Đảm bảo mọi người dân đều được tiêm vaccine
Thông tin về tình hình tiêm vaccine phòng COVID-19 trên địa bàn TP. Hà Nội, ông Chu Ngọc Anh - Chủ tịch UBND TP. Hà Nội - cho biết: Trong 4 đợt tiêm chủng vừa qua, Hà Nội mới được phân bổ 17.000 lọ vaccine AstraZeneca, tương đương khoảng 200.000 liều.
Để đảm bảo tiêm vaccine phòng COVID-19 hiệu quả, Hà Nội đã ban hành phương án triển khai tiêm trên toàn địa bàn với khoảng 8,3 triệu dân. Số lượng đối tượng tiêm chủng tạm tính là trên 5,1 triệu người từ 16-65 tuổi theo Nghị quyết của Chính phủ, đồng thời, mở rộng ra đối tượng khác, chia làm 10 nhóm đối tượng ưu tiên đảm bảo minh bạch trong tiêm vaccine. Nếu nguồn cung vaccine đảm bảo, thành phố sẽ phấn đấu đạt tối đa 200.000 mũi tiêm/ngày. Thành phố đã huy động 100 tổ cấp cứu cơ động để sẵn sàng đáp ứng trong trường hợp xảy ra các phản ứng sau tiêm chủng.
“Hiện, các đơn vị đã lên kịch bản tiêm gồm 50.000 liều, 100.000 liều, và có thể đạt tối đa 200.000 người một module. Thành phố sẽ lập 824 điểm tiêm chủng cả cố định và di động với 1.000 dây chuyền tiêm chủng, 200 người/ngày và 200 dây chuyền dự phòng. Sẵn sàng tập huấn chuyên môn, bổ sung thêm 946 dây mới trên toàn thành phố, tổ chức 100 tổ cấp cứu di động và huy động Trường Đại học Y, bác sĩ nghỉ hưu, đảm bảo sẵn sàng tiêm. Đến nay, thành phố có thể tiếp nhận tối đa cùng lúc 1,3 triệu liều vaccine phòng COVID-19 và cấp vaccine cho nơi có nguy cơ cao nhiều hơn, khi đủ vaccine thì tiêm cho tất cả các đối tượng” – ông Chu Ngọc Anh nói.
Bác sĩ tư vấn tiêm vaccine phòng COVID-19 (Ảnh - Tuấn Dũng) |
Ông Chu Ngọc Anh nhấn mạnh: “Đây là chiến dịch tiêm chủng quy mô lớn chưa có tiền lệ, do đó, công tác chỉ đạo, tổ chức cần thống nhất, xuyên suốt và chặt chẽ. Hà Nội đã sẵn sàng mạnh mẽ cho chiến dịch, quyết tâm sớm thực hiện thành công, an toàn chiến dịch tiêm chủng nhằm đạt mục tiêu tạo miễn dịch cộng đồng để các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội trở lại trạng thái bình thường mới”.
Người dân có thể đăng ký tiêm vaccine theo 2 cách
Chia sẻ về việc đăng ký tiêm vaccine phòng COVID-19 của người dân, bà Trần Thị Nhị Hà - Giám đốc Sở Y tế Hà Nội – cho biết: Người dân có thể đăng ký tiêm vaccine Covid-19 theo 2 cách. Đăng ký giấy tại xã, phường, thị trấn, hoặc đăng ký online (trực tuyến) trên cổng thông tin tiêm chủng COVID-19 hoặc ứng dụng "Sổ sức khỏe điện tử" cho điện thoại thông minh.
Sở Y tế Hà Nội sẽ căn cứ vào phiếu đăng ký để sàng lọc cụ thể từng đối tượng tiêm chủng, rồi phân loại tùy theo tình hình sức khỏe. Từ đó, có người sẽ tiêm tại các điểm tiêm thông thường, cũng có người sẽ tiêm ở bệnh viện.
Theo bà Hà, người trên 65 tuổi vẫn nên đăng ký tiêm chủng. Căn cứ vào tình hình sức khỏe, sau khi khám lâm sàng, mới quyết định việc họ có được tiêm vaccine hay không. Để bảo đảm giãn cách, tránh xảy ra tình trạng ùn tắc tại điểm tiêm, thành phố sẽ căn cứ vào phiếu đăng ký tiêm chủng của người dân, từ đó xây dựng kế hoạch sát với thực tế. Ngành y tế sẽ gọi điện, nhắn tin, mời từng người dân đến điểm tiêm chủng.
Bác sĩ khám sàng lọc cho người dân trước khi tiêm vaccine phòng COVID-19 (Ảnh - Minh Thuý) |
Ngoài ra, nhằm tránh xảy ra tình trạng quá tải, bảo đảm giãn cách an toàn, chúng tôi cũng mong người dân phối hợp với ngành Y tế, chấp hành nghiêm túc các quy định. Người dân khi đến điểm tiêm phải theo đúng khung giờ được gọi, tuân thủ nghiêm quy định, thông điệp 5K của Bộ Y tế.
Theo Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, thành phố sẵn sàng 1.200 dây chuyền tiêm. Mỗi dây chuyền tiêm được khoảng 200 liều vaccine COVID-19/ngày. Dây chuyền tiêm chủng gồm bộ phận tiếp đón đo nhiệt độ, huyết áp; một cán bộ khám tư vấn chỉ định tiêm; một cán bộ tiêm; một cán bộ theo dõi sau tiêm và bộ phận nhập dữ liệu tiêm chủng.
"Tuy nhiên, đến thời điểm này, tiêm được bao nhiêu và mở các điểm tiêm như thế nào hoàn toàn phụ thuộc vào lượng cấp phát vaccine của Bộ Y tế" - bà Hà cho hay.