Theo Ban Chỉ đạo Hội nhập quốc tế TP Hà Nội trong năm 2017, công tác cải cách thủ tục hành chính đã được các sở, ngành đẩy mạnh, qua đó góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải thiện mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp trong giao dịch hành chính, dịch vụ hành chính công.
Công tác ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan Nhà nước được triển khai đồng bộ. Với sự nỗ lực đó, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Hà Nội đã tăng 10 bậc so với năm 2015, xếp thứ 14/63, cao nhất từ trước đến nay.
Tuy nhiên việc hội nhập quốc tế cũng bộc lộ nhiều lúng túng, đặc biệt trong những vấn đề như hỗ trợ doanh nghiệp, mở cửa cho các nhà đầu tư nước ngoài, bảo vệ người tiêu dùng... Mặc dù các sở, ngành đã có nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ sản xuất kinh doanh nhưng vẫn còn tồn tại khoảng cách giữa chính sách với thực tiễn.
Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo Hội nhập quốc tế TP Hà Nội, nguyên nhân của những tồn tại đó xuất phát từ hệ thống cơ chế, chính sách chung của Nhà nước chưa đồng bộ, kịp thời và phù hợp với thực tiễn. Nhiều cơ chế, chính sách chậm được hướng dẫn, sửa đổi, bổ sung.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho rằng, trong quá trình hội nhập quốc tế, các sở, ngành, doanh nghiệp cần thay đổi nhận thức theo hướng đi tắt đón đầu công nghệ, lĩnh vực mới thực chất, hiệu quả sát với thực tế. Đồng thời không bó gọn vào việc giới thiệu doanh nghiệp, hàng hóa mà cần mở rộng sang lĩnh vực kêu gọi đầu tư theo tinh thần hợp tác đôi bên cùng có lợi nhưng vẫn huy động được hỗ trợ từ phía đối tác quốc tế cả về kinh phí và chất xám.
Ngoài ra ông Nguyễn Đức Chung cũng đề nghị các ngành cần tích cực kêu gọi đầu tư nước ngoài, không chỉ là nguồn vốn mà còn là khoa học kỹ thuật, mua bán chuyển giao công nghệ, ưu tiên công nghệ cao, công nghệ sinh học, công nghệ nano, dịch vụ kỹ thuật cao, quản lý nhà nước, y tế, nông nghiệp..., trong đó, Chủ tịch đặc biệt nhấn mạnh 2 lĩnh vực cần quan tâm đó là khởi nghiệp sáng tạo và kinh tế chia sẻ.