm hoi của Havisco lại đến từ việc công ty này đang sở hữu quyền thuê đất, xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc giải quyết tranh chấp tại một số khu đất có vị trí đắc địa tại Hà Nội.

Trong đó, vào tháng 4/2018, Havisco đã được gia hạn thuê thêm 30 năm đối với lô đất tại Số 26 Hàng Dầu, phường Hàng Bạc, Hoàn Kiếm, Hà Nội (trụ sở của công ty) có diện tích 290,8 m2. Khu đất này đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất từ trước khi Havisco được cổ phần hóa.

Bên cạnh đó, Havisco đang có tranh chấp, chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng tại khu đất của một số cơ sở (tại Hà Nội) như: Số 61 Đinh Tiên Hoàng (59,5 m2); Tầng 1 số 39 phố Đinh Tiên Hoàng (29,5 m2); Số 51 ngõ Nguyễn Thái Học (55,4 m2); E1 Bách Khoa, phường Bách Khoa, quận Hai Bà Trưng (121 m2)./.