|
Người dân gửi đồ vào bên trong khu vực phong toả (Ảnh - Minh Thuý) |
Thường trực Thành ủy có chỉ đạo điều chỉnh các biện pháp theo hướng, sẽ không triển khai 3 vùng như hiện nay. Việc phong tỏa phải bám sát chỉ đạo của Thủ tướng, hướng dẫn của Bộ Y tế. Thành phố sẽ không phong tỏa quy mô lớn, chỉ thực hiện quy mô hẹp nhất ở các điểm phong tỏa để kiểm soát tốt dịch bệnh, nhưng vẫn tạo điều kiện tối đa đảm bảo hoạt động phục hồi kinh doanh, đời sống nhân dân”, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền nêu.
Chiều 16/9, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền đã chủ trì phiên giao ban Sở Chỉ huy phòng chống dịch COVID-19 thành phố.
Doanh nghiệp và người dân đã mệt mỏi vì giãn cách quá lâu
Theo ông Quyền, trong chiều 16/9, Ban Cán sự Đảng UBND thành phố đã báo cáo Thường trực Thành uỷ, Ban Thường vụ Thành ủy về kết quả phòng chống dịch đến ngày 15/9, trong đó trọng tâm là 2 mũi “chủ công” xét nghiệm, tiêm phủ vắc xin mũi 1 cho người trên 18 tuổi.
Theo đó, đến nay, thành phố đã xét nghiệm được 85% số người theo kế hoạch, việc tiêm vắc xin đạt 93,18%. "Những người còn lại chưa được tiêm vắc xin là nằm trong đối tượng chống chỉ định, người già có bệnh nền sức khỏe yếu, không đủ điều kiện tiêm chủng. Ở huyện Thanh Oai, có cụ 106 tuổi cũng đi tiêm - đây là minh chứng sự đồng thuận của nhân dân”, ông Quyền nói.
Theo ông Quyền, các quận huyện thị xã, xã phường thị trấn cần rà duyệt lại để xây dựng ngay kế hoạch để tiêm vắc xin mũi 2 theo thời hạn khuyến cáo của từng loại vắc xin. Có danh sách từng đối tượng với từng loại vắc xin để từ đó, thành phố phối hợp với Bộ Y tế để đảm bảo nguồn cung.
“Phải triển khai càng sớm càng tốt, theo đúng thời gian với từng người, từng loại vắc xin. Tập trung triển khai tiêm vắc xin mũi 2 mới có thể yên tâm phần nào”, ông Quyền nói.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Mạnh Quyền nêu, Thường trực Thành ủy và Ban Thường vụ Thành uỷ Hà Nội đã họp bàn rất cụ thể để chỉ đạo rõ việc trong giai đoạn hiện nay và sau 21/9, thành phố cần có biện pháp, giải pháp gì để tiếp tục khống chế dịch bệnh tốt, nới lỏng từng bước….
Thực tế, biểu đồ dịch bệnh của Thủ đô những ngày qua đang có số ca nhiễm mới giảm mạnh; thành phố đang tiến tới khống chế hiệu quả dịch COVID-19.
“Hà Nội đã giãn cách lần thứ tư. Doanh nghiệp và người dân đều đã mệt mỏi và mong muốn dịch bệnh sớm được kiểm soát để phục hồi sản xuất, kinh doanh. Thành phố cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn như thu ngân sách… Từ đó, lãnh đạo thành phố đã có chủ trương sẽ kiện toàn lại Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh COVID-19, các tiểu ban để giảm đầu mối. Đặc biệt, sẽ có tiểu ban mới về việc phục hồi sản xuất, kinh doanh; và tiểu ban này sẽ nhanh chóng có kế hoạch cụ thể nhất”, ông Quyền thông tin.
Dừng việc phân 3 vùng chống dịch, phong toả hẹp nhất có thể
Ông Quyền thông tin, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội đã có văn bản chỉ đạo nới lỏng ở 19 địa bàn trong trạng thái bình thường mới. Tiếp thu các phản ánh từ cơ sở, thành phố sẽ có hướng dẫn chi tiết hơn nữa để thực hiện việc này.
“Thường trực Thành ủy có chỉ đạo điều chỉnh các biện pháp theo hướng, sẽ không triển khai 3 vùng như hiện nay. Việc phong tỏa phải bám sát chỉ đạo của Thủ tướng, hướng dẫn của Bộ Y tế. Thành phố sẽ không phong tỏa quy mô lớn, chỉ thực hiện quy mô hẹp nhất ở các điểm phong tỏa để kiểm soát tốt dịch bệnh, nhưng vẫn tạo điều kiện tối đa đảm bảo hoạt động phục hồi kinh doanh, đời sống nhân dân”, ông Quyền nêu.
Ông Quyền cũng cho biết, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã giao Ban cán sự Đảng UBND thành phố rà soát, có phương án cụ thể báo cáo vào thứ hai tuần tới để có phương pháp, giải pháp cụ thể để triển khai hiệu quả nhất sau ngày 21/9. Theo nguyên tắc phòng chống dịch đặt lên hàng đầu, từ đó tạo điều kiện phục hồi sản xuất, kinh doanh...
Vẫn kiểm soát chặt cửa ngõ ra vào thành phố
Tại phiên họp, Đại tá Nguyễn Hồng Ky, Phó Giám đốc Công an thành phố Hà Nội cho biết, đến nay, Công an thành phố và các xã phường đã cấp giấy đi đường cho 354.453 cá nhân và 401.953 giấy đi chợ.
Liên quan đến quyết định từ 12h ngày 16/9 cho phép mở một số cơ sở kinh doanh tại 19 địa phương chưa ghi nhận ca nhiễm trong cộng đồng từ 6/9, ông Ky cho biết, việc kiểm soát theo phân định tại các vùng 1, vùng 2, vùng 3 để kiểm soát phòng, chống dịch COVID-19 đặt ra cho lực lượng Công an thành phố một số khó khăn trong cơ chế kiểm soát lượng người và phương tiện ra đường".
Vì thế, Công an thành phố kiến nghị UBND thành phố chỉ đạo các quận, huyện, thị xã xác định rõ diện người, phương tiện được phép ra đường; cơ chế kiểm soát của từng vùng và liên vùng như thế nào cho hiệu quả.
Với 67 chốt kiểm soát ra vào cửa ngõ thành phố, Phó Giám đốc Công an thành phố đề nghị UBND thành phố chỉ đạo cụ thể để lực lượng chức năng kiểm soát người và phương tiện cho hiệu quả. Cùng với đó, Công an thành phố tiếp tục phối hợp với Bộ Công an và Bộ TT&TT để đẩy nhanh tiến độ ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác phòng, chống dịch.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền cho biết, Ban Thường vụ Thành ủy thống nhất việc Công an thành phố vẫn tiếp tục cấp giấy đi đường, phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an để quản lý theo dữ liệu dân cư, hoàn thiện phần mềm quản lý công dân để kiểm soát hiệu quả hơn nữa.
“Với 67 chốt kiểm soát ra vào thành phố, mục tiêu đặt ra là vẫn phải quản lý chặt vì sắp tới nếu chúng ta nới lỏng, nghĩa là không thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng nữa mà không quản lý chặt các cửa ngõ thì dịch bệnh rất dễ xâm nhập. Đề nghị Công an thành phố Hà Nội nhanh chóng có phương án cụ thể về việc triển khai sắp tới; báo cáo lãnh đạo thành phố xem xét", ông Quyền nói.
Nguồn: https://tienphong.vn/ha-noi-dung-viec-phan-3-vung-se-phong-toa-o-quy-mo-hep-nhat-post1376866.tpo?zarsrc=31&utm_source=zalo&utm_medium=zalo&utm_campaign=zalo&fbclid=IwAR12yqnJnr1xoJoyvI0W68Uu6rr_N54Rk5Luax__qEyKbNQd4ibFg7BfDRo