GS TSKH Phạm Thị Trân Châu: Phụ nữ được bình đẳng hơn trong cách mạng công nghiệp lần thứ 4

VietTimes -- Với nhân loại, phụ nữ chiếm hơn 50%. Trong các hoạt động khoa học công nghệ ở Việt Nam, phụ nữ chiếm hơn 42% và riêng với giáo dục là hơn 53%. Vậy các nữ trí thức cần phải làm gì để vừa làm tốt chuyên môn vừa thực hiện thiên chức làm vợ, làm mẹ?
GS TSKH Phạm Thị Trân Châu - Chủ tịch Hội Nữ Trí thức Việt Nam
GS TSKH Phạm Thị Trân Châu - Chủ tịch Hội Nữ Trí thức Việt Nam

Nhân Ngày Quốc tế Phụ nữ, VietTimes đã có cuộc trao đổi với GS TSKH Phạm Thị Trân Châu – Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Khoa học, Giáo dục và Môi trường của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chủ tịch Hội Nữ Trí thức Việt Nam.

Trước  hết, xin có lời chúc mừng với bà và cộng đồng nữ trí thức nhân Ngày Quốc tế Phụ nữ. Xin bà cho biết, cũng như đông đảo phụ nữ, các nhà khoa học nữ ngoài công việc chuyên môn còn phải thực hiện thiên chức làm vợ, làm mẹ. Vậy xin bà cho biết  họ cần phải làm thế nào để cân đối giữa công việc gia đình và sự nghiệp?

Cân đối giữa công việc chuyên môn và thiên chức của người vợ, người mẹ là một việc khó đối với phụ nữ nói chung. Với các phụ nữ làm khoa học hay những công việc đòi hỏi sự sáng tạo khác, thì càng khó hơn. Hoạt động sáng tạo cần có tinh thần thoải mái, đủ minh mẫn thì công việc mới đạt hiệu quả cao. Muốn vậy, tôi nghĩ cần biết cách tổ chức công việc gia đình một cách khoa học và biết lôi cuốn các thành viên trong gia đình cùng tham gia các việc nhà. Làm được điều này không chỉ để chị em có nhiều thời gian hơn cho công việc mà còn tăng thêm sự gắn kết mọi người trong gia đình và cũng có tác dụng tốt trong việc giáo dục con cái.

Mặt khác, do quỹ thời gian có hạn vì một ngày chỉ có 24 giờ nên cần phân bố thời gian cho các công việc hàng ngày theo thứ tự ưu tiên. Tôi nghĩ, nếu muốn ưu tiên thời gian cho khoa học, chắc cũng cần có cuộc sống đơn giản hơn và đôi khi còn cần bỏ qua một số sở thích thường thấy của phụ nữ như dạo phố “để ngắm là chính”. Với bữa ăn hàng ngày có khi cũng cần ưu tiên cho việc bảo đảm dinh dưỡng và an toàn là chính. Tất nhiên cũng không quên làm những món ăn ngon đòi hỏi nhiều thời gian vào những lúc có điều kiện hay các dịp đặc biệt. Ngoài ra, nếu có điều kiện cũng nên tận dụng các dịch vụ xã hội và các thiết bị phục vụ việc nhà để giảm bớt thời gian cho các việc gia đình.

Tóm lại như người ta thường nói muốn cái này thì phải bớt cái khác vì quỹ thời gian của chúng ta có hạn.

Ngày nay, máy móc gia dụng cũng hiện hữu rất nhiều trong mỗi gia đình. Chính nhờ các máy móc đó, người phụ nữ đã được giải phóng với nhiều việc nhà. Bà nghĩ gì về thực tế đó?

Với cuộc sống hiện đại, chính các máy móc gia dụng đã góp phần giải phóng phụ nữ trong rất nhiều việc nhà và còn góp phần giúp mọi thành viên trong gia đình dễ dàng đảm đương được một phần công việc nội trợ. Ví dụ: nồi cơm điện, lò vi sóng, tủ lạnh, máy giặt... Tùy điều kiện kinh tế của mỗi gia đình, mà sử dụng một cách hợp lý các dịch vụ xã hội và thiết bị phục vụ việc nhà để giảm bớt thời gian dành cho công việc trong nhà.

GS TSKH Phạm Thị Trân Châu: Phụ nữ được bình đẳng hơn trong cách mạng công nghiệp lần thứ 4 ảnh 1Ban chấp hành Hội Nữ Trí thức Việt Nam tại Đại hội thành lập được tổ chức ngày 8/3/2011 tại Hà Nội. Ảnh: Hội Nữ Trí thức Việt Nam cung cấp

Sau khi tốt nghiệp đại học, phụ nữ và nam giới đều bước vào công việc của mình với độ tuổi như nhau. Tuy nhiên, theo quy định hiện hành thì phụ nữ phải nghỉ hưu sớm hơn nam giới và đương nhiên lương hưu của họ cũng thấp hơn. Bà nghĩ gì về thực tế này, cũng như việc cần tạo điều kiện như thế nào để phụ nữ phấn đấu, cống hiến nhiều hơn trước khi nghỉ hưu?

Đây là một vấn đề mà tôi và nhiều nữ đại biểu Quốc hội các khóa cũng đã đã phát biểu ở rất nhiều diễn đàn và với báo chí. Tôi cũng rất hoan nghênh  một số thay đổi trong những năm gần đây về tuổi nghỉ hưu đối với nữ cán bộ khoa học, nữ cán bộ quản lý  Việc quy định tuổi nghỉ hưu theo ngành nghề, đặc điểm tính chất lao động là hợp lý, có cơ sở khoa học. 

Theo một số chị em thì hợp lý hơn sẽ là: phụ nữ lao động trí óc, đến 55 tuổi nếu muốn nghỉ, thì họ có quyền về hưu với đầy đủ chế độ. Còn ai có năng lực, sức khỏe thì vẫn được quyền tiếp tục làm việc chứ không cần phải làm đơn xin tiếp tục được làm việc.

Nhân đây, tôi cũng xin đề cập đến một nghiên cứu của Chi hội Nữ trí thức Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho thấy rằng ở tuổi 55 trở về sau, tỷ lệ nam giới mắc các bệnh của tuổi già cũng cao hơn phụ nữ, như với các bệnh tim mạch, huyết áp, suy giảm trí nhớ…

Vấn đề thứ hai tôi muốn đề cập là về việc sửa đổi Luật Bảo hiểm Xã hội. Theo quy định, sang năm 2018 khi nghỉ hưu thì chế độ bảo hiểm xã hội với phụ nữ bị giảm ngay tức khắc, trong khi đối với nam giới thì có lộ trình giảm rõ ràng? Thật khó biết vì sao lại quy định như vậy!

Có thể nói, chúng ta đang nói rất nhiều về bình đẳng giới. Nhưng từ trong sâu thẳm việc xây dựng chính sách, pháp luật vẫn thể hiện dấu ấn về quan niệm không bình đẳng giới. Có người còn công khai nói rằng: “Thôi các bà nên ở nhà mà lo việc gia đình, giúp con, giúp chồng…”. Dù rằng đó chỉ là câu nói bột phát nhưng nó thể hiện dấu ấn sâu thẳm trong tư duy của họ từ xưa đến nay. Theo tôi, cũng có những người trẻ, không biết chủ nghĩa phong kiến là gì, nhưng lại vẫn có những biểu hiện dễ nhận thấy quan niệm phong kiến về phụ nữ.

Tất cả những điều trên dẫn đến hậu quả là tỷ lệ phụ nữ ở vị trí lãnh đạo trong các cơ quan khoa học rất ít, mặc dù nhiều cán bộ khoa học nữ có đủ năng lực.

Cuối cùng, xin đề cập đến cách mạng công nghiệp (CMCN) lần thứ 4 và cuộc cách mạng này đã và đang diễn ra cả ở Việt Nam. Theo bà, các nữ trí thức có thể làm gì trong cuộc cách mạng đó?

Do đặc điểm của CMCN lần thứ 4, nói một cách tóm tắt, đơn giản cho dễ hiểu là kết nối và phát huy trí tuệ, nên ưu thế về sức mạnh cơ bắp trong lao động ngày càng giảm thiểu và ưu thế của trí tuệ ngày càng gia tăng, thì phụ nữ không còn là phái yếu. Trong thực tế, cũng chưa có nghiên cứu nào chứng minh trí tuệ của phụ nữ kém hơn nam giới. Vì thế, phụ nữ đang có rất nhiều cơ hội khi nước ta cố gắng tiến đến CMCN lần thứ 4. Tôi nghĩ, cuộc cách mạng này đang hy vọng sẽ tạo điều kiện thuận lợi để thực hiện bình đẳng cho phụ nữ trong khoa học.

Cơ hội đang có nhiều, nhưng phụ nữ chúng mình có tận dụng được cơ hội ấy hay không còn tùy thuộc vào mỗi người? bản thân phụ nữ cần có quyết tâm cao thì mới tận dụng được những thuận lợi của CMCN lần thứ 4. Các chính sách của nhà nước có tầm quan trọng thật, nhưng dù sao thì cũng vẫn có tính chất hỗ trợ, tạo điều kiện. Cho nên, tôi muốn được chia sẻ với đông đảo chị em trí thức là hãy luôn thường trực ý thức, quyết tâm tận dụng các cơ hội của thời đại tiếp cận CMCN lần thứ 4.

Xin cám ơn bà và một lần nữa xin được chúc mừng nhân Ngày Quốc tế Phụ nữ!