Theo Phone Arena, thẻ “Xác minh chân thực” (Fact Check) giúp mọi người kiểm tra tính hợp pháp của từng bài viết trên web. Tuy nhiên, Google sẽ không trực tiếp xác minh tính chân thực của nguồn tin. Trách nhiệm này sẽ được chuyển cho bên thứ ba, chẳng hạn như Snopes, PolitiFact và các công ty khác.
Khi người dùng tìm kiếm một thông tin qua máy tìm kiếm Google, Google sẽ trả lại kết quả bao gồm các bài viết, người có liên quan đến bài viết, gắn kèm với một thẻ xác minh tính chân thực.
Hình dưới đây cho thấy khi người dùng tìm kiếm lời phát ngôn “27 triệu người bị đối xử như nô lệ”, Google trả về kết quả bao gồm bài viết, Thượng nghị sỹ Bob Corker là người đã đưa ra phát ngôn này, đồng thời gắn thẻ “Xác minh chân thực” với xác nhận của PolitiFact “hầu hết là đúng”.
Google cho biết hãng đang cộng tác với 115 tổ chức để xác thực thông tin. Các công ty truyền thông khác cũng có thể tham gia vào quá trình xác thực thông tin, tuy nhiên họ phải đáp ứng được thuật toán xác minh của Google để trở thành một nguồn tin có thẩm quyền.
Theo Google: “Chúng tôi không mong đợi rằng mọi thông tin trực tuyến sẽ được ai đó kiểm tra và xác minh. Điều Google mong muốn đơn giản chỉ là giúp mọi người đưa ra những phán đoán chính xác hơn khi tìm kiếm thông tin trực tuyến”.
Sau khi Facebook và Google loại bỏ các trang tin tức giả mạo khỏi mạng lưới quảng cáo của họ, đây là bước đi tiếp theo của Google nhằm hạn chế việc phát tán thông tin giả mạo trực tuyến.