GS.TS. Hoàng Văn Cường: Giai đoạn này cần tập trung thúc đẩy tăng trưởng kinh tế

VietTimes – GS.TS. Hoàng Văn Cường đã nhấn mạnh như vậy tại tọa đàm “Ổn định kinh tế vĩ mô và phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp” ngày 28/5.
GS.TS. Hoàng Văn Cường, đại biểu Quốc hội, Phó Hiệu trưởng ĐH Kinh tế Quốc dân (Ảnh: VGP)

Chia sẻ tại tọa đàm, GS.TS. Hoàng Văn Cường - Phó Hiệu trưởng Đại học Kinh tế Quốc dân - đánh giá cao nỗ lực kiềm chế lạm phát của Việt Nam trong thời gian qua. Tuy nhiên, ông cho rằng kiểm soát lạm phát cũng đi kèm với việc nguồn lực bơm ra thị trường bị hạn chế.

“Nếu chúng ta quá lo ngại lạm phát, tiếp tục thắt chặt đồng tiền, hạn chế cung vốn cho doanh nghiệp thì doanh nghiệp không có nguồn lực để sản xuất kinh doanh. Rõ ràng, áp lực lạm phát thế giới vào Việt Nam ít nhưng áp lực suy thoái thì cao hơn, đáng lo ngại hơn. Nếu chúng ta không hành động sớm, chờ lúc suy thoái rồi mới bơm tiền vào cứu trợ thì khó phục hồi. "Cơ thể" mà quá yếu thì thêm thuốc bổ cũng không phục hồi được”, ông Cường nói.

Dẫn thông tin trên truyền thông về khảo sát 10.000 doanh nghiệp, ông Cường cho biết tỷ lệ doanh nghiệp khó khăn và phải cắt giảm lao động là trên 80%, khoảng hơn 20% phải cắt giảm 1 nửa, hơn 50% rất cần hỗ trợ về vốn.

Theo vị chuyên gia này, cơ quan quản lý cần tính đến việc cân bằng các chính sách kiểm soát lạm phát (nới lỏng tiền tệ), chuyển hướng hỗ trợ nguồn vốn cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh để tạo tăng trưởng, công ăn việc làm.

“Tôi cho rằng chuyển hướng của Chính phủ trong giai đoạn cần phải tập trung cho tăng trưởng, không phải như năm trước là ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát”, ông Cường nhấn mạnh.

Khơi thông thị trường trái phiếu để hỗ trợ doanh nghiệp

Theo GS.TS Hoàng Văn Cường, trong tương lai, thế giới có thể có hai xu thế: một là suy thoái, khủng hoảng; hai là bắt đầu có tín hiệu phục hồi. Nếu chờ phục hồi rồi mới sản xuất là "chậm chân", nên phải tính trước các "bài" để ứng phó. Đây là giai đoạn phải tăng thêm nguồn lực cho doanh nghiệp, dựa vào hai nguồn là trái phiếu và tín dụng ngân hàng.

Ông Cường đánh giá, trái phiếu doanh nghiệp là kênh huy động vốn rất quan trọng. Tuy nhiên, đầu năm 2022, một số doanh nghiệp rơi vào khủng hoảng pháp lý, nhiều nhà đầu tư nhận thấy rủi ro, khiến thị trường trái phiếu doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi (Ảnh: VGP)

Về giải pháp tháo gỡ, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi đề xuất trước tiên phải ổn định kinh tế vĩ mô, giữ được lãi suất, tỉ giá, lạm phát; đồng thời điều hành linh hoạt chính sách tài khóa, tiền tệ, bởi đây là điểm tựa để các doanh nghiệp tiếp tục hoạt động tốt dần lên và hiệu quả hơn, từ đó quay trở lại phát triển.

Ông cho biết thêm, các cơ quan chức năng của Nhà nước thời gian vừa qua đã tăng cường giám sát, kiểm tra, thậm chí thanh tra để đảm bảo thị trường này minh bạch và tuân thủ các quy định của pháp luật. Nhưng bên cạnh đó, "thông điệp của Chính phủ rất rõ ràng là không hình sự hóa các quan hệ kinh tế. Doanh nghiệp phải tôn trọng các thỏa thuận của doanh nghiệp phát hành với nhà đầu tư theo quy định của pháp luật và phải thực thi trách nhiệm của mình. Nhà nước đảm bảo việc đó được thực hiện", ông Chi nhấn mạnh.

Thứ trưởng Bộ Tài chính cho rằng cần có quy định pháp luật liên quan trực tiếp đến thị trường trái phiếu và phải được ứng xử một cách linh hoạt, hiệu quả, đáp ứng kịp thời diễn biến thực tiễn giúp doanh nghiệp phát hành và nhà đầu tư có công cụ pháp lý để giải quyết những khó khăn trước mắt.

Trong một thời gian rất ngắn, Chính phủ ra 2 Nghị định số 65/2022 và số 08/2023. Theo ông Chi, từ khi Nghị định 08 được ban hành, đã có 15 doanh nghiệp phát hành được 26.400 tỉ đồng trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường.

"Đây là dấu hiệu tích cực cho thấy tác động chính sách giúp các doanh nghiệp và các nhà đầu tư có niềm tin và bắt đầu quay trở lại thị trường", ông Chi nhận xét./.