Google đã thay đổi bộ não của chúng ta như thế nào?

Qua 16 năm tồn tại, Google đã thay đổi rất nhiều, và não bộ con người cũng đã thay đổi để thích ứng với một thế giới không thể thiếu vắng các bộ máy tìm kiếm.
Khi ra đời Google, 2 chàng trai trẻ Larry Page và Sergey Brin có lẽ đã không nghĩ rằng trang web của họ có thể thay đổi... bộ não của con người.

Khi Larry Page và Sergey Brin sáng lập Google vào năm 1998, bộ máy tìm kiếm của hai thiên tài toán học này có một điểm mạnh vượt trội so với các đối thủ cạnh tranh vào lúc đó: tự động xếp hạng các kết quả tìm kiếm dựa theo mức độ liên quan tới từ khóa do người dùng nhập vào. Nhờ có thế mạnh này, Google nhanh chóng vươn lên vị trí số 1 thế giới và đến nay vẫn áp đảo hoàn toàn các đối thủ cạnh tranh như Yahoo hay Bing. Trải qua nhiều năm, Google đã mở rộng thành một đế chế hùng mạnh với các sản phẩm số như Maps, Android, Chrome, Gmail cũng như các sản phẩm không thuộc lĩnh vực web như robot, y học, xe tự lái...

Song, nhắc đến Google đầu tiên vẫn là nhắc tới tìm kiếm. Với vai trò là cánh cổng dẫn tới Internet của phần đông người dùng, Google đại diện cho kho dữ liệu khổng lồ được con người đưa lên web. Ngay cả cái tên của công ty (nói lái từ "googol", cụm từ đại diện cho con số 10^100) cũng thể hiện mức độ khổng lồ của tài nguyên hiểu biết mà Google mang lại.

Nhưng, khi bộ máy tìm kiếm này đã trở thành một phần quan trọng trong cuộc sống của chúng ta, não bộ con người đã thay đổi thế nào để thích ứng với một thế giới không thể thiếu thông tin, không thể thiếu Google? Liệu lượng thông tin đồ sộ trên web có ảnh hưởng tới cách suy nghĩ của con người.

Đó chính là câu trả lời mà giáo sư Gary Small thuộc bộ môn thần kinh học tại Đại học California (UCLA) đã cùng vợ của mình, bà Gigi Vorgan đi tìm trong suốt 10 năm qua. Vào mùa hè năm 2006, khi cùng vợ viết một cuốn sách về cách Internet thay đổi bộ não con người, giáo sư Small đã rất bất ngờ khi phát hiện ra chưa một ai từng nghiên cứu cách bộ não phản ứng khi chúng ta thực hiện tìm kiếm thông tin trên mạng.

Giáo sư Gary Small và vợ, bà Gigi Vorgan.

"Tôi đã rất tò mò", giáo sư Small khẳng định. Ông liền thực hiện một nghiên cứu bao gồm 24 người tham gia, trong đó có 12 người thường xuyên dùng các bộ máy tìm kiếm và 12 người ít sử dụng. Mỗi người này được thực hiện chụp cộng hưởng từ trong khi đang sử dụng Google. Phát hiện của giáo sư Small sau đó đã khiến ông bất ngờ: trong lúc "Google", não bộ của họ hoạt động rất mạnh.

Nghiên cứu này sau đó đã được công bố trênTạp chí Tâm thần học Tuổi giàcủa nước Mỹ vào năm 1998 với tên gọi "Não của bạn khi lên Google". Theo giáo sư Small, khi sử dụng bộ máy tìm kiếm thì vùng não bộ dành hành vi đưa ra quyết định, suy nghĩ logic phức tạp và thị giác sẽ được tăng cường mức độ hoạt động đáng kể. Ngoài ra, não bộ của những người dùng giàu kinh nghiệm cũng có mức độ hoạt động cao gấp 2 lần so với những người ít sử dụng Google.

Suy đoán của giáo sư Small với hiện tượng này là khi chúng ta sử dụng các bộ máy tìm kiếm nhiều hơn, não bộ sẽ phản ứng với hành động tìm kiếm trên mạng một cách mạnh mẽ hơn:"Mô hình này có vẻ rất giống với những gì xảy ra khi bạn luyện tập cơ bắp của mình. Ban đầu thì bạn rất mệt mỏi, nhưng khi bạn đã nâng cao cân nặng luyện tập, bạn có thể nâng tạ nặng hơn mà lại tốn ít sức hơn".

Sử dụng Google không khác gì luyện tập thể thao cho bộ não.

Kể từ thời điểm đó tới nay, số lượng nghiên cứu về ảnh hưởng của hành động tìm kiếm trên mạng đối với con người đã tăng lên đáng kể. Nhiều nghiên cứu cho thấy, những người có khả năng truy cập vào các bộ máy tìm kiếm (như Google) thường đánh giá quá cao trí thông minh của mình, và rằng những người hay đọc tài liệu trên mạng cũng thường đọc lướt hơn là đọc chi tiết.

Một nghiên cứu khá nổi tiếng do các nhà khoa học đến từ các trường đại học danh tiếng như Columbia, Harvard và Wisconsin-Madison cho thấy, những người được tiếp xúc với Internet thường khó có thể nhớ được các thông tin nhỏ nhặt. Thay vào đó, họ thường ghi nhớ vị trí đã lưu lại thông tin này. Nghiên cứu này đưa ra kết luận rằng Internet đã trở thành bộ não thứ hai của chúng ta:"Internet đã trở thành một loại hình bộ nhớ ngoài/bộ nhớ chuyển đổi chính cho con người, nơi mà thông tin được lưu một cách tổng hợp bên ngoài não bộ của chúng ta".

Bộ não của chúng ta có tính thích ứng cao và được tự nhiên thiết kế để luôn tìm tòi các thông tin mới. "Đó là lý do vì sao chúng ta không thích những thứ lặp đi lặp lại", giáo sư Small khẳng định. Đó cũng là lý do vì sao não người lại phản ứng mạnh mẽ với lượng thông tin vô hạn có trên Internet. Có thể nói rằng trang web là một bữa tiệc buffet miễn phí với các món ăn kiến thức nhiều vô kể, và các bộ máy tìm kiếm như Google, Yahoo và Bing chính là tấm vé để bạn gia nhập bữa tiệc đó. Internet mang lại tất cả những gì mà bộ não cần có, và bởi vậy mà gần như không một ai có thể sống thiếu Google.

Một phần trí thông minh và trí nhớ của bạn giờ hiện đang được đặt tại các trung tâm dữ liệu của Google.

Và thực tế là con người càng ngày càng tận hưởng Google một cách "vô tội vạ". Trong năm 1998, mỗi ngày Google chỉ thu hút được 9.800 lượt tìm kiếm. Đến năm 2014, con số này là... 5,7 tỷ lượt! Các bộ máy tìm kiếm không chỉ là công cụ nghiên cứu của con người khi cần tham chiếu thông tin; chúng đã trở thành phương tiện chính để chúng ta phát hiện và tiếp cận các thông tin mới.

Để phản ánh sự thay đổi đó, các nghiên cứu về ảnh hưởng của Internet với con người cũng cần phải thay đổi.

Khi Small thực hiện nghiên cứu đầu tiên vào năm 2007, ông đã gặp rất nhiều khó khăn khi cố gắng tìm ra những người chưa từng sử dụng các bộ máy tìm kiếm. "Đó cũng là lý do vì sao người tham gia nghiên cứu của tôi có tuổi khá cao, vì người già thường tiếp thu công nghệ mới muộn hơn". Đến bây giờ, vị giáo sư này khẳng định việc tìm ra một người không dùng Google hoặc các dịch vụ tương tự sẽ là gần như bất khả thi.

Về phần mình, Google cũng đã tìm cách bổ sung cho các tính năng mà giờ đây não bộ không còn đảm nhiệm tốt (do sử dụng Google). Trong những năm gần đây, công ty của Larry Page đã liên tục đẩy mạnh các tính năng lưu vị trí, lưu thời điểm và lưu trải nghiệm của con người trên các dịch vụ như Gmail, Google+, Maps... Một phần bộ nhớ của con người giờ đây đã được giao phó cho Internet.

Nhưng, đôi khi chúng ta sẽ cần rời xa máy móc để lấy lại trí thông minh cảm xúc.

Trong bối cảnh con người không thể sống thiếu công nghệ, các nghiên cứu của giáo sư Small cũng đã được thay đổi sang một chủ đề mới: hiệu ứng của cuộc sống thiếu công nghệ đối với não bộ.

Vào năm ngoái, ông đã thực hiện một nghiên cứu gồm một nhóm học sinh lớp 6. Khi bị buộc phải tách rời các thiết bị công nghệ và cùng sinh hoạt trong rừng trong vòng 5 ngày, trí thông minh xã hội và cảm xúc của các em đã tăng lên đáng kể."Tin mừng là chúng ta có thể luyện tập lại cho não của mình để kích hoạt lại các kỹ năng xã hội. Không có gì bị mất mãi mãi cả", giáo sư Small khẳng định.

Lê Hoàng Theo VnReview