Theo đó, tổng mức đầu tư điều chỉnh của dự án là hơn 35.678 tỉ đồng, tăng gần gấp 2 lần so với số vốn đầu tư ban đầu 19.555 tỉ đồng. Chi phí điều chỉnh thực hiện đối với hệ thống cơ điện và đầu máy toa xe, hợp đồng hỗ trợ vận hành bảo dưỡng 5 năm; chi phí dự phòng khối lượng được xác định theo tỷ lệ 10%.
Để có cơ sở phê duyệt, UBND TP.Hà Nội đề nghị các Bộ GTVT, Bộ Xây dựng, Bộ KH-ĐT, Bộ Tài chính có ý kiến thống nhất về điều chỉnh dự án trước ngày 10/4.
Năm 2015, Hà Nội từng kiến nghị Bộ KH-ĐT điều chỉnh vốn đầu tư dự án lên đến 51.700 tỉ đồng, nhưng Bộ KH-ĐT đã yêu cầu Hà Nội rà soát điều chỉnh lại tổng mức.
Trong báo cáo thẩm định dự án sau đó, Bộ KH-ĐT kiến nghị mức đầu tư tối đa chỉ 30.000 tỉ đồng. Không đồng tình với mức này, năm 2016, Hà Nội có văn bản gửi Chính phủ đề xuất tổng mức đầu tư 36.587 tỉ đồng, nhưng tới thời điểm này, dự án vẫn chưa chốt được tổng mức đầu tư điều chỉnh.
Tuyến đường sắt đô thị số 2, đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo sử dụng vốn vay của Chính phủ Nhật Bản, do Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội làm chủ đầu tư. Dự án được phê duyệt vào tháng 11/2008. Thời gian thực hiện dự án là từ 2009 - 2015.
Quy mô xây dựng dự án, tổng chiều dài toàn tuyến là 11,5 km, trong đó 8,5 km đường đi ngầm và 3 km đi trên cao; Khổ đường sắt đôi 1.435 mm.
Hệ thống nhà ga gồm 3 ga trên cao, 7 ga ngầm. Tuyến bắt đầu từ khu đô thị mới Ciputra đi theo đường Nguyễn Văn Huyên kéo dài - Hoàng Quốc Việt - Hoàng Hoa Thám - Phan Đình Phùng - Hàng Giấy - Hàng Đường - Hàng Ngang - Hàng Đào - Đinh Tiên Hoàng - Hàng Bài - Trần Hưng Đạo.
Mặc dù, theo tiến độ ban đầu dự án sẽ khai thác năm 2017, tuy nhiên đến nay dự án chưa triển khai thi công, mới hoàn thành thẩm tra thiết kế kỹ thuật, phê duyệt kết quả sơ tuyển 4 gói thầu xây lắp và hồ sơ mời sơ tuyển gói thầu thiết bị, hoàn thành phê duyệt quy hoạch chi tiết Depot và tổng mặt bằng trên cao.