
Phát biểu tại Diễn đàn Hill & Valley tại Washington hôm 30/4, ông Jack Clark – chuyên gia chính sách AI, đồng sáng lập Anthropic và cựu Giám đốc chính sách của OpenAI – nhận định rằng "sự cường điệu" quanh DeepSeek là "có lẽ hơi thái quá".
Jack Clark cho rằng DeepSeek, công ty khởi nghiệp AI hàng đầu của Trung Quốc, vẫn đi sau các đối thủ tiên phong tại Mỹ từ 6 đến 8 tháng, bất chấp những lời khen ngợi gần đây dành cho các mô hình nguồn mở của họ.
Clark cho biết, các mô hình của DeepSeek có một số thuật toán thông minh, nhưng nếu không có quyền truy cập vào tài nguyên điện toán quy mô lớn, công ty này khó có thể vươn lên ngang hàng với các ông lớn công nghệ Mỹ như OpenAI hay Google DeepMind.
“Tôi nghĩ rằng DeepSeek có những ý tưởng đáng chú ý. Nếu họ có đủ nguồn lực điện toán, họ có thể trở thành một đối thủ đáng gờm hơn”, Clark nói, đồng thời khẳng định các mô hình hiện tại của DeepSeek, theo đánh giá nội bộ của Anthropic, không gây ra rủi ro an ninh quốc gia cho Mỹ.
Tuyên bố của Clark được đưa ra trong bối cảnh cộng đồng công nghệ quốc tế đang dõi theo chặt chẽ lộ trình phát triển của DeepSeek.
Vào cuối tháng 4, công ty có trụ sở tại Hàng Châu đã bất ngờ công bố mã nguồn của mô hình Prover-V2 với 671 tỷ tham số – một bản cập nhật dành cho các bài toán chứng minh toán học. Tuy nhiên, công ty vẫn chưa tiết lộ thêm thông tin về R2, mô hình lý luận thế hệ tiếp theo vốn được kỳ vọng sẽ tạo ra bước nhảy vọt lớn.
DeepSeek từng làm dậy sóng ngành công nghệ đầu năm nay khi tung ra R1, một mô hình AI nguồn mở được phát triển dựa trên nền tảng V3 và được xây dựng với chi phí cùng yêu cầu điện toán chỉ bằng một phần nhỏ so với tiêu chuẩn của các công ty công nghệ lớn. Điều này giúp củng cố niềm tin vào năng lực phát triển AI trong nước của Trung Quốc, ngay cả khi nước này đang đối mặt với các lệnh hạn chế xuất khẩu chip tiên tiến từ Mỹ.
Tuy vậy, theo Clark, chi phí phát triển thấp của DeepSeek không hẳn là một lợi thế tuyệt đối.
“Họ không tạo ra mô hình giá rẻ như người ta tưởng”, Clark dẫn lời từ Giám đốc điều hành Anthropic – ông Dario Amodei – người từng kêu gọi siết chặt hơn nữa các hạn chế xuất khẩu công nghệ sang Trung Quốc.
Sự nổi lên của DeepSeek cũng kéo theo làn sóng áp dụng AI tại Trung Quốc, trải rộng từ lĩnh vực nông nghiệp đến dịch vụ tài chính. Nhờ nguồn mở, các mô hình như V3 và R1 có thể được doanh nghiệp tự do sử dụng và tùy biến, thúc đẩy mạnh mẽ ứng dụng AI trong nước.
Trong khi đó, “cuộc đua AI” tại Trung Quốc tiếp tục nóng lên với sự tham gia của các ông lớn như Tập đoàn Alibaba.
Cuối tháng 4, đơn vị điện toán đám mây của Alibaba đã công bố loạt mô hình mới mang tên Qwen3, bao gồm tám mô hình từ 600 triệu đến 235 tỷ tham số. Biến thể lớn nhất – Qwen3-235B – đã vượt qua OpenAI o3-mini, o1 và cả DeepSeek-R1 trong các bài kiểm tra về hiểu ngôn ngữ, kiến thức chuyên sâu, toán học và lập trình, theo dữ liệu do Alibaba công bố.
Anthropic, đối thủ trực tiếp của OpenAI, hiện đang được hậu thuẫn bởi nhiều tập đoàn công nghệ lớn như Amazon và Google.
Tháng 3 vừa qua, công ty này đã huy động được 3,5 tỷ USD trong vòng gọi vốn do Lightspeed Venture Partners dẫn đầu, nâng mức định giá lên 61,5 tỷ USD. Được tổ chức dưới mô hình “công ty phúc lợi công cộng”, Anthropic cam kết phát triển AI một cách an toàn và có trách nhiệm với xã hội.
Mặc dù hiện nay DeepSeek và Alibaba đang tạo nên những dấu ấn đáng kể trong hệ sinh thái AI nguồn mở toàn cầu, các chuyên gia như Clark cho rằng Trung Quốc vẫn cần thêm thời gian và nguồn lực để bắt kịp khoảng cách công nghệ với các công ty tiên phong tại Mỹ.
Theo SCMP