Năm 2016, Hà Nội tập trung chỉ đạo đẩy mạnh cải cách hành chính rà soát, đơn giản hoá các thủ tục để tạo thuận lợi, giảm thời gian, chi phí cho người dân, doanh nghiệp. Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong giải quyết các thủ tục hành chính, nhiều lĩnh vực đã được quyết liệt chỉ đạo giảm thiểu hồ sơ, rút ngắn thời gian như cấp sổ đỏ, đăng ký kinh doanh, khai sinh, khai tử...
Theo bà Phan Lan Tú, Giám đốc Sở TT&TT Hà Nội, các chỉ tiêu đạt được trong chương trình CNTT năm 2016 đều vượt so với yêu cầu của Nghị quyết 36a/NQ-CP của Chính phủ về Chính phủ điện tử và Quyết định 1819/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình quốc gia về ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan Nhà nước giai đoạn 2016-2020.
Trong năm 2016, Hà Nội đã thực hiện công khai tiến độ giải quyết hồ sơ, chuyển nhận văn bản trên Cổng TTĐT Chính phủ theo hướng dẫn của Văn phòng Chính phủ. Hoàn thành liên thông phần mềm quản lý văn bản, cho phép gửi, nhận văn bản điện tử giữa Văn phòng Chính phủ với UBND TP. Hà Nội.
Việc liên thông phần mềm quản lý văn bản, cho phép gửi, nhận văn bản điện tử giữa Văn phòng Chính phủ và UBND TP. Hà Nội qua hệ thống trục liên thông - hệ thống cho phép tự động nhận biết được trạng thái xử lý văn bản giữa 2 cơ quan.
Như vậy, Hà Nội đã tích hợp hệ thống quản lý văn bản và điều hành của Thành phố với hệ thống gửi nhận văn bản điện tử của Chính phủ, hệ thống cơ sở dữ liệu theo dõi, đôn đốc chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ của Văn phòng Chính phủ để phục vụ sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đến TP. Hà Nội.
Theo bà Phan Lan Tú, năm 2017, Sở TT&TT sẽ tham mưu để UBND TP. Hà Nội ban hành khung kiến trúc Chính phủ điện tử làm cơ sở tổ chức triển khai thực hiện và xây dựng đề án thành phố thông minh.
Đối với dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4 với tổng số 132 dịch vụ công của 10 lĩnh vực, đến nay, về cơ bản các ứng dụng dịch vụ công mức độ 3 đã được hoàn thành. Từ tháng 12/2026, đã chạy thử nghiệm một số dịch vụ công đơn giản đã hoàn thành của cấp sở và nhân rộng các dịch vụ công cấp xã, phường, quận, huyện.
Ứng dụng CNTT với từng lĩnh vực đã có những hiệu quả tích cực. Cụ thể như trong lĩnh vực kinh doanh, cấp phép đầu tư qua mạng, tỷ lệ hồ sơ đăng ký doanh nghiệp qua mạng điện tử đã đạt trung bình trên 50%. Với GD&ĐT, bên cạnh thực hiện phần mềm tuyển sinh trực tuyến đầu cấp từ năm học 2016-2017, Thành phố đang tập trung triển khai hệ thống sổ điểm điện tử. Hiện nay đã có 808/860 đơn vị cập nhật trên 540.000/584.000 học sinh, cấp trên 34.000 tài khoản cho cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên.
Được biết, trong năm 2017, Hà Nội sẽ gắn kết chỉ tiêu triển khai ứng dụng CNTT vào tiêu chí đánh giá thi đua trong các cơ quan và yêu cầu bắt buộc trong công tác cán bộ.