GS.Từ Trung Chấn, người biến cát thành năng lượng mặt trời

Ít ai biết suốt 15 năm qua, một nhà khoa học Việt Nam đã dồn hết tâm huyết cho phát minh biến cát thành năng lượng mặt trời với công nghệ đa tinh thể, có thể hấp thu ánh sáng chuyển thành năng lượng cả những ngày trời âm u…
GS.Từ Trung Chấn
GS.Từ Trung Chấn
Ông chính là giáo sư Từ Trung Chấn.

Câu chuyện năng lượng mặt trời đang thu hút những đại gia với nhiều dự án đình đám, nhưng đa phần đều sử dụng công nghệ nước ngoài.

Ít ai biết suốt 15 năm qua, một nhà khoa học Việt Nam đã dồn hết tâm huyết cho phát minh biến cát thành năng lượng mặt trời với công nghệ đa tinh thể, có thể hấp thu ông sáng chuyển thành năng lượng cả những ngày trời âm u…

Vừa nghiên cứu, giảng dạy, kinh doanh, điều ông theo đuổi là tạo ra nguồn năng lượng sạch cho đất nước bằng chính chất xám của người Việt.

Tâm huyết của ông khi trở về, vừa giảng dạy, nghiên cứu, phát triển đội ngũ những nhà khoa học tiệm cận với đời sống?

Năm 2002, theo tiếng gọi của đất nước, tôi quyết định rời nước Mỹ, trở về Việt Nam làm việc cho Trung tâm nghiên cứu triển khai thuộc khu công nghệ cao TP.HCM.

Tâm huyết của tôi là muốn mang mô hình kết hợp giữa doanh nghiệp, đại học và khu công nghệ cao của Mỹ về Việt Nam.

Mô hình này liên kết đào tạo, phát triển con người, sở hữu trí tuệ, làm sản phẩm mẫu, ươm tạo, hợp tác doanh nghiệp. Đó là mô hình ở các nước phát triển, làm theo yêu cầu của doanh nghiệp, thị trường, lấy thị trường dẫn dắt nghiên cứu đào tạo.

Những ngày đầu tiên trở về, tôi đối diện với nhiều câu hỏi: Tại sao sinh viên mình phải ra nước ngoài học tập? Tại sao học trò nước ngoài không đến đây học tập? Khác biệt nào khiến người ta không tới?... Và tôi hiểu ra rằng vì mình không có phòng nghiên cứu, không giảng dạy theo tiêu chuẩn của quốc tế.

Từ đó, tôi chấp bút xây dựng phòng thí nghiệm Nano cho đại học quốc gia. Vì tôi hiểu rằng chỉ khi làm được phòng thí nghiệm, mới đủ bản quyền xây dựng sở hữu trí tuệ.

Làm xong rồi phải có chỗ sản xuất thử, xem có phải chỉnh sửa, sản xuất nhỏ hoàn chỉnh, rồi mới kêu doanh nghiệp vô chuyển giao công nghệ. Ở nước ngoài một cậu học trò có ý tưởng, vị giáo sư sẽ nói chuyện với nhà đầu tư mạo hiểm, cho cậu đó học, làm thử, giới thiệu sản phẩm ra thị trường, lên sàn. Đó là cả một quy trình mà Việt Nam chưa có.

Thành lập xong phòng thí nghiệm Nano, nhưng không hiểu sao người ta lại cử người khác về làm. Thành lập được phòng thí nghiệm khu công nghệ cao, lại có người khác về thay thế…15 năm nay tôi cứ loay hoay đi xây phòng thí nghiệm rồi lại bị rời chuyển.

Thành phố cứ kêu gọi trí thức Việt kiều về tham gia mà chưa có ai có tầm nhìn, hướng làm việc bài bản, thử hỏi trí thức làm được gì? Càng ngày mối tương tác trở nên phức tạp quá.

Ở Quy Nhơn, GS. Thanh Vân đã mời được các nhà khoa học hàng đầu về lập nên Trung tâm quốc tế khoa học và giáo dục, còn TP HCM lại để mất đi vị trí hàng đầu của mình rồi.

Trong điều kiện nghiên cứu còn thiếu thốn đủ mọi bề tại Việt Nam, ông vễn kiên định theo đuổi giấc mơ sản xuất năng lượng sạch và nhận được bằng sáng chế về sản xuất năng lượng mặt trời trên nền silic?

15 năm nay tôi đã đề xuất mua máy móc, nghiên cứu sản xuất năng lượng sạch, tiết kiệm năng lượng.

Nếu làm tới nơi tới chốn thì tất cả người dân đã được xài bóng đèn LED "made in Vietnam". Bị bó buộc bởi cơ chế, tôi đã nhảy ra làm công ty riêng, nghiên cứu  sản xuất bóng đèn LED.

Sử dụng đèn LED tiết kiệm khá nhiều tiền, nhất là với các công trình lớn như cầu, đại lộ, cao ốc…

Tiếp theo, dự án sản xuất pin mặt trời trên tấm nền silic và pin mặt trời công nghệ hấp thu phổ hồng ngoại chuyển thành điện đã được cấp bằng sáng chế của Mỹ.

Việt Nam có hơn 300 ngày nắng ấm, nguồn cát trắng rất thích hợp để nấu thành kính năng lượng, hấp thu quang năng sản xuất năng lượng, rất tốt cho dân sinh và xã hội.

Lúc đó tôi đã kêu gọi được ngân hàng quốc tế, ngân hàng ACB giúp mình phát triển nguồn năng lượng tái tạo, nhưng với điều kiện nhà nước phải cho phép làm.

Bộ Công Thương cũng muốn tham gia, và làm tờ trình Thủ tướng, gửi lên Văn phòng Chính phủ nhưng chờ hoài không thấy kết quả.

Năm 2013 tôi gửi lên một lần nữa cũng không được duyệt.

Do Nhà nước mới ra cơ chế mới về phát triển năng lượng tái tạo, quy định ban hành giá điện cứ hoãn đi hoãn lại, trôi qua rất nhiều cơ hội cho các nhà đầu tư.

Việc làm chậm lại cơ hội cho năng lượng tái tạo đã vô hình chung tạo điều kiện cho thủy điện, nhiệt điện phát triển, gây hại cho môi trường rất nhiều?

Thay vì điều tiết nước mùa mưa, các hệ thống thủy điện khi nhiều nước quá lại xả đập gây ra lũ.

Ngay cả nước Đức dù có điện hạt nhân sẵn rồi nhưng sẵn sàng bỏ để chuyển qua năng lượng tái tạo.

Ở Pháp khi hộ dân lắp đặt hệ thống pin mặt trời trên nóc nhà, Nhà nước không lấy tiền, ở Mỹ chính phủ còn cho thêm 1.000 USD.

Điện ở Việt Nam chỉ có công ty điện lực quản lý độc quyền. Ở các nước nhà nào cũng có thể tạo ra được điện nhờ pin mặt trời.

Việt Nam không có chính sách khuyến khích người dân dùng năng lượng mặt trời như của nước ngoài, trong khi mình đang cần, đang có vị trí ưu đãi thuận lợi. Lại đi làm nhiệt điện, thủy điện, gây ô nhiễm quá.

Trong lịch sử những nước đông Âu, phương Tây đã trả giá quá nhiều cho điều này. Nếu Việt Nam không có chính sách phát triển bền vững thì cái lợi không bù lại cái hại cho môi trường.

Chưa kể điện hạt nhân ở Trung Quốc xây dựng gần mình, rủi ro đẩy hết cho Việt Nam.

So sánh với các dự án điện mặt trời đang triển khai, công nghệ biến cát thành năng lượng của ông có mất thời gian và tốn kém nhiều không?

Hiện đang có hai nhà đầu tư lớn nhất về điện mặt trời là Thiên Tân Quảng Ngãi 2.000 mW, cùng nhà máy điện mặt trời ở Mộ Đức 29,2 MW, và Thành Thành Công với 20 dự án điện mặt trời…

Chính phủ đã thấy được vấn đề, và có cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời tại Việt Nam.

Tuy nhiên, nhìn vào bức tranh điện mặt trời tại Việt Nam, có thể thấy đa phần là những nhà đầu tư tài chính, làm vì mục tiêu tài chính, còn nhóm các nhà khoa học công nghệ như tôi thì muốn phát triển công nghệ nguồn.

Với quy định giá điện 9,35 uscents/kwh chỉ áp dụng cho các dự án nối lưới có hiệu suất của tế bào quang điện (solar cell) lớn hơn 16% hoặc module lớn hơn 15%, vô hình chung lại tạo điều kiện cho nhà đầu tư chiếm đất (bình quân 2,0-2,5 ha/MWp) và đưa công nghệ lạc hậu vào Việt Nam.

Công nghệ thế giới hiện nay chủ yếu là đơn tinh thể, trong khi công nghệ của tôi giá thành thấp hơn, tiêu tốn ít vật liệu hơn, xài ít nhân công hơn.

Nếu sử dụng tấm pin bằng công nghệ thin film đa tầng, đa tinh thế thì hiệu suất điện trên 24% và diện tích khoảng 0,8ha/MWp.

Đơn tinh thể chỉ làm một tầng, trong khi đa tinh thể hấp thu nhiều giải, không chỉ ngày nắng ấm mà ngày âm u cũng hấp thu được điện mặt trời.

Công nghệ dựa trên cát, vật liệu phong phú, tấm kính làm xong bỏ vào lò làm thành tấm kính khác, không độc hại.

Với mục tiêu dùng 5% điện sạch, điện tái tạo, phải làm sao vận dụng được giá trị gia tăng, đào tạo con người, làm ra sản phẩm, cạnh tranh thị trường.

Nếu chỉ lấy công nghệ người khác về đây lắp ráp làm sao phát triển bền vững. Đó là chưa kể đến những tác hại không kiểm soát được.

Muốn chuyển từ cát thành năng lượng, phải đầu tư đào tạo người, phải có ưu đãi về tài chính, có những nhóm tài chính chọn công nghệ nền tảng, làm ra thương phẩm, đem bán cho thị trường trong và ngoài nước.

Còn nếu chỉ nhìn mục tiêu ngắn hạn, ai bán rẻ mua về, bỏ qua thiệt hại lâu dài, đánh đổi cho sự phát triển là bài học đã nhìn thấy ở Trung Quốc.

Mình khỏi học đâu xa, mô hình để một phát minh đi vào cuộc sống thế giới đã có hết rồi, phải có những nhà chiến lược gồm nhà khoa học, nhà quản lý, nhà tài chính, nhà nước ngồi lại với nhau.

Nếu không, đầu tư khoa học cơ bản cứ mãi mãi là quả trứng và con gà, sẵn sàng hy sinh môi trường vì mục tiêu trước mắt.

Ông còn đang nghiên cứu để kết hợp năng lượng này với nông nghiệp?

Mỹ đã áp dụng phương pháp này rồi, bỏ pin mặt trời trên cao, vây vùng đó lại, trồng trọt chăn nuôi trên đó luôn, gọi là phương pháp Aquaponic kết hợp nông nghiệp công nghệ cao.

Đất nước mình 70% nông nghiệp, phải công nghệ cao mới đưa đến nền tảng phát triển lậu dài.

Năng lượng mặt trời mô hình mới, tạo dựng nhà màng thông minh, dùng công nghệ pin mặt trời tạo năng lượng, dư ra sẽ nối lưới.

Đèn LED thông minh có tín hiệu cho cây tăng trưởng theo ý muốn của mình thay vì dùng hóa học.

Thế giới phát triển, con người ngày càng chú trọng thức ăn sạch. Nếu có nguồn thực phẩm sạch không hóa chất con người sẽ sống hết tuổi sinh học.

Nghiên cứu tuổi sinh học của con người, vòng đời có thể hơn 100 tuổi, nhưng do độc tố tích lũy, làm hư hỏng cơ chế đó, đa số chết vì bệnh tật.

Làm thế nào nâng cao chất lượng cuộc sống bằng thực phẩn sạch organic, không độc hại, không thuốc trừ sâu, sẽ bán giá rất cao.

Tôi đang đưa ra quy trình mới dùng ông sáng quang hợp, không dùng một giọt thuốc trừ sâu. Thay vì dùng đất, dùng giá thể sơ dừa là phế phẩm nông nghiệp, xử lý thành thương phẩm có thể bán và xuất khẩu được. 

Nhưng để đưa vào đời sống, phải có thời gian, có vốn, có quy trình, không phải đùng một cái mà làm được.

Điều ông… buồn nhất sau 15 năm qua là gì?

Lãng phí.

Việt Nam có rất nhiều cơ hội làm được, nhưng lại không quan tâm đến thời cơ, lãng phí về tiền bạc, bỏ tiền mà không làm tới nới tới chốn.

Lãng phí về tài nguyên, bán nguyên liệu thô. Lãng phí con người, người đào tạo ra không có công ăn việc làm, người từ nước ngoài không về.

Tại sao ông vẫn chọn con đường trở về?

Ở nước ngoài mình từng làm công ty lớn, từng đầu tư qua Trung Quốc, Đài Loan, các nước Âu, Mỹ có nền tảng hết rồi, cơ hội không nhiều, trừ trường hợp xuất sắc như Ngô Bảo Châu. Khi tôi trở về, Việt Nam đang rất cần phòng thí nghiệm.

Một đất nước đang phát triển có rất nhiều cơ hội, vấn đề làm sao mình bắt được cơ hội đó và thành công. Thất bại là mẹ thành công.

Hồi mới về chưa hiểu, đâu có biết gì, cứ thẳng thừng lấy kinh nghiệm từ nước ngoài về, không áp dụng được ở Việt Nam. Nếu có kinh nghiệm thì thành công rồi đó. Cái mình chưa làm được cứ ấp ủ, cứ mơ…

Muốn có đội ngũ nhà khoa học để đuổi kịp thế giới trong thời đại công nghiệp 4.0 theo ông phải làm gì?

Nhà nước phải có giai đoạn chuẩn bị, gửi đi nước ngoài học để có được đội ngũ các nhà Khoa học công nghệ. Nhìn lại mình đâu có chuẩn bị gì, làm không bài bản.

Thời buổi thông tin, thế giới đã chuẩn bị nền tảng bải bản cho cuộc cách mạng 5.0, những cái họ công bố đã là lỗi thời rồi, những cái họ chưa nói mới là mới. Trong khi Nhà nước mình không có bước chuẩn bị.

Nhưng tôi tin vào lớp trẻ. Càng ngày càng có nhiều người học từ nước ngoài về, con người ngày càng mong cuộc sống tốt đẹp hơn, sẽ thoàn thiện dần.

Đất nước cần nhiều người tâm huyết để phát triển, một con én không thể làm nổi mùa xuân đâu.

15 năm qua, những lúc tinh thần “down” xuống nhất, làm thế nào để ông có thể vượt qua, tiếp tục theo đuổi sự nghiệp trồng người, tiếp tục sáng tạo?

Trong lúc không làm được rất buồn, may mắn có người chỉ, thấy cái mình trải qua cũng bình thường. Có ai thành công hết đâu.

Một người ông của tôi cũng là nhà khoa học, hỏi tôi tại sao đi kinh doanh? Ông nói kinh doanh cũng như đánh bài, tính ra 5 ăn 5 thua. Kinh doanh tưởng vậy mà không phải vậy, thất bại đâu phải trời sập.

Không làm đèn LED thì chuyển qua pin mặt trời, không làm được pin mặt trời thì làm nông nghiệp công nghệ cao, gom hết vào một rổ.

Nhiều khi cuộc sống là cuộc hành trình, làm sao giữ cái tâm trong sáng để làm mà không nản lòng.

Nhiều người nói tôi toàn làm chuyện trên trời không à. Mình là nhà khoa học, quyết tâm làm chuyện tốt chưa đủ, phải có nhiều yếu tố để thành công.

Từ chất nhà khoa học và nhà kinh doanh trong ông có bao giờ mâu thuẫn?

Nền tảng thì mình vẫn là nhà khoa học có khả năng phát triển công nghệ, nhưng đâu có làm hết được, đâu có giàu có vì cái này. Đừng tham quá, đủ sống thôi.

Ra nước ngoài học cũng thiếu thốn lắm, dạy ở Bách Khoa, tiền không đủ trả cho tài xế, nhưng vẫn dạy.

Nhiều người hỏi tôi sống bằng nguồn nào? Thì mày mò làm mấy dự án cho Sở Khoa học công nghệ, tư vấn cho doanh nghiệp, loay hoay vẫn sống được, thậm chí có lúc còn đi buôn nữa, mua mấy cái đèn về đây bán…

Vậy làm thế nào để giữ được sự an yên?

Cái đó là do mình đấy. Đừng tham sân si. Lúc mình khổ, có người lấy hàng không trả tiền, thậm chí không có tiền trả lương cho học trò, nhưng các em vẫn theo thầy.

Mình phải có tấm lòng, đừng đặt nặng vật chất quá. Ăn rau chấm nước mắm cũng qua được những ngày tháng vất vả nghiên cứu.

Giờ kiếm được tiền hay không cũng không đặt nặng lắm. Nhiều khi cũng buồn, thấy ông sáng lấp lóe cuối đường hầm tưởng xong rồi, mà vẫn chưa.

Nhưng tôi có niềm tin, không cách này cách khác, mỗi lần thất bại mình lại hiểu biết hơn, hoàn chỉnh dự án hơn thì tới một ngày nào đó thành công sẽ tới.

Ở đời muôn sự tùy duyên.

Nhà khoa học như ông có niềm tin tâm linh?

Có chứ, nếu không làm sao có đủ sức mạnh. Khi dự án của tôi ra đến Văn phòng Chính phủ, qua được hội đồng khoa học là thấy hy vọng tràn trề rồi.

Nhờ những cú đó biết thêm nhiều người, học hỏi nhiều chất liệu làm các việc sau này. Cát trong tầm tay của tất cả quốc gia, nhắm 1.000 tỷ chứ không ít. 

Theo http://bizlive.vn/
http://bizlive.vn/nhan-vat/bizstory-gstu-trung-chan-nguoi-bien-cat-thanh-nang-luong-mat-troi-2994552.html