|
Android O có nhiều cải tiến so với Android Nougat |
Trên thế giới cứ 10 điện thoại thì có 9 cái chạy hệ điều hành Android. Hiện tại thì hệ điều hành mới nhất của Google mới chỉ được đặt tên mã là Android O. Đây là một phần mềm chưa hoàn thiện. Nó được phát hành nhằm mục đích dùng thử để các nhà phát triển có thể chỉnh sửa trước khi Google chính thức ra mắt.
Theo thông lệ, Google thường lấy tên của các loại bánh kẹo để đặt tên cho hệ điều hành mới. Chẳng hạn Android 7.0 được gọi là Nougat (một loại kẹo được làm từ đường hoặc mật ong kèm với các loại quả cứng). Phiêm bản trước đó là Marshmallow (kẻo dẻo xốp) và Lollipop (kẹo mút). Rất có thể Android O se là Oreo (bánh socola nhân sữa).
Đúng như những tin tức đồn đoán trước đây, hệ điều hành Android O đã có những cải tiến về hiệu năng của pin, giúp cho máy tính bảng và điện thoại có thời gian hoạt động lâu hơn. Để làm được điều này, Google đã giới hạn các ứng dụng chạy ngầm, không cho chúng làm việc khi người dùng đã tắt ứng dụng. Chẳng hạn như ứng dụng Google Maps sẽ không thể cập nhật vị trí khi nó chạy nền.
Ông David Burke, Phó Chủ tịch Kiến trúc Android cho biết: “Android O được thiết kế với ưu tiên cải thiện thời lượng pin cho thiết bị của người sử dụng”.
Android O cũng cải tiến tính năng thông báo. Người dùng có thể kiểm soát được các thông báo trong ứng dụng dễ dàng hơn. Họ có thể nhóm các thông báo khác nhau lại với nhau.
Google đã cố gắng làm cho điện thoại của người dùng trở nên an toàn hơn với bản cập nhật WebView trong Android O. WebView là một dịch vụ được sử dụng rộng rãi cho phép các nhà lập trình tận dụng công nghệ trình duyệt trong ứng dụng của họ. Bản cập nhật này làm cho các ứng dụng mã độc khó đánh cắp thông tin cá nhân của người dùng.
Một tính năng khác trong Android O là chế độ “ảnh trong ảnh”. Người dùng có thể xem video trong khi sử dụng các ứng dụng khác như xem Google Maps hay nhắn tin. Tính năng này trước đây chỉ có trên Android TV. Bản cập nhật này cũng cải tiến tính năng tự động điền ký tự. Nó sẽ tự động điền văn bản vào các hộp thoại giúp người dùng không phải gõ lại nhiều lần.
Có một thách thức đối với Google là các phiên bản Android mới thường không được người dùng sử dụng ngay. Đó là vì Google có nhiều đối tác phần cứng và các nhà cung cấp dịch vụ khác nhau. Những đối tác này đều muốn thêm phần phát triển của riêng họ vào hệ điều hành gốc của Google. Do đó để người dùng sử dụng phiên bản hiện tại là một điều khiến cho Google “đau đầu”. Người ta gọi vấn đề này là sự "phân mảnh".
Tính đến tuần đầu tiên của tháng 3, chỉ có 2,8 % người dùng đã cập nhật hệ điều hành Android Nougat. 85% vẫn đang sử dụng các hệ điều hành cũ hơn là Marshmallow, Lollipop và KitKat. So với hệ điều hành iOS, 79% người dùng đã cập nhật lên phiên bản mới nhất là iOS 10.
Phiên bản Android O hoàn chỉnh sẽ được Google cho ra mắt vào tháng 6 tại sự kiện Google I/O.
Theo CNET