Trong blog thông báo các thay đổi được đăng tải hôm 20/3, ông Philipp Schindler, Giám đốc kinh doanh Google, cho biết từ lúc này, công ty sẽ cứng rắn hơn với các nội dung thù địch, sỉ nhục và xúc phạm.
Theo ông Philipp Schindler, "Chúng tôi biết rằng các nhà quảng cáo không muốn những quảng cáo của họ xuất hiện bên cạnh những nội dung đi ngược lại giá trị của nhà quảng cáo. Vì thế từ hôm nay, chúng tôi sẽ có một lập trường cứng rắn hơn với các nội dung thù địch, xúc phạm và gây khó chịu".
"Điều này bao gồm việc gỡ bỏ quảng cáo một cách hiệu quả hơn khỏi các nội dung mang tính tấn công, làm nhục con người xuất phát từ sắc tộc, tôn giáo, giới tính hoặc những lý do tương tự. Sự thay đổi này sẽ thúc đẩy chúng ta có biện pháp hợp lý trên các quảng cáo và trang có quy mô lớn hơn", ông bổ sung.
Ông còn khẳng định: "Nhóm YouTube đang xem xét kỹ lưỡng các nguyên tắc cộng đồng hiện tại của chúng tôi để xác định nội dung nào được phép đăng tải trên nền tảng - chứ không chỉ nội dung nào có thể kiếm được tiền".
Tại sự kiện Advertising Week Europe hàng năm ở London hôm thứ hai, chủ tịch của Google cho Châu Âu, Trung Đông và Châu Phi, Matt Brittin, đã xin lỗi các công ty bị ảnh hưởng bởi các quảng cáo xuất hiện trên những nội dung gây tranh cãi.
Trước đó, hàng loạt các thương hiệu lớn trên thế giới đã thông báo ngừng quảng cáo trên YouTube do các nội dung quảng cáo bị xuất hiện bên cạnh nội dung được coi là ghê sợ người đồng tính, cực đoan hoặc chủ nghĩa bài Do Thái. Trong đó, bao gồm cả Marks & Spencer và HSBC,...
Havas SA của Pháp, công ty tiếp thị và quảng cáo lớn thứ 6 thế giới, cũng rút các quảng cáo của khách hàng Anh khỏi Google và YouTube vào ngày 17/3 vì không nhận được bảo đảm từ Google rằng quảng cáo sẽ không hiển thị bên cạnh nội dung xấu. Các khách hàng của họ bao gồm nhà mạng O2, Royal Mail, British Broadcasting, Domino’s Pizza và Hyundai Kia.
Paul Frampton, CEO kiêm Giám đốc Havas Media Group UK, nói sẽ giữ nguyên lập trường cho đến khi tin rằng nền tảng YouTube và Google Display Network có thể mang đến các tiêu chuẩn mà họ và khách hàng mong muốn. Sau đó, công ty mẹ Havas phát biểu sẽ không thực hiện hành động tương tự ngoài nước Anh cũng như đang hợp tác với Google để giải quyết vấn đề.
Chính phủ Anh cũng cho biết, tạm dừng quảng cáo trên YouTube cho đến khi website bảo đảm chúng không bị đặt kế các nội dung không được phê duyệt. Ngoài ra, chính phủ Anh cũng đã triệu tập Google để thảo luận và giải thích làm thế nào hãng bảo đảm đáp ứng được các yêu cầu cấp nhà nước.
Năm 2016, Google thu về 7,8 tỷ USD doanh thu quảng cáo tại Anh, đóng góp 8,6% tổng doanh thu cả công ty. Hành động tẩy chay báo hiệu sự phản đối ngày càng tăng trước cái gọi là giao dịch lập trình, trong đó tự động hóa việc mua bán quảng cáo trên mạng và các nhà cung cấp dịch vụ mạng xã hội dường như chưa làm đủ để xử lý các nội dung thù địch trên nền tảng của họ.