Google: Luật chống tin tức giả của Singapore có thể cản trở sự tự do ngôn luận

VietTimes -- Google vừa đưa ra một bình luận mới nhất vào hôm thứ Năm ngày 9/5 sau khi đạo luật chống lại thông tin giả được quốc hội Singapore thông qua vào hôm 8/5. Theo “gã khổng lồ”, đạo luật này là một bước lùi của tự do ngôn luận và nó cản trở đến sự đổi mới công nghệ.
Dòng chữ Google được hiển thị bên ngoài văn phòng của công ty ở London, Anh ngày 1/1/2018. Ảnh: Reuters
Dòng chữ Google được hiển thị bên ngoài văn phòng của công ty ở London, Anh ngày 1/1/2018. Ảnh: Reuters

Từ đầu tháng 4/2019, Quốc hội Singapore đã bắt đầu xem xét dự thảo về luật phòng chống tin tức giả, theo đó, cơ quan có thẩm quyền được phép chỉnh sửa hoặc gắn nhãn sai phạm đối với các thông tin mà họ cho là không đúng sự thật. Ngày 8/5, đạo luật này đã chính thức được Quốc hội Singapore thông qua. Tuy nhiên, nó ngay lập tức vấp phải sự phản đối của các nhóm bảo vệ nhân quyền, các nhà báo và các công ty công nghệ. Phe phản đối đạo luật lo ngại rằng nó có thể được sử dụng để kìm hãm quyền tự do ngôn luận.


Đạo luật được thông qua vào thời điểm Singapore - một trung tâm tài chính và thương mại đang nỗ lực để trở thành trung tâm cho sự đổi mới kỹ thuật số. Google cho biết đạo luật này có thể sẽ gây cản trở những nỗ lực đó.

“Chúng tôi lo ngại rằng đạo luật này sẽ ảnh hưởng đến sự đổi mới và phát triển của hệ sinh thái thông tin số”, đại diện của Google đã trả lời trong một bài phỏng vấn của hãng tin Reuters.

Theo đạo luật mới này, người nào lan truyền thông tin sai lệch với “ý đồ phá hoại” phải chịu trách nhiệm hình sự, bao gồm khoản tiền phạt khoảng 735.000 USD và án tù cao nhất lên tới 10 năm. Người bị phạt có thể kháng cáo lên tòa án tối cao Singapore hoặc thông qua xem xét tư pháp.

Google cho biết luật chống tin tức giả của Singapore có thể cản trở nỗ lực đưa quốc gia này trở thành trung tâm khu vực về đổi mới kỹ thuật số. Ảnh: New Straits Times
Google cho biết luật chống tin tức giả của Singapore có thể cản trở nỗ lực đưa quốc gia này trở thành trung tâm khu vực về đổi mới kỹ thuật số. Ảnh: New Straits Times

Bộ trưởng Tư pháp Singapore cho biết đạo luật sẽ không ảnh hưởng đến quyền tự do ngôn luận. Singapore cho biết với vị trí là trung tâm tài chính toàn cầu, một quốc gia đa dân tộc đa tôn giáo và được phép truy cập internet rộng rãi, đất nước này dễ bị “tổn thương” và nhạy cảm trước các thông tin sai lệch. Đạo luật như là một biện pháp cứng rắn để Singapore đối phó với các thông tin giả mạo.


Simon Milner, Phó chủ tịch châu Á - Thái Bình Dương của Facebook về chính sách công cũng bày tỏ quan ngại: “Các khía cạnh của luật mới sẽ trao quyền cho cơ quan hành pháp Singapore buộc chúng tôi phải xóa nội dung mà họ cho là sai và gửi thông báo của chính phủ tới người dùng”. 

Ông Milner cho biết Facebook hy vọng rằng các tuyên bố trấn an của Bộ đi kèm một cách tiếp cận mang tính đo lường cụ thể trong thực tế.

Giữa Facebook và Singapore đã xảy ra tranh cãi vào cuối năm ngoái khi công ty từ chối xóa một bài đăng trực tuyến với nội dung nói về các ngân hàng Singapore liên quan đến vụ bê bối của Malaysia và rằng chính phủ đã hành động sai lầm.

Vụ bê bối chính trị tại Singapore liên quan đến những bất đồng quan điểm giữa Thủ tướng Lý Hiển Long và hai em ruột của mình về di sản tinh thần của cha họ - cố thủ tướng Lý Quang Diệu đã được phát tán trên Facebook vào năm 2017. Hai người em của Thủ tướng đã sử dụng mạng xã hội để đưa ra một khía cạnh khác nói về việc sự cầm quyền của anh trai mình chỉ duy nhất dựa vào việc ông là con trai của Lý Quang Diệu. Sự kiện này đã gây ra một sự xáo trộn chính trị không nhỏ bởi Singapore là quốc gia được lãnh đạo bởi cùng một đảng kể từ khi độc lập vào năm 1965.

Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh kinh doanh và đầu tư ASEAN tại Singapore, ngày 12/11/2018. Ảnh: Reuters
Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh kinh doanh và đầu tư ASEAN tại Singapore, ngày 12/11/2018. Ảnh: Reuters

Các nhà hoạt động nhân quyền lo ngại rằng đạo luật mới này của Singapore có thể trao cho chính quyền quyền quyết định các thông tin được đăng trực tuyến là đúng hay sai. Đạo luật sẽ ảnh hưởng đến tự do internet trên khắp Đông Nam Á, ông Phil Philon, phó Giám đốc phụ trách Tổ chức theo dõi Nhân quyền châu Á cho biết.


Đạo luật này của Singapore dự kiến sẽ khởi đầu cho một loạt các cuộc chiến thông tin mới khi đảo quốc Sư tử đang cố gắng áp đặt “phiên bản hẹp” của sự thật lên một thế giới mà thông tin ngày càng được lan truyền rộng rãi.

Theo Reuters