Theo CNN, tốc độ xử lý của chiếc máy tính này đại diện cho một bước nhảy vọt được gọi là "lượng tử tối thượng", theo một bài đăng từ Google, đính kèm bởi một nghiên cứu khoa học đăng trên tạp chí Nature.
Trong kết quả được công bố ngày 23/10, Google dự báo về sự phát triển của máy tính tính lượng tử, thứ có thể lưu trữ và xử lý nhiều thông tin hơn so với máy tính truyền thống bằng cách sử dụng các nguyên lý vật lý trong lĩnh vực cơ học lượng tử.
Điểm khác biệt lớn là đối với máy tính thông thường, dữ liệu chỉ tồn tại được ở một trạng thái trong một thời điểm: 1 hoặc 0. Nhưng máy tính lượng tử sử dụng các bit lượng tử (qubit), có thể đồng thời là sự kết hợp bất kỳ nào giữa không và một.
Có nhiều vấn đề mà máy tính truyền thống sẽ mất rất nhiều thời gian để giải quyết, ví dụ như việc xác định xem một số có thể chia hết cho một số nguyên tố nào. Cách duy nhất để làm việc này với máy tính truyền thống là thử số đó với tất cả mọi số nguyên tố đã biết, việc sẽ mất rất nhiều thời gian.
Một máy tính lượng tử sẽ giải quyết vấn đề này bằng cách làm cho các sóng xác suất tương tác sao cho câu trả lời đúng được khuếch đại và câu trả lời sai bị phủ định.
Google cho biết họ sẽ cố gắng để xây dựng một "máy tính lượng tử có khả năng chịu lỗi" (fault-tolerant: có thể hoạt động khi lỗi xảy ra) nhanh nhất có thể. Công ty này cho rằng họ có thể áp dụng nó vào việc thiết kế pin trọng lượng nhẹ cho xe hơi và máy bay, cũng như trong việc phát triển các loại thuốc mới.
"Để đạt được các khả năng tính toán cần thiết vẫn sẽ cần nhiều năm làm việc về kỹ thuật và khoa học. Nhưng chúng tôi đã thấy một hướng đi rõ ràng và bây giờ chúng tôi rất háo hức để tiến lên phía trước", Google cho biết.
Tuyên bố của Google đã bị một số chuyên gia và các công ty đối thủ chỉ trích sau khi thông tin này bị rò rỉ trước ngày công bố kết quả chính thức.
IBM cho rằng Google đã đánh giá quá cao độ khó của bài toán lần này. IBM cho rằng thay vì 10.000 năm, siêu máy tính truyền thống có thể giải quyết vấn đề này chỉ trong 2,5 ngày.
CEO Google Sundar Pichai đã bảo vệ tuyên bố của công ty trong một cuộc phỏng vấn với MIT Technology Review, so sánh cột mốc lần này với nỗ lực của anh em nhà Wright trong việc chế tạo máy bay.
"Chiếc máy bay đầu tiên chỉ bay trên không có 12 giây và không có ứng dụng thực tế nào cho điều đó. Nhưng nó cho thấy rằng một chiếc máy bay có thể bay", ông Pichai nói.
Trung Quốc được cho là đang dẫn đầu trong việc phát triển điện toán lượng tử, ngành có thể ứng dụng vào công nghệ quân sự. Mỹ đang cố gắng bắt kịp, làm dấy lên lo ngại về một cuộc chạy đua vũ trang lượng tử.