AI trở thành chủ đề nổi bật trong các bài phát biểu của Google tại I/O 2017. Và tính năng Google Play Protect được xem là nỗ lực mới nhất của công ty nhằm bảo vệ các thiết bị Android, ít nhất khi người dùng truy cập vào dịch vụ Google Play.
Không giống như của Apple, Google không tiến hành xem xét kỹ lưỡng các ứng dụng mới được gửi lên Google Play Store. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa công ty không quan tâm đến các ứng dụng độc hại. Họ áp dụng phương thức tự động hóa quá trình kiểm tra thay vì sử dụng con người kiểm tra bằng tay. Và phương thức bảo vệ mới mà Google cung cấp có tên Protect dựa trên nền tảng AI hứa hẹn giúp mọi người thực sự an toàn.
Nhiệm vụ của Protect đó là bắt đầu ngay trước khi ứng dụng được đăng công khai trên Play Store. Nó quét các ứng dụng và đặt một hệ thống chặn ngay sau đó nếu được phát hiện có hành vi không an toàn. Đồng thời, Google Play Protect cũng hoạt động trên chính thiết bị của bạn và thường xuyên quét các ứng dụng ở chế độ nền, cho dù chúng được cài đặt từ Google Play hay qua một nguồn khác để xác định và xác định các ứng dụng xấu. Bạn thậm chí có thể tự kích hoạt việc quét nếu muốn.
Được biết, cách duy nhất mà Google Play Protect hoạt động để có thể xác định các ứng dụng độc hại tự động ở thời điểm hiện tại là nghiên cứu hành vi của ứng dụng. Nó thực hiện điều này bằng cách so sánh hành vi của gần 50 triệu ứng dụng đã cài đặt trên 1 tỉ thiết bị và nhận diện những điều tốt và xấu.
Google cũng tiến hành thay đổi tên gọi của ứng dụng Android Device Manager thành Find My Device, cho phép bạn có thể tải về và cài đặt từ Google Play Store. Các chức năng của Find My Device không có gì thay đổi so với hệ thống trước đó ngoại trừ việc bổ sung thêm khả năng khóa và xóa smartwatch từ xa.
Theo Thanh niên (nguồn SlashGear)
http://thanhnien.vn/cong-nghe/google-play-protect-co-the-bao-ve-thiet-bi-android-trong-nhieu-nam-836494.html