Google mở rộng hệ thống giám sát môi trường trên nền tảng AI để cảnh báo cháy rừng và lũ lụt

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Google tiếp tục mở rộng hệ thống giám sát môi trường, phát triển trên nền tảng Trí tuệ Nhân tạo (AI) không chỉ tăng độ chính xác, thời gian cảnh báo sớm hơn thiên tai bão lũ và mở rộng sang cảnh báo cháy rừng.
Cảnh báo lũ lụt mới của Google cung cấp thông tin ở một số khu vực về độ sâu của nước ngập. Ảnh: Google
Cảnh báo lũ lụt mới của Google cung cấp thông tin ở một số khu vực về độ sâu của nước ngập. Ảnh: Google

Google lần đầu tiên bắt đầu thử nghiệm Flood Hub do AI hỗ trợ năm 2018, một công cụ kỹ thuật số nhằm cung cấp cho người dùng trên toàn thế giới khả năng theo dõi và dự đoán chính xác các sự kiện thiên tai quan trọng thời gian thực.

Mặc dù ban đầu công nghệ được ra mắt ở khu vực Patna Ấn Độ, một khu vực nổi tiếng với lũ lụt tàn khốc, trong vòng 2 năm, phạm vi giám sát đã mở rộng bao trùm toàn bộ đất nước và một số vùng ở Bangladesh. Đưa ra hơn115 triệu cảnh báo liên quan đến những tình huống khẩn cấp sắp xảy ra như lũ lụt vào tháng 6/2022 ở Ấn Độ.

Ngày 2/11, Google công bố mở rộng lớn hệ thống cảnh báo trên nền tảng AI không chỉ cung cấp những cảnh báo dự đoán lũ lụt mà còn cả cảnh báo cháy rừng. Trong một bài viết đăng trên blog chính thức của doanh nghiệp, Yossi Matias, Phó chủ tịch phụ trách Kỹ thuật và Nghiên cứu Ứng phó Khủng hoảng của Google cho biết, phạm vi tiếp cận của Flood Hub mở rộng đến các lưu vực lũ lụt của 20 quốc gia, bao gồm 15 quốc gia ở Châu Phi cùng với 3 quốc gia khác ở Châu Á và Châu Mỹ Latinh.

Tất cả những người dùng thiết bị, sử dụng hệ điều hành Android trong những khu vực được giám sát đều có thể nhận được cảnh báo, cùng với bất kỳ người dùng nào cài đặt ứng dụng tìm kiếm của Google trên điện thoại thông minh.

Dịch vụ dự báo lũ lụt của Google đang được sử dụng trên địa hình Ấn Độ. Ảnh: Google

Dịch vụ dự báo lũ lụt của Google đang được sử dụng trên địa hình Ấn Độ.

Ảnh: Google

Các doanh nghiệp và tổ chức cũng có thể sử dụng chương trình, nhưng phải có quyền truy cập internet cùng với bật các dịch vụ định vị của Google. Bản đồ tương tác được nâng cấp cho phép mọi người tìm kiếm các khu vực trong mạng lưới giám sát để xem những đánh giá rủi ro lũ lụt được mã hóa màu, bất kể đang ở vị trí nào trên thế giới.

Trang The Verge giải thích, Google đang phát triển ứng dụng trên một kỹ thuật AI được gọi là "học chuyển giao" nhằm tăng cường độ chính xác và khoảng thời gian cảnh báo cho những khu vực có ít dữ liệu về khí hậu, thời tiết và những sự cố lũ lụt. Các mô hình AI sử dụng dữ liệu của những lưu vực thoát nước khác nhau, sau đó mở rộng tính toán tỷ lệ đến bất kỳ khu vực nào nằm trong vùng giám sát. Công nghệ cập nhật này có khả năng cung cấp cảnh báo trước thời điểm tối đa một tuần, vượt trội hơn với khoảng thời gian cảnh báo 48 giờ trước đó của Google.

Ứng dụng theo dõi thảm họa thiên tai cũng được mở rộng đến cảnh báo cháy rừng. Kể từ khi ra mắt vào năm 2020, dịch vụ này sử dụng dữ liệu từ NASA và NOAA, nhưng tương tự như Flood Hub, những tiến bộ của Máy học đang tăng cường khả năng giám sát và dự đoán.

Bản cập nhật cảnh báo cháy rừng bao gồm các quốc gia Mỹ, Canada, Mexico và các khu vực của Úc, trong tương lai gần sẽ bao gồm lãnh thổ của nhiều quốc gia hơn nữa. "Kể từ tháng 7, chúng tôi đã đưa tin cảnh báo về hơn 30 sự kiện cháy rừng lớn ở Mỹ và Canada, giúp thông báo cho mọi người và các đội cứu hỏa với hơn 7 triệu lượt xem trong Tìm kiếm và Bản đồ," Matias viết trong bài trên blog của Google.

Những tác động mạnh mẽ của biến đổi khí hậu, gây nên những sự cố thiên tai nặng nề là một điều chắc chắn không thể tránh khỏi trong tương lai của hành tinh, việc sử dụng một cách sáng tạo những công nghệ tiên tiến như AI và Máy học có ý nghĩa then chốt trong khả năng ngăn chặn xảy ra những hậu quả tồi tệ nhất.

Liên Hợp Quốc đã công bố một phân tích ảm đạm về khả năng sẵn sàng ứng phó với thiên tai toàn cầu vào tháng 10, cho biết rằng một nửa số quốc gia trên hành tinh không sở hữu đầy đủ những hệ thống cảnh báo sớm, có ý nghĩa quan trọng giúp thực hiện kịp thời các động thái sơ tán cứu hộ và bảo vệ người dân.

"Thế giới đang thất bại trong nỗ lực kêu gọi đầu tư vào những hoạt động nhằm bảo vệ cuộc sống và sinh kế của những người trong những khu vực căng thẳng nhất", Tổng thư ký Liên Hợp Quốc António Guterres phát biểu trong một tuyên bố video vào thời điểm đưa ra bản phân tích và nhấn mạnh, "Những người có những tác động ít nhất (người nghèo) gây ra cuộc khủng hoảng khí hậu lại đang phải trả giá đắt nhất".

Theo Popular Science