Đầu năm 2015, các nhà nghiên cứu trí tuệ nhân tạo của Google đã tạo ra một phần mềm với tên gọi TensorFlow. 2 năm sau đó, phần mềm này được sử dụng trong việc xây dựng các phần mềm dạy-máy (machine learning) khác và trở thành nền tảng cho rất nhiều tham vọng thay đổi tương lai của Google và công ty mẹ của nó là Alphabet.
“Vị vua” trẻ tuổi
Mới ra đời cách đây 2 năm nhưng TensorFlow giúp các kỹ sư phần mềm biến đổi những ý tưởng với trí tuệ thông minh thành những dòng code thực tế một cách nhanh chóng và dễ dàng hơn rất nhiều, nâng cao hiệu quả của các tính năng như tìm kiếm hoặc nhận diện giọng nói.
Tuy nhiên, chỉ vài tháng sau khi để đội ngũ viết code của mình tiếp cận TensorFlow, công ty này bắt đầu cung cấp nó miễn phí, coi nó như một nguồn mở để ai cũng có thể sử dụng. Chiến lược đã khuyến khích các lập trình viên tích cực thử viết các phần mềm mới và từ đó đóng góp thêm nhiều tính năng để hoàn thiện TensorFlow.
Lợi ích từ hành động hào phóng này của Google ngày càng rõ ràng. Hiện nay, TensorFlow đã trở thành một trong những lựa chọn hàng đầu của các lập trình viên khi họ muốn xây dựng và thử nghiệm điều gì mới mẻ trong việc dạy máy. Bất cứ phần mềm nào được xây dựng với TensorFlow đều có thể dùng ở bất kỳ đâu, đặc biệt càng dễ dàng và hiệu quả hơn khi sử dụng trên nền tảng điện toán đám mây của Google. Mục tiêu cuối cùng của dự án là thuyết phục được càng nhiều công ty sử dụng điện toán đám mây của Google, từ đó giúp gã khổng lồ này nắm được miếng bánh lớn hơn (ước tính 40% và còn tăng lên) trong thị trường nền tảng điện toán đám mây, bỏ xa vị trí thứ 2 và 3 của Amazon và Microsoft.
Giám đốc phụ trách Google Cloud, bà Diane Greene, cho biết TensorFlow hy vọng sẽ thống trị thị trường trong 5 năm nữa và cốt lõi trong chiến lược của Google khi đặt mục tiêu này là khả năng ứng dụng của trí tuệ nhân tạo vào mọi ngành công nghiệp, từ chăm sóc sức khỏe đến ô tô và tự động hóa.
Vương quốc ứng dụng không giới hạn
Các kỹ sư của công ty bảo hiểm AXA sử dụng TensorFlow để xây dựng hệ thống dự đoán được những tai nạn giao thông nguy hiểm cũng như dùng chính môi trường này để phát triển các sản phẩm của mình.
Chính TensorFlow là nền tảng hỗ trợ Google Translate, giúp điện thoại của bạn có thể dịch được menu của một quán ăn khi đi du lịch nước ngoài chẳng hạn. Google cũng phát triển riêng một chương trình xử lý chuyên biệt cho TensorFlow, để giúp hệ thống này làm việc nhanh hơn và tốn ít năng lượng từ các trung tâm dữ liệu của Google hơn.
Cựu Giám đốc phát triển phần mềm của Microsoft, ông S. Somasegar cũng cho rằng TensorFlow của Google đang tạo ra thách thức lớn cho các đối thủ với cách tiếp cận dễ dàng, miễn phí và sử dụng thuận tiện như vậy. Giáo sư Đại học Standford, đồng thời là nhà phát triển startup mang tên Matroid cho biết, ông đã từ bỏ phần mềm mình xây dựng khi biết đến TensorFlow. Theo ông, “nó vượt trội hơn hẳn phần mềm của tôi, ở tất cả mọi khía cạnh”.
Trung tâm nghiên cứu trí tuệ nhân tạo tại Đại học Toronto (Canada), nơi đào tạo những nhà nghiên cứu AI hàng đầu hiện nay, cũng đang cho sinh viên trải nghiệm với TensorFlow. Một giảng viên nói: “10 năm trước, tôi mất hàng tháng trời để làm được những điều mà các sinh viên của tôi ngày nay làm chỉ trong vài ngày với TensorFlow”.
Với sức mạnh và ưu thế như vậy của TensorFlow, Amazon và Microsoft cần phải tiến bộ vượt bậc mới mong có thể đuổi kịp Google trong cuộc đua điện toán đám mây.
Ông Urs Holzle, phó giám đốc Google Cloud trong một buổi giới thiệu sản phẩm. |
Theo ICTNews (Nguồn BI)
http://ictnews.vn/kinh-doanh/doanh-nghiep/google-bo-xa-amazon-va-microsoft-chi-bang-phan-mem-nay-155948.ict