Google vừa thông báo bắt đầu tính phí Play Store và các ứng dụng Google đối với các nhà sản xuất thiết bị Android tại châu Âu nhằm đối phó với phán quyết của Ủy ban châu Âu hồi tháng 7/218. Thay đổi là bước chuyển dịch quan trọng trong mô hình kinh doanh của Google và có khả năng làm lung lay vị thế trên thị trường trình duyệt, tìm kiếm.
Nguy cơ lớn nhất với Google là từ nay, các đối tác sản xuất điện thoại, máy tính bảng như Samsung, LG hay Motorola có thể cung cấp thiết bị chạy Android tại châu Âu mà không cần bất kỳ ứng dụng, dịch vụ Google nào. Đây thực sự là điểm đáng chú ý nhất và nếu các hãng đủ can đảm để thử, nó có thể dẫn đến cục diện thị trường hoàn toàn khác biệt đối với điện thoại Androidtrong tương lai.
Cho đến hiện tại, Google đã trói chân các đối tác trong hệ sinh thái của mình. Nếu muốn đưa ứng dụng, dịch vụ Google lên thiết bị, nhà sản xuất buộc phải cài sẵn những ứng dụng và dịch vụ đó trên mọi thiết bị Android mà họ làm ra (ngoại trừ Trung Quốc, nơi Google không hiện diện). Chẳng hạn, Samsung không thể bán Galaxy S9 mà chỉ có kho ứng dụng Galaxy Apps và trình duyệt Samsung mà không bao gồm Chrome, Google Play hay Google Search.
Google cho biết họ không cấm đối tác Android sản xuất bất kỳ thiết bị nào mà không có ứng dụng của họ. Thỏa thuận ban đầu chỉ ngăn chặn việc đối tác bán máy chạy Android không được chứng nhận. Những thiết bị “tương thích” với các ứng dụng của họ vẫn có thể được bán ra ngay cả khi không bao gồm ứng dụng đó.
Phần lớn các ứng dụng Android được phát hành trên Google Play Store và nhiều ứng dụng trong số đó phụ thuộc vào dịch vụ Google Play để hoạt động. Chối bỏ Google nghĩa là chối bỏ Play Store, điều đó giống như việc bạn bán một thiết bị mà không có Facebook, Instagram hay Snapchat vậy. Nhà sản xuất thiết bị sẽ phải dựa vào kho ứng dụng thay thế và thuyết phục lập trình viên phát hành sản phẩm trên đó và trong nhiều trường hợp, phải cấu hình lại để chúng hoạt động mà không cần dịch vụ Google.
Đây là điểm mà Ủy ban châu Âu cảm thấy có vấn đề. Như một phần trong án phạt 5 tỷ USD giáng xuống Google vì các “hành vi phi pháp” với Android, ủy ban yêu cầu Google dừng thỏa thuận độc quyền đối với các đối tác. Theo ủy ban, Google đã bác bỏ quyền truy cập các thiết bị thông minh và sáng tạo khác dựa trên những phiên bản Android thay thế của người dùng, đóng cửa một kênh quan trọng cho đối thủ giới thiệu ứng dụng và dịch vụ.
Nếu như chưa từng thấy Samsung, Motorola, Sony, HTC, LG… sản xuất điện thoại Android mà không có Google, nay chúng ta có thể sẽ thấy việc này. Dù vậy, liệu đây có phải ý tưởng hay? Khi người người nhà nhà làm kho ứng dụng và dịch vụ backend riêng, nó trở thành mớ hỗn độn với lập trình viên và khiến người dùng bối rối. Sự chuyển đổi trở nên khó chịu và làm suy yếu tình trạng của Android.
Song, nó cũng có thể là giải pháp hay: Samsung chỉ cần đến kho ứng dụng Galaxy Apps; một số nhà phát triển bên thứ ba có khả năng mở dịch vụ riêng. Chúng mang đến điều khoản tốt hơn cho lập trình viên, buộc phải có quy định chặt chẽ hơn để bảo vệ người dùng, dẫn đến hệ sinh thái tốt hơn cho mọi người.
Chúng ta chưa thể mường tượng được bức tranh ấy sẽ như thế nào. Nếu thay đổi của Google không đủ để tạo ra một cuộc cách mạng, nó cũng có thể mở ra vài dự án đáng kể. Ví dụ, máy tính bảng Amazon Fire không dùng dịch vụ Google thuộc hàng rẻ nhất thị trường. Tuy nhiên, các hãng cũng kiếm tiền từ Google và khách hàng muốn dùng dịch vụ Google. Ngoại lệ này chỉ áp dụng cho khu vực châu Âu, khiến cho các hãng không có nhiều động lực để khởi động hệ sinh thái thay thế hoàn toàn mới.
Họ có thể thử và sau cùng, điều đó đồng nghĩa Google từ nay phải cẩn trọng. Trước đó, nhà sản xuất điện thoại Android không có lựa chọn nào cả, nay thì khác. Với Google, đây chính là nguy cơ nghiêm trọng nhất mà hãng phải đối mặt trong nhiều năm.
Theo ICT news