Hà Nội phòng dịch thế nào sau khi mở cửa các địa điểm văn hoá tâm linh?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Hà Nội phòng dịch thế nào sau khi mở cửa Chùa Hương khi hiện tại vẫn đang có khoảng 3.000 ca nhiễm mới mỗi ngày? BS. Lê Quốc Hùng - Trưởng khoa Bệnh Nhiệt đới, BV Chợ Rẫy - đã có cuộc trao đổi với VietTimes.

BS. Lê Quốc Hùng - Trưởng khoa Bệnh Nhiệt đới, BV Chợ Rẫy. Ảnh: HB
BS. Lê Quốc Hùng - Trưởng khoa Bệnh Nhiệt đới, BV Chợ Rẫy. Ảnh: HB

*Thưa bác sĩ, trong điều kiện hiện tại khi Hà Nội vẫn đang kéo dài tình trạng mỗi ngày có thêm khoảng 3.000 ca nhiễm mới và đứng đầu cả nước về số ca COVID-19 nặng sau 6 ngày nghỉ Tết, nhưng đã hoả tốc cho phép mở cửa Chùa Hương. Địa điểm đặc biệt này hàng năm được rất đông người dân nhiều tỉnh thành đến thăm viếng. Quyết định này có quá sớm so với diễn biến dịch bệnh của Hà Nội?

BS. Lê Quốc Hùng: - Chùa Hương là một điểm văn hoá tâm linh đặc biệt. Ngoài Chùa Hương, còn có nhiều địa điểm liên quan đến tín ngưỡng nữa mà người dân thì lúc nào cũng có niềm tin nên rất khó xếp chung các địa điểm văn hoá tâm linh vào quy định phòng, chống dịch nói chung. Miền Bắc có Chùa Hương, miền Nam có chùa Bà Chúa Xứ được rất đông người dân thăm viếng mỗi năm và nhiều địa điểm văn hoá tâm linh khác. Rất cần chính các địa điểm văn hoá tâm linh quản lý chặt về số lượng người ra vào, đảm bảo 5K.

Nói về việc quyết định mở cửa có sớm quá hay không, thì CDC TP Hà Nội phải trả lời được là với số bệnh nhân đang tăng lên như thế thì y tế của Hà Nội có đáp ứng được hay không? Y tế địa phương có bị quá tải hay không? Số ca bệnh nặng và số tử vong vì COVID-19 có tăng lên hay không?

Tổng thể của tình hình dịch tại Việt Nam giai đoạn trước Tết đang là khoảng 15.000 ca nhiễm mới mỗi ngày, nhưng sau Tết, vì di biến động dân cư đi lại nhiều tỉnh thành, thăm viếng người thân, đón Tết nguyên đán ở quê, đến hiện tại số F0 mới đang tăng lên là xấp xỉ 22.000 F0 mỗi ngày, như vậy tạm tính là mức tăng khoảng 25%. Với số F0 tăng lên như thế, về con số thì nghe khá đáng sợ nhưng cũng phải nhìn nhận một tín hiệu đáng mừng là số bệnh nhân tăng nặng không nhiều và số ca tử vong đang khá thấp. Đây là do hiệu quả của vaccine.

Sắp tới, khi học sinh đi học trực tiếp trở lại, chắc chắn số ca nhiễm mới còn tiếp tục tăng cao, đây là một thực tế và cũng phải chấp nhận thực tế đó để cuộc sống được trở lại bình thường. Nhiều nước châu Âu sau khi mở cửa đã tăng tới cả trăm ngàn F0 mỗi ngày nhưng đáng mừng không bị quá tải về y tế. Tôi đánh giá việc Việt Nam đang áp dụng những chính sách sống chung với dịch là đúng hướng. Người dân cần nâng cao ý thức, tuân thủ 5K, tiêm vaccine đủ số mũi và cả mũi bổ sung để phòng ngừa dịch bệnh.

Bác sĩ Lê Quốc Hùng nhấn mạnh, người dân cần nâng cao ý thức, tuân thủ 5K, tiêm vaccine đủ số mũi và cả mũi bổ sung để phòng ngừa dịch bệnh.

Bác sĩ Lê Quốc Hùng nhấn mạnh, người dân cần nâng cao ý thức, tuân thủ 5K, tiêm vaccine đủ số mũi và cả mũi bổ sung để phòng ngừa dịch bệnh.

*Chắc chắn không có chính quyền nào ngăn cản văn hoá tâm linh của người dân nhưng ở Hà Nội hiện tại thì lực lượng y tế nhiều phường vì không đủ nhân sự nên đã yêu cầu các F0 ra trạm y tế lấy thuốc. Hiện tại đã thiếu nhân sự và đáp ứng y tế ở mức độ không đảm bảo an toàn như thế, nhưng lại quyết định mở cửa chùa chiền, thì người dân khó có thể đảm bảo 5K khi đi lễ? Liệu Hà Nội và nhiều tỉnh thành lân cận sẽ cùng phải đối mặt với rủi ro tăng cao số ca nhiễm mới mỗi ngày?

BS. Lê Quốc Hùng: - Dịch bệnh tăng hay không phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, trong đó có khả năng đáp ứng y tế của các địa phương với tình trạng dịch bệnh bùng lên. Nếu đủ khả năng cấp cứu, điều trị bệnh nhân nặng, hạn chế được số ca tử vong trong tầm kiểm soát thì vẫn có thể cho mở cửa. Khả năng bùng dịch đúng là có nhưng hiện tại cơ sở y tế của hầu hết các tỉnh thành đều có thể đáp ứng với công tác chống dịch nên vẫn có thể mở cửa được.

Việc y tế một số phường yêu cầu F0 ra trạm y tế lấy thuốc thì là cái sai cá biệt của từng địa phương. Điều này làm gia tăng yếu tố lây lan dịch bệnh và không đảm bảo sức khoẻ cho chính các F0.

TP.HCM giai đoạn trước phải chịu hậu quả nặng nề do nhiều yếu tố, cũng có cả sự chủ quan của hệ thống y tế, ngoài ra còn có yếu tố người dân chưa được tiêm đủ vaccine. Nhưng hiện tại thì các tỉnh thành đều đã học được bài học của TP.HCM rồi, nên tôi tin rằng các tỉnh thành đều sẽ có cách ứng phó với dịch tốt hơn.

*Thưa bác sĩ, thực tế là lượng người dân đang cư trú tại TP.HCM di chuyển về quê rất đông dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần, nhưng đa phần đều tuân thủ test nhanh COVID-19 trước khi bay để đảm bảo phòng dịch, hạn chế lây lan, dù hàng không không có yêu cầu này. Hơn nữa, TP.HCM đã trở thành vùng xanh hoàn toàn nên việc điều trị một số lượng ít bệnh nhân không phải là vấn đề. Trong khi đó, tại các địa phương, với số ca nhiễm mới tăng lên nhiều như hiện tại, rất nhiều bệnh nhân cho biết không nhận được thuốc Molnupiravir. Xin bác sĩ có lời khuyên đối với các F0 đang tự điều trị tại nhà để người dân yên tâm tự điều trị?

BS. Lê Quốc Hùng: - Trải qua thời gian đỉnh dịch, TP.HCM đã rút ra được bài học về việc không điều trị F0 tập trung bởi đây là một gánh nặng cho Chính phủ và y tế địa phương không thể nào đáp ứng nổi đối với một số lượng bệnh nhân quá lớn, khi tập trung ở một chỗ sẽ không thể chăm sóc họ tốt nhất.

Khu điều trị COVID-19 - Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM những ngày căng thẳng chiến đấu với dịch bệnh bùng phát. Ảnh: MT
Khu điều trị COVID-19 - Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM những ngày căng thẳng chiến đấu với dịch bệnh bùng phát. Ảnh: MT

F0 điều trị tại nhà và tại bệnh viện, tuỳ theo thời điểm, cũng có những yếu tố khác nhau. Với một số lượng bệnh nhân ít, nhân viên y tế đầy đủ thì nên điều trị tập trung vì y tế đáp ứng được khả năng chăm sóc bệnh nhân và cũng hạn chế tốt nhất lây nhiễm trong cộng đồng, khả năng lây lan giảm xuống rõ rệt. Còn khi số F0 trong cộng đồng đã quá nhiều mà vẫn đưa vào cơ sở y tế tập trung thì nhân viên y tế không đủ để chăm sóc, bệnh nhân thì phải đối mặt với áp lực xa nhà, thiếu thốn, tinh thần bị mệt mỏi trong khu cách ly trở thành tác dụng ngược đối với yếu tố bệnh lý, dễ dẫn đến tăng nặng. Nên trong điều kiện hiện tại, F0 được điều trị tại nhà có thể áp dụng rất nhiều biện pháp điều trị đã được Bộ Y tế thông qua và có hướng dẫn đầy đủ. Thông tin từ Bộ Y tế cho hay, có tới khoảng 70-80% bệnh nhân bị nhiễm mới không tăng nặng và sẽ khỏi sau một số ít ngày nhiễm virus.

Đừng hiểu nhầm Molnupiravir là thuốc đặc trị COVID-19. Molnupiravir được Ấn Độ phát triển, thuốc này được đưa về Việt Nam cũng đang nằm trong nghiên cứu thử nghiệm đến giai đoạn 3 chứ chưa phải đã được chấp nhận điều trị COVID-19 tại Việt Nam. Nhiều người dân vẫn chưa hiểu đúng nên thường thắc mắc là tại sao người khác được mà mình không nhận được? Gần đây, Molnupiravir mới vừa được CDC Mỹ thông qua đưa vào điều trị COVID-19. Việt Nam cũng mới thống kê nghiên cứu riêng của phía Việt Nam về thuốc này, cho thấy có thể sử dụng được trong quá trình điều trị. Nên trong giai đoạn tới, thuốc này có thể được sản xuất tại Việt Nam. Lúc đó, Molnupiravir mới được sử dụng đại trà, còn từ trước tới giờ vẫn đang là nguồn thuốc nghiên cứu. Người dân không nên cố tình đi tìm mua các nguồn thuốc trôi nổi bên ngoài, phía cơ quan Công an cũng đã đang điều tra, bắt rất nhiều nguồn tiêu thụ thuốc giả, không an toàn với quá trình điều trị của người dân.

Thuốc có tác dụng làm rối loạn sao chép RNA của virus, các lõi RNA bị lỗi, sao chép sẽ không hoàn thiện quá trình hình thành các con virus mới. Kỳ vọng của các nhà chuyên môn đặt vào khả năng thuốc làm cho virus không tiếp tục nhân lên. Nhưng thực tế ở Việt Nam giai đoạn điều trị COVID-19 vừa rồi cho thấy có tới khoảng 70-80% bệnh nhân không cần sử dụng tới các loại thuốc đặc trị như Molnupiravir mà vẫn khỏi bệnh. Số bệnh nhân nhận được thuốc này chỉ là nằm trong số người cam kết thực hiện thử nghiệm điều trị với Molnupiravir mà thôi. Không phải ai cũng cần phải uống Molnupiravir.

*Xin cảm ơn bác sĩ đã dành thời gian cho độc giả VietTimes!