GrabCar triển khai thí điểm tại TP.HCM

Đây là dịch vụ vận tải hành khách theo hợp đồng điện tử đầu tiên được thí điểm, sau quyết định của Bộ GTVT.
Giao diện Grab.

Sau khi được Bộ GTVT cấp phép hoạt động, dịch vụ vận tải hành khách theo hợp đồng điện tử GrabCar đã chính thức được công ty Grab (tên cũ là GrabTaxi) triển khai thí điểm tại TP.HCM. Theo Grab, GrabCar có giá rẻ hơn taxi truyền thống từ 10 - 15%, trừ giờ cao điểm. Ngoài ra, dịch vụ này còn khắc phục được vấn đề nhiều xe cùng tới đón một vị khách, dễ dàng tìm lại đồ thất lạc,...

Thực tế, các ưu điểm của hình thức gọi xe thông qua ứng dụng như GrabCar cũng chính là những gì Uber đang làm. Tuy nhiên, trong khi GrabCar đã chính thức được cấp phép thì dịch vụ Uber còn gây không ít tranh cãi về tính pháp lý và các vấn đề liên quan tới thuế tại Việt Nam.

Grab cho biết, trước đây, sự lựa chọn của hành khách bị giới hạn trong một nguồn cung nhất định vì các yếu tố thời gian, không gian, thông tin liên lạc, khiến hành khách bị phụ thuộc vào nguồn cung dịch vụ. Sự phụ thuộc này làm cho hành khách trở thành kẻ yếu thế trong quan hệ dịch vụ. Thêm vào đó, việc đặt/gọi xe truyền thống phải thực hiện thông qua các giao dịch trực tiếp, vừa mất thời gian vừa không bảo đảm sự hiệu quả và tiện lợi.

Với GrabCar, người dùng có thể sẽ nhìn thấy trên màn hình có hàng chục phương tiện sẵn sàng phục vụ, với đầy đủ thông tin về xe và tài xế, quãng đường và chi phí di chuyển, thời gian… Bên cạnh đó, ứng dụng còn có chức năng phản hồi, chấm "sao" ngay sau mỗi chuyến đi.

Trong khi Uber chỉ cho phép thanh toán bằng thẻ thanh toán quốc tế khi vừa gia nhập vào Việt Nam (mới đây đã triển khai tính năng trả tiền mặt), thì Grab từ lúc bắt đầu tới nay vẫn chỉ có hình thức thanh toán tiền mặt tại Việt Nam. Trong thời gian tới, Grab sẽ triển khai chức năng Thân thiện với Doanh nghiệp (GrabWork) và bổ sung phương thức thanh toán bằng thẻ (được gọi tạm thời là GrabPay).

Đề án được ông Đinh La Thăng ký ban hành

Đề án "Ứng dụng khoa học công nghệ trong việc hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng" được Bộ trưởng Bộ GTVT (lúc bấy giờ là ông Đinh La Thăng) ký ban hành ngày 7.1.2016, với mục tiêu đưa hoạt động kết nối dịch vụ vận tải trên nền tảng công nghệ thông tin vào nề nếp và phù hợp với khuôn khổ pháp luật, tạo tiền đề cho việc triển khai các dự án ứng dụng khoa học công nghệ cho ngành vận tải trong tương lai.

Cũng theo quyết định này, công tác thí điểm sẽ được triển khai tại 5 tỉnh, thành phố (Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Khánh Hòa và Quảng Ninh) trong vòng 2 năm (từ tháng 1.2016 đến tháng 1.2018). Đơn vị tham gia thí điểm là công ty Grab và các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách loại xe dưới 9 chỗ theo hợp đồng.

Theo Dân Việt