Một cửa hàng của Công ty Nhật Cường tại số 33 Lý Quốc Sư, Hà Nội - Ảnh: Q.V |
Xem các bài trước trong tuyến bài Dịch vụ công trực tuyến Hà Nội:
Bài 1: Hà Nội “căng mình” theo dịch vụ công trực tuyến
Mua máy tính bảng
Chủ trương mua sắm máy tính bảng có từ trước đây khi Hà Nội đầu tư cho các đại biểu HĐND sử dụng trong các kỳ họp. Cuối năm 2016 UBND TP. Hà Nội lại tiếp tục đẩy lên một bước nữa là đầu tư cho lãnh đạo UBND TP, sở, ngành, quận, huyện,... máy tính bảng để phục vụ công tác chỉ đạo điều hành.
Theo Quy chế quản lý, sử dụng máy tính bảng được Hà Nội ban hành vào tháng 3/2017, Chủ tịch, các Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội; Chánh Văn phòng, các Phó Chánh Văn phòng UBND Thành phố; Lãnh đạo các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã trực thuộc Thành phố sẽ được trang bị máy tính bảng phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành.
Hà Nội cũng yêu cầu việc sử dụng máy tính bảng chỉ được cài đặt các phần mềm dùng chung của Thành phố như: Hộp thư điện tử: https://mail.hanoi.gov.vn; Quản lý văn bản và điều hành tác nghiệp: http://qlvb.hanoi.gov.vn; Cổng giao tiếp điện tử Hà Nội: https//www.hanoi.gov.vn; Cổng dịch vụ công: https://egov.hanoi.gov.vn.
Và toàn bộ tài liệu (giấy mời, báo cáo...) phục vụ các cuộc họp của lãnh đạo Thành phố với Giám đốc, Phó Giám đốc các Sở và Chánh Thanh tra Phó Chánh Thanh tra Thành phố; Chủ tịch, các Phó Chủ tịch UBND quận huyện thị xã; Lãnh đạo, Thủ trưởng các đơn vị thuộc Thành phố được gửi qua hệ thống thư điện tử, phần mềm quản lý văn bản của Thành phố, không gửi tài liệu giấy (ngoại trừ các tài liệu mật, tối mật, tuyệt mật).
UBND TP. Hà Nội giao Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội thực hiện việc mua sắm và bàn giao cho các đơn vị trực thuộc để cài đặt và sử dụng các ứng dụng công nghệ thông tin dùng chung của thành phố.
Vào cuối năm 2016, Sở Thông tin và Truyền thông đã bắt đầu thực hiện việc mua sắm máy tính bảng và bút cảm ứng để cài đặt ứng dụng điều hành của TP. Hà Nội. Theo Quyết định phê duyệt số 516/QĐ-STTTT ngày 20/12/2016 với tổng mức đầu tư là 2,488 tỷ đồng.
Ngay sau đó, Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ kỹ thuật Nhật Cường đã trúng thầu dự án này. Cụ thể, ngày 31/12/2016, Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội ban hành văn bản số 554/QĐ-STTTT phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu, Công ty Nhật Cường là đơn vị trúng thầu với giá trúng thầu gói máy tính bảng là 1,995 tỷ đồng, đúng bằng giá gói thầu đã được chào trước đó.
Tương tự, ngày 6/1/2017, Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội tiếp tục có văn bản số 02/QĐ-STTTT phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu gói thầu mua bút cảm ứng dùng cho máy tính bảng, cũng là Công ty Nhật Cường trúng thầu với giá chẵn 483 triệu đồng, đúng bằng giá gói thầu đưa ra.
Mới đây nhất, vào 8/2017, Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội tiếp tục có Quyết định 259/QĐ-STTTT phê duyệt dự án đầu tư mua sắm thiết bị máy tính bảng thuộc Chương trình ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước thành phố Hà Nội năm 2017 (Đợt 1), với tổng mức đầu tư dự kiến là 739,335 triệu đồng. Trong đó, dự kiến chi cho việc mua máy tính bảng là 736,5 triệu đồng, còn lại 2,835 triệu đồng dành cho thẩm định giá thiết bị. Dự kiến thời gian lựa chọn nhà thầu vào quý 3/2017.
Chưa biết Nhật Cường có tham gia và trúng gói thầu này nữa hay không nhưng có thể thấy thời gian gần đây doanh nghiệp này đã bắt đầu tham gia mạnh vào câu chuyện ứng dụng CNTT của TP. Hà Nội.
Tuy hai là một ?
Theo tìm hiểu của VietTimes tại địa chỉ số 39-41 Lý Quốc Sư, phường Hàng Trống, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội có tới 02 doanh nghiệp đăng ký làm trụ sở chính, đó là Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ kỹ thuật Nhật Cường và Công ty TNHH Giải pháp phần mềm Nhật Cường. Cả hai doanh nghiệp này công bố số điện thoại bàn trùng nhau và đang song cùng hoạt động.
Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ kỹ thuật Nhật Cường được đăng ký kinh doanh lần đầu vào ngày 20/6/2001 với số vốn điều lệ chỉ vỏn vẹn 5 tỷ đồng. Đến nay, doanh nghiệp này vẫn có số vốn điều lệ khá khiêm tốn là 38 tỷ đồng, vẫn do ông Trần Ngọc Ánh và Bùi Quang Huy đóng góp. Trong đó, ông Ánh chỉ đóng góp 3,8 tỷ đồng (tương đương 10%) còn ông Bùi Quang Huy đóng góp 34,2 tỷ đồng (tương đương 90%) và giữ chức Tổng Giám đốc. Ông Huy sinh năm 1974, có hộ khẩu thường trú ngay tại phường Hàng Trống, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ kỹ thuật Nhật Cường được đăng ký ngành nghề kinh doanh chính là buôn bán thiết bị và linh kiện điện tử viễn thông, lĩnh vực xuất bản phần mềm không phải là ngành nghề kinh doanh chính. Thực tế hiện nay doanh nghiệp này khá nổi tiếng với nhiều chi nhánh kinh doanh mặt hàng điện thoại di động trên toàn TP. Hà Nội.
Trong khi đó, Công ty TNHH Giải pháp phần mềm Nhật Cường hiện có số vốn điều lệ cũng chỉ 30 tỷ đồng do ông Võ Minh Hiếu, sinh năm 1980, người gốc Quảng Ngãi làm Giám Đốc.
Đặc biệt, ngành nghề đăng ký kinh doanh chính của Công ty TNHH Giải pháp phần mềm Nhật Cường là xuất bản phần mềm; lĩnh vực bán buôn thiết bị và linh kiện điện tử, viễn thông không phải ngành nghề đăng ký kinh doanh chính. Điều này trái ngược hoàn toàn với Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ kỹ thuật Nhật Cường.
Điểm đáng lưu ý nữa là Công ty TNHH Giải pháp phần mềm Nhật Cường có thể nói là còn khá non trẻ khi mới đăng ký kinh doanh lần đầu vào ngày 29/1/2016. Đây cũng là thời điểm Hà Nội bắt đầu đẩy mạnh việc ứng dụng CNTT vào hoạt động của các cơ quan nhà nước khi ngày 16/9/2015 Thành ủy Hà Nội ban hành Chỉ thị 31-CT/TU tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng về đẩy mạnh ứng dụng, phát triển CNTT đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế và ngay sau đó là các Nghị quyết, kế hoạch về việc ứng dụng CNTT trong hoạt động cơ quan của TP cũng lần lượt được ban hành.
Trên cơ sở đó, Hà Nội bắt tay vào việc mua sắm hàng loạt máy móc, thiết bị công nghệ và thuê cung cấp dịch vụ phần mềm triển khai. Trong đó, Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ kỹ thuật Nhật Cường được TP. Hà Nội giao thực hiện dự án lớn nằm trong kế hoạch triển khai DVCTT của Hà Nội đó là xây dựng cơ sở dữ liệu dân cư của TP và triển khai hệ thống phần mềm DVCTT eSAMs.
Tuy nhiên, trên website của Công ty TNHH Giải pháp phần mềm Nhật Cường lại thể hiện rất rõ là doanh nghiệp này cung cấp hệ thống phần mềm eSAMs, và họ có các khách hàng tiêu biểu là Công an TP. Hà Nội, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội và UBND TP. Hà Nội.
Vậy trong 2 doanh nghiệp Nhật Cường trên, doanh nghiệp nào thực sự cung cấp hệ thống phần mềm DVCTT cho Hà Nội, hay tuy hai nhưng lại là một ?
Xem các bài trước trong tuyến bài Dịch vụ công trực tuyến Hà Nội:
Bài 1: Hà Nội “căng mình” theo dịch vụ công trực tuyến
Bài 3: Chọn phần mềm “Một cửa” DVCTT: Hà Nội gọi tên ai?