Hà Nội: 860.000 người đã có hồ sơ quản lý sức khỏe điện tử

VietTimes -- Hà Nội đã khởi tạo 1.436 tài khoản và thiết lập được 859.062 hồ sơ điện tử quản lý hồ sơ sức khỏe nhân dân. Đây là chương trình được triển khai thí điểm tại 20 xã, phường của 04 quận, huyện: Long Biên, Ba Đình, Nam Từ Liêm, Gia Lâm, Sóc Sơn.
Khám chữa bệnh cho người dân. Ảnh: TTXVN
Khám chữa bệnh cho người dân. Ảnh: TTXVN
Theo báo cáo của UBND thành phố Hà Nội, chương trình này giúp người bệnh giải quyết sớm các bệnh thông thường tại tuyến dưới, hạn chế biến chứng và diễn biến bệnh nặng, giảm tải bệnh viện. Trong giai đoạn đầu, việc triển khai tập trung vào các đối tượng: trẻ dưới 5 tuổi, người già trên 60 tuổi và lao động tự do. Mỗi xã, phường sẽ bố trí một đoàn khám gồm 14 bác sĩ với các chuyên khoa nội ngoại, sản nhi, mắt, răng hàm mặt, tai mũi họng và xét nghiệm. 
Hà Nội hiện có 42 cơ sở y tế công lập, trên 5.000 bác sĩ, Sở Y tế đang tổ chức khảo sát để triển khai mở rộng Hệ thống quản lý khám chữa bệnh toàn Thành phố. Theo đó sẽ có thể lập các tổ, bổ sung thiết bị máy móc để khám sức khỏe định kỳ cho người dân theo hình thức cuốn chiếu tại tất cả quận huyện. Các bác sĩ ở các bệnh viện tuyến trên sẽ được huy động hỗ trợ. Hà Nội cũng sẽ lắp đặt đường truyền kết nối đến các trạm y tế, triển khai phần mềm nối mạng chung ở 42 cơ sở y tế. 

Người dân khám bệnh ở đâu trên địa bàn Thành phố cũng sẽ được cập nhật vào hệ thống. Mỗi người có một mã số riêng, bác sĩ chỉ mở được các thông tin cá nhân nếu người bệnh đồng ý.

Kể từ năm 2014, Hà Nội đã triển khai mô hình bác sĩ gia đình. Các quận, huyện triển khai mô hình bác sĩ gia đình đã thực hiện quản lý trên 35.000 hồ sơ sức khỏe. 

Để đầu tư cho lĩnh vực y tế, vừa qua Hà Nội đã xây dựng Đề án xây dựng chỉ tiêu giường bệnh điều trị ban ngày tại các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn Thành phố; rà soát chất lượng một số bệnh viện để lập kế hoạch nâng cấp đạt chuẩn quốc tế JCI; Lập kế hoạch hành động nâng cao thể lực và tầm vóc thanh niên Hà Nội đến năm 2030; bảo đảm tiến độ đầu tư, nâng cấp một số bệnh viện. 

Đến nay ngành Y tế Hà Nội đã đưa khoảng 30 kỹ thuật, công nghệ mới vào chẩn đoán và điều trị. Đã hoàn thành thí điểm xét nghiệm sàng lọc phát hiện sớm ung thư đại trực tràng với tổng số 107.436 mẫu gửi xét nghiệm, trong đó miễn phí cho công dân Thủ đô từ 40 tuổi trở lên. 

Nhiều lợi ích thiết thực
Nói về việc quản lý sức khỏe điện tử cho nhân dân, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cho rằng, quản lý hồ sơ sức khỏe của người dân là mơ ước của tất cả người dân, của ngành Y tế, ngành Bảo hiểm. Bởi nếu thiết lập được một hệ thống hồ sơ quản lý chăm sóc sức khỏe của toàn bộ người dân trên cả nước, Bộ Y tế sẽ biết mô hình bệnh tật từng vùng, từng khu vực, từng lứa tuổi để từ đó có những phân tích, phục vụ công tác chuyên môn hiệu quả nhất.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung thăm Trạm Y tế phường Tây Mỗ, quận Nam Từ Liêm trong năm 2017. Ảnh: VGPmPhó Thủ tướng Vũ Đức Đam và Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung thăm Trạm Y tế phường Tây Mỗ, quận Nam Từ Liêm trong năm 2017. Ảnh: VGPm

Có thể nói, nếu thiết lập được sổ theo dõi sức khỏe cho từng người dân bằng hồ sơ điện tử, tiến tới chính thức triển khai trên phạm vi cả nước, hoạt động này sẽ mang lại nhiều lợi ích cho người dân. Bởi hệ thống quản lý sức khỏe toàn dân sẽ cung cấp thông tin cơ bản về sức khỏe, tiền sử bệnh tật của người dân khi có yêu cầu và theo quy định. Mỗi người dân có thể tự biết tình trạng sức khỏe của mình thông qua hệ thống quản lý sức khỏe toàn dân, qua mã định danh (ID) và các thông tin bảo mật khác như điện thoại, số chứng minh nhân dân, mã vạch...

Về lâu dài, việc cập nhật hồ sơ quản lý sức khỏe cá nhân tích hợp với thẻ an sinh xã hội sẽ tạo thuận lợi cho người dân khi đi khám chữa bệnh ở bất kỳ cơ sở y tế nào và bác sĩ có thể biết được tình trạng sức khỏe, tiền sử bệnh tật, không phải làm lại các xét nghiệm không cần thiết, nhất là trong những trường hợp cấp cứu.Vì vậy, nếu triển khai được việc lập sổ quản lý sức khỏe cho từng người dân, trước hết người dân được chăm sóc sức khỏe ban đầu thực sự. Cùng đó, người dân hình thành thói quen khám sức khỏe định kỳ cũng như nhận thức được lợi ích của việc mua thẻ Bảo hiểm Y tế.Bên cạnh đó, hệ thống quản lý sức khỏe toàn dân còn giúp quản lý tốt các nhóm bệnh, tình hình tử vong, các bệnh có yếu tố gia đình, có yếu tố liên quan đến môi trường sống, nguồn nước và các yếu tố vệ sinh khác...

Đối với các cơ sở khám, chữa bệnh có thể lấy thông tin hành chính, lịch sử bệnh, yếu tố nguy cơ, vùng dịch để tham khảo cho công tác khám chữa bệnh..., giúp tiết kiệm thời gian, thống nhất, khoa học và chính xác. Hệ thống này còn phục vụ cho công tác quản lý y tế như đánh giá, phân tích mô hình bệnh tật theo độ tuổi, vùng miền, chất lượng dịch vụ y tế. Đồng thời cũng cảnh báo kịp thời về các loại dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, hay những thông tin y tế quan trọng đối với cộng đồng.