Tuyến cáp được đặt theo tên của Grace Hopper, người tiên phong trong lĩnh vực lập trình máy tính Mỹ. Sau khi hoàn thiện, Grace Hopper sẽ là một trong các tuyến cáp mới nối Mỹ và Anh kể từ năm 2003, hỗ trợ các dịch vụ Google như Meet, Gmail và Google Cloud. Nó cũng đánh dấu khoản đầu tư đầu tiên của Google trong tuyến cáp quang biển tư nhân tới Anh và là tuyến cáp đầu tiên đến Tây Ban Nha.
Grace Hopper được thiết kế với 16 cặp sợi quang, là nâng cấp đáng kể đối với hạ tầng Internet kết nối Mỹ với châu Âu. Tuyến có độ dài 6.250 km từ Mỹ tới Anh và 6.300 km từ Mỹ tới Tây Ban Nha. Dự án có thể hoàn thành vào năm 2022. Công ty cáp biển SubCom là đối tác của Google trong dự án. Hiện không rõ chi phí đầu tư là bao nhiêu.
Cáp quang biển phụ trách 98% lưu lượng truy cập Internet quốc tế khắp thế giới. Chúng cho phép chia sẻ, tìm kiếm, gửi và nhận thông tin trên toàn cầu với tốc độ ánh sáng. Do ảnh hưởng của Covid-19, nhiều nước quy định cách ly tại nhà, đồng nghĩa với gây áp lực lên mạng lưới hiện tại vì nhu cầu của những dịch vụ tốn băng thông như Netflix, Zoom tăng vọt.
Tom Meyer, Giám đốc kiêm Phó Chủ tịch công nghệ của hãng nghiên cứu IDC châu Âu, nhận định thời điểm này chứng minh mạng lưới ổn định, đáng tin cậy không còn là điều “có thì tốt” nữa mà trở thành “phải có”. Đầu tư vào hạ tầng là ưu tiên quan trọng, đặc biệt khi nhu cầu kết nối ngày một lớn.
Trước đó, vào tháng 5, Facebook cũng thông báo xây cáp quang quanh châu Phi để tăng cường truy cập Internet tại đây. Facebook hợp tác với China Mobile, MTN, Orange và Vodafone cũng như các nhà mạng địa phương cho dự án mang tên 2Africa. Nhà cung cấp hệ thống cáp Alcatel Submarine Networks thuộc Nokia sẽ nhận nhiệm vụ xây cáp. Với độ dài 37.000 km, Facebook khẳng định nó tương đương với chu vi của Trái đất.