|
Ảnh minh họa: NYTimes |
Kể từ khi thành lập năm vào 1998 tại một nhà kho ở Thung lũng Silicon, Google luôn được biết tới như một công ty công nghệ có đạo đức kinh doanh.
Năm 2004, hai nhà sáng lập công cụ tìm kiếm nổi tiếng nhất thế giới, Larry Page và Sergey Brin đã khẳng định trước các cổ đông: “Google không phải một công ty thông thường”. Đại diện của Google cho biết sẽ luôn đặt giá trị dài hạn lên lợi nhuận tài chính ngắn hạn: “Làm cho thế giới trở thành nơi tốt đẹp hơn” sẽ là phương châm kinh doanh chủ đạo và la bàn đạo đức của Google, được tóm tắt lại bằng một slogan ngắn gọn: “Đừng trở nên xấu xa” (Don’t be evil).
Trong những năm tiếp theo, Google đã hơn một lần khiến chúng ta phải hoài nghi về đạo đức kinh doanh của họ. Gần đây nhất, công ty chủ quản Alphabet đã lặng lẽ loại bỏ slogan nổi tiếng “Đừng trở nên xấu xa” khỏi bộ quy tắc ứng xử.
Tuy nhiên, Wall Street Journals cho rằng những lời nói hoa mỹ của Google chẳng khác nào lời tiếp thị chất gây nghiện nhắm vào những đối tượng cả tin. Ví dụ điển hình vào năm 2010, sau 4 năm nỗ lực vận hành công cụ tìm kiếm bị kiểm duyệt gắt gao tại Trung Quốc, Google đã chủ động rút chân ra khỏi thị trường tỷ dân.
Giờ đây, Google dường như đã thay đổi ý định và muốn tìm đường quay lại Trung Quốc thông qua dự án Dragonfly. Trong cuộc họp với các nhân viên tuần trước, CEO của Google Sundar Pichai cho biết “chúng tôi chưa sẵn sàng để tung ra” công cụ tìm kiếm tại Trung Quốc, nhưng ông Pichai cũng không phủ nhận công ty đang khám phá thị trường tiềm năng này.
Google có thể sẽ không giữ được phương châm kinh doanh ban đầu của mình. Thực tế, không có bất kỳ công ty kinh doanh dịch vụ trực tuyến nào muốn đứng ngoài thị trường lớn nhất thế giới như Trung Quốc, đặc biệt khi nhiều đối thủ của Google tại Mỹ vẫn đang hoạt động theo quy tắc kiểm duyệt của Bắc Kinh. Trung Quốc là thị trường lớn thứ 3 của Apple; Amazon và Microsoft cũng đang thu khoản lợi nhuận béo bở nhờ cung cấp các dịch vụ Internet tại đó.
Quyết định rời khỏi Trung Quốc của Google trước đây đã trở thành nét văn hóa của công ty (Googliness). Động thái này của ban lãnh đạo công ty như một sự hy sinh về tài chính để đề cao nên tảng đạo đức trước các nhân viên và đối tác. Mặt khác, các nhà hoạt động vì quyền tự do trên mạng Internet đã bày tỏ mối quan ngại về thời điểm mà doanh thu khiến Người khổng lồ Tìm kiếm mờ mắt và đẩy nhanh làn sóng kiểm duyệt tại Trung Quốc, cũng như các quốc gia khác trên thế giới.
Giám đốc dự án phát triển quyền riêng tư và Công nghệ tại Liên minh Tự do Dân sự Mỹ, Ben Wizner cho biết: “Họ (Gooogle) chỉ nên nói như vậy – nghĩa vụ chính là đem về lợi nhuận cho cổ đông và công ty. Nhưng đó không phải là lời hùng biện của Google và tôi nghĩ sẽ công bằng khi phán xét chúng theo các tiêu chuẩn mà chính họ đặt ra”.
Phản hồi về dự án Dragonfly, phát ngôn viên của Google cho biết: “Chúng tôi không đưa ra bình luận về các kế hoạch tương lai”. Tuy nhiên, trong nội bộ công ty đã nổ ra tranh luận giữa các nhà lãnh đạo công ty về kế hoạch trở lại Trung Quốc có phải là sự vi phạm đạo đức?.
Cùng trong cuộc họp nhân sự tuần qua, CEO Sundar Pichai nói rằng việc quay lại Trung Quốc sẽ phù hợp với tầm nhìn của công ty trong năm 2006, khi Google đồng ý chặn kết quả tìm kiếm dưới sự kiểm soát của Bắc Kinh.
Bài đăng trên blog của Google năm 2006 cho biết “lọc các công cụ tìm kiếm rõ ràng sẽ làm tổn hại nhiệm vụ của chúng tôi”. Tuy nhiên, nếu không làm vậy, Google sẽ “không thể cung cấp dịch vụ tìm kiếm cho một phần năm dân số thế giới”.
Trong buổi phỏng vấn với Tạp chí New York Times, CEO Sundar Pichai đã nhấn mạnh luận điểm này thông qua câu truyện cuộc đời của ông tại Ấn Độ: “Cha tôi làm việc cho một công ty của Anh và công ty này đã trải qua giai đoạn đắn đo nên tiếp tục gắn bó thị trường Ấn Độ hoặc rút lui”. Ông Pichai nói thêm: “Cuối cùng họ đã quyết định ở lại, điều này tạo nên sự khác biệt. Và trong tất cả khả năng có thể xảy ra, tôi sẽ không thể có mặt tại đây hôm nay, nếu không nhờ quyết định đó”.
Tạp chí New York Times cho rằng lý do chính khiến Google rời khỏi Trung Quốc vào năm 2010 là bởi một vụ tấn công của Trung Quốc vào hệ thống để tìm kiếm gián điệp và những người bất đồng quan điểm với chính phủ. Vụ tấn công khiến các nhà lãnh đạo Google, trong đó có đồng sáng lập Sergey Brin vô cùng tức giận.
Mặc cho hy vọng của ông Brin về tương lai mà Bắc Kinh sẽ nới lỏng hàng rào kiểm duyệt nhưng thực tế trong những năm gần đây, không chỉ Trung Quốc mà cả các quốc gia Châu Âu đã thắt chặt hơn các quy đinh. Ví dụ tại Châu Âu, “quyền được lãng quên” buộc Google và các công cụ tìm kiếm khác phải chặn các kết quả được đánh giá vi phạm quyền riêng tư, đồng thời ban hành nhiều quy tắc quản lý ngôn từ kích động, mang tính thù địch. Cựu điệp viên CIA, Edward Snowden cũng cho biết Mỹ và Anh đang có ý định tấn công các công ty cung cấp dịch vụ Internet lớn, kể cả Google.
Trong bối cảnh là nước đi tiếp theo của Google tại Trung Quốc vẫn chưa rõ ràng thì vẫn tồn tại khả năng công ty sẽ tiến hành biện pháp phi truyền thống để vừa làm hài lòng Bắc Kinh, vừa không đánh mất tôn chỉ của mình. Chắc chắn điều này rất khó xảy ra và nếu Google quyết tâm quay lại Trung Quốc, công ty sẽ đánh mất niềm tin từ nhân viên, đối tác và người dùng.
Giáo sư về đạo đức kinh doanh và tài chính của Đại học New York, Micheal Posner nhận định nếu Google đồng ý thỏa hiệp với các yêu cầu kiểm duyệt của Bắc Kinh thì “đây sẽ là thắng lợi lớn của chính phủ Trung Quốc và bất kỳ quốc gia nào muốn hạn chế quyền tự do trên Internet”.
Theo New York Times