|
BigTech hiện áp dụng nguyên tắc quản trị Ít đặc quyền, nhiều áp lực đối với nhân viên, ẢNh: SCMP. |
Ở Thung lũng Silicon, một thông điệp đang trở nên rõ ràng hơn bao giờ hết: kỷ nguyên của những đặc quyền hậu hĩnh và trách nhiệm thấp đang dần khép lại.
Các ông lớn công nghệ như Google, Microsoft và Meta đang tái cấu trúc văn hóa doanh nghiệp, kết hợp phần thưởng lớn dành cho người làm tốt cùng các biện pháp mạnh mẽ nhằm xử lý người không đáp ứng kỳ vọng.
Đây là bước chuyển mình đáng chú ý trong bối cảnh ngành công nghệ đang phải đối mặt với áp lực từ cổ đông, cạnh tranh về trí tuệ nhân tạo và yêu cầu thắt chặt chi phí.
Google tăng thưởng, nhưng không phải ai cũng được hưởng
Google gần đây đã cập nhật hệ thống đánh giá hiệu suất nhằm khuyến khích hiệu quả công việc cao hơn.
Theo tiết lộ của Business Insider, công ty đã điều chỉnh cách xếp hạng để nhiều nhân viên có cơ hội được công nhận là người có thành tích xuất sắc, từ đó nhận mức thưởng và cổ phiếu hấp dẫn hơn.
Tuy nhiên, đây là sự thay đổi “trung lập về ngân sách”, nghĩa là ngân sách không tăng thêm mà được phân bổ lại — người giỏi được nhiều hơn, đồng nghĩa với việc người kém sẽ nhận ít đi. Điều này tạo ra động lực mạnh mẽ thúc đẩy hiệu suất, nhưng cũng là lời cảnh báo với những ai đang có xu hướng “an phận”.
Microsoft: Cải thiện hoặc ra đi
Microsoft đang áp dụng một trong những chính sách quản lý hiệu suất cứng rắn nhất trong ngành.
Với những nhân viên không đạt kỳ vọng, công ty đưa ra hai lựa chọn: nhận 16 tuần lương để tự nguyện nghỉ việc, hoặc bước vào chương trình cải thiện hiệu suất (PIP) với mục tiêu cụ thể và thời hạn rõ ràng.
Nếu không đạt yêu cầu sau chương trình PIP, nhân viên sẽ bị sa thải mà không được nhận khoản hỗ trợ nào, đồng thời bị cấm quay lại làm việc tại Microsoft trong vòng hai năm. Đầu năm nay, công ty đã sa thải khoảng 2.000 nhân viên hiệu suất thấp mà không có chế độ thôi việc.
Meta: Đánh giá nghiêm ngặt, chặn nhân viên cũ quay lại làm việc
Meta cũng không nằm ngoài xu hướng siết chặt hiệu suất. Công ty hiện đang thực hiện các đợt đánh giá nhằm cắt giảm khoảng 5% lực lượng lao động — tập trung vào nhóm bị đánh giá là có hiệu suất thấp nhất.
Theo một bản ghi nhớ nội bộ được Business Insider tiết lộ, Meta đang hướng tới chính sách sa thải thường niên.
Điều gây tranh cãi là việc Meta duy trì một “danh sách chặn” nội bộ, ngăn một số cựu nhân viên — kể cả những người từng có hiệu suất tốt — quay lại làm việc. Ngay cả khi có sự ủng hộ từ nhà quản lý tuyển dụng, việc tái tuyển vẫn thường bị từ chối mà không có lý do rõ ràng.
Xu hướng lớn: Ít đặc quyền, nhiều áp lực
Sự thay đổi trong cách quản lý hiệu suất phản ánh một xu hướng rộng lớn hơn trong ngành công nghệ: tăng cường hiệu quả, giảm thiểu chi phí và tối ưu hóa đội ngũ. Khi đầu tư vào AI bùng nổ và thị trường tài chính đòi hỏi sự minh bạch cùng lợi nhuận nhanh chóng, các công ty buộc phải đưa ra những lựa chọn khó khăn.
Thông điệp từ ban lãnh đạo các công ty lớn như Google, Meta và Microsoft giờ đây rất rõ ràng: thành công không còn dựa vào thời gian cống hiến hay lòng trung thành, mà phụ thuộc vào khả năng tạo ra giá trị liên tục và vượt trội.