"Đại chiến" taxi:

Grab: Tòa yêu cầu nhiều chứng cứ ngoài nội dung kiện của Vinasun

VietTimes -- Liên quan đến vụ Vinasun kiện Grab Taxi, phía Grab khẳng định việc tòa yêu cầu nộp danh sách, hợp đồng các đối tác, các hợp tác xã và một số  nội dung khác không thuộc phạm vi vụ kiện. Đồng thời khẳng định việc Grab thực hiện khuyến mãi là thuộc thẩm quyền quản lý của Cục Quản lý cạnh tranh - Bộ Công thương.
HĐXX tuyên bố hoãn vụ kiện để bổ sung chứng cứ. Ảnh: TAND TPHCM
HĐXX tuyên bố hoãn vụ kiện để bổ sung chứng cứ. Ảnh: TAND TPHCM

Theo thông tin từ Tòa án nhân dân TP.HCM, chiều ngày 7/2, tòa tiếp tục xét xử vụ Công ty CP Ánh Dương Việt Nam (Vinasun Corp) kiện Công ty TNHH Grab Taxi (Grab Taxi) để đòi bồi thường thiệt hại hơn 41 tỷ đồng.

Phiên tòa diễn ra chủ yếu với phần phát biểu quan điểm của phía nguyên đơn và những đối đáp với tòa của phía bị đơn liên quan đến các yêu cầu khởi kiện của Vinasun.

Trong đó, HĐXX quan tâm đến việc định danh của Grab hiện nay và hợp đồng giữa Grab với các HTX hoặc các tài xế cũng như khoảng tiền khi khách hàng sử dụng taxi chi trả sẽ rơi vào "túi" của bên nào?

Đồng thời, HĐXX xoáy mạnh vào cáo buộc về hành vi cạnh tranh không công bằng của Grab khi Grab liên tục tung ra các khuyến mãi, và việc định giá, điều hành giá cước liên tục trong ngày do bên nào quyết định?

Tại tòa, đại diện của Grab không cung cấp được các chứng cứ về hợp đồng, cũng như chưa giải thích rõ về phân chia số tiền khách hàng sử dụng taxi chi trả. Đại diện của Grab chỉ hứa sẽ cung cấp các tài liệu liên quan sớm nhất cho HĐXX.

Về việc định giá cước và liên tục khuyến mãi, sau một loạt các câu hỏi của tòa, đại diện Grab cũng không thể trình bày được.

Sau đó, HĐXX quyết định tạm dừng phiên tòa do còn nhiều vấn đề cần làm rõ.

Grab: Tòa yêu cầu nhiều chứng cứ ngoài nội dung kiện của Vinasun  ảnh 1Đại diện Vinasun tại tòa

Tuy nhiên, trong văn bản mới nhất trả lời báo chí, phía Grab đã đưa ra quan điểm của mình về các vẫn đề trên.

Cụ thể, đối với việc định danh Grab, Grab cho biết hiện đang triển khai 2 dịch vụ là GrabCar (hoạt động theo Đề án 24) và GrabTaxi (hoạt động theo quy định của Nghị định số 52/2013/NĐ-CP của Chính phủ về thương mại điện tử). Do vậy, không thể cáo buộc sai lệch rằng Grab Việt Nam hoạt động tràn lan và ngoài phạm vi được phép theo Đề án 24.

Về vấn đề thuế, Grab lần nữa khẳng định đã và đang thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế khi chính Tổng Cục Thuế đã xác nhận Grab Việt Nam đã hoàn thành toàn bộ nghĩa vụ thuế trong 3 năm 2014-2016. Đồng thời nhấn mạnh, việc xử lí các vi phạm về nghĩa vụ thuế (nếu có) không thuộc phạm vi của vụ kiện này, mà là thẩm quyền của Tổng cục Thuế và Bộ Tài chính.

Về vấn đề trọng tâm của phiên xét xử hôm 7/2, Grab cho biết giá cước của chuyến đi được tính toán dựa trên thỏa thuận của Grab Việt Nam và các hợp tác xã vận tải đã có thỏa thuận với Grab Việt Nam. Việc giá cước thay đổi trong ngày là do nhu cầu tăng cao của hành khách tùy vào khu vực và vào một số thời điểm nhất định trong ngày.

Đồng thời, Grab khẳng định Grab hoạt động hoàn toàn phù hợp với Đề án 24 cũng như là một trong những lý do Đề án 24 được chấp thuận vì tính ưu việt và an toàn của Ứng dụng Grab.

Trong đó, Grab nêu quan điểm việc xác định cụ thể hình thức kinh doanh của Grab Việt Nam, cũng như đề nghị buộc Grab Việt Nam phải trình bày chi tiết cách tính giá cước, yêu cầu nộp danh sách các đối tác, các hợp tác xã, bao gồm hợp đồng với các đơn vị này, hoàn  toàn không nằm trong phạm vi của vụ kiện. Thay vào đó, việc xác định hình thức kinh doanh của một doanh nghiệp sẽ thuộc cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền quản lý nhà nước như Bộ Giao Thông Vận Tải hoặc Bộ Công thương.

Về cáo buộc Grab Việt Nam thực hiện khuyến mãi tràn lan, trái luật, tạo cạnh tranh không lành mạnh, phá giá sàn, làm ảnh hưởng đến doanh thu của Vinasun, phía Grab cho hay, hoạt động xúc tiến thương mại, các chương trình khuyến mãi không có giải thưởng chỉ cần thông báo đến Sở Công thương mà không cần đăng ký, cũng như không cần phải báo cáo sau khi kết thúc chương trình. Hiện Grab Việt Nam đều có thông báo hoặc đăng ký với Sở Công thương, Bộ Công thương trước khi thực hiện chương trình khuyến mãi, và các chương trình này đều được thông báo công khai đến khách hàng.

Grab: Tòa yêu cầu nhiều chứng cứ ngoài nội dung kiện của Vinasun  ảnh 2Đại diện Grab Taxi tại tòa.

Ngoài ra, trong phiên xét xử ngày 7/2/2018, Vinasun cũng không thể trả lời về bằng chứng cụ thể nào chứng minh chương trình khuyến mãi nào của Grab Việt Nam làm lượng khách hàng của Vinasun bị sụt giảm, và sụt giảm như thế nào. Vinasun cũng không phải là đơn vị định ra giá cước vận chuyển hành khách cho toàn bộ thị trường Việt Nam, vì vậy, không thể lấy giá cước của Vinasun làm giá sàn tham chiếu, từ đó cáo buộc Grab Việt Nam phá giá sàn.

Grab Việt Nam nhấn mạnh: việc khiếu nại về áp đặt giá hay phá giá thuộc thẩm quyền của Cục Quản lý cạnh tranh - Bộ Công thương.

Ngoài ra, văn bản của Grab cũng nêu nhiều luận điểm bác bỏ các cáo buộc của Vinasun như Vinasun không chứng minh được Grab gây thiệt hại cho Vinasun, hay bác bỏ cáo buộc Grab vi phạm chương trình Grab Share...
Kết thúc văn bản, Grab ủng hộ quyết định của tòa khi cho tạm dừng vụ án, trả hồ sơ. Nhưng cũng lưu ý: "Mọi cáo buộc vô căn cứ, làm méo mó hình ảnh của cơ quan chức năng, và nguy hại đến hình ảnh, uy tín của Grab Việt Nam đều là những hành vi không được chấp nhận và chúng tôi sẽ tiến hành các thủ tục pháp lý cần thiết đối với bất cứ đơn vị, doanh nghiệp nào cố tình bôi nhọ và làm tổn hại đến uy tín, danh tiếng của Grab Việt Nam".