Góc nhìn chuyên gia tuần mới: Dòng tiền sẽ chuyển hướng sang penny?

Thị trường chứng khoán Việt Nam đã có chuỗi tăng điểm ấn tượng nhờ sự hỗ trợ của các bluechip. Nhiều bluechip như VNM, GAS, VIC, MWG, VCB đã phá các đỉnh cao nhất và đang chịu áp lực chốt lời. Liệu dòng tiền có chuyển hướng sang nhóm penny và midcap? Cùng Đầu tư Chứng khoán tìm câu trả lời từ các chuyên gia chứng khoán trong chuyên mục bàn tròn tuần này.
Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)
Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)

Sau gần 2 tuần tăng điểm mạnh, áp lực chốt lời đã gia tăng trong 2 phiên cuối tuần, đặc biệt là bluechips trụ cột. Theo các ông, liệu nhịp điều chỉnh còn tiếp diễn trong tuần tới?

Ông Dương Văn Chung, Giám đốc đầu tư, CTCK MB (MBS)

Tôi cho rằng, sự điều chỉnh của thị trường chỉ mang tính chất ngắn hạn và dự báo chỉ kéo dài 4 - 5 phiên, trong đó đã tính hai phiên cuối tuần, còn nhịp điều chỉnh chỉ diễn ra khi các cổ phiều cùng đồng pha giảm điểm. Tuy nhiên, hiện nay, thị trường chưa có dấu hiệu các cổ phiếu đồng loạt giảm, nên sau vài phiên điều chỉnh, thị trường sẽ có xu hướng tăng trở lại, nhưng đà tăng sẽ không còn nhiều.

Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Đầu tư, CTCK Maybank KimEng (MBKE)

Khả năng điều chỉnh là có và cũng là điều bình thường khi thị trường đã tăng mạnh và nhanh trong một thời gian ngắn. Tuy nhiên, xu hướng ngắn hạn vẫn là tích cực nếu vùng hỗ trợ 640 và trung hạn là 620 được giữ vững.

Theo quan sát của tôi,  thị trường nhiều khả năng sẽ không điều chỉnh sâu, do hiện có nhiều thông tin hỗ trợ từ thị trường thế giới tích cực, quyết tâm của Chính phủ khi ban hành hàng loạt chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và thị trường, dự báo kết quả kinh doanh quý II của nhiều doanh nghiệp cũng khả quan...

Ông Nguyễn Hồng Khanh, Trưởng phòng Phân tích, CTCK SBS

Thị trường đã tăng tốc rất mạnh vào đầu tuần và vì vậy, nhịp điều chỉnh sau đó cũng ở mức tương ứng. Sự thăng hoa của chứng khoán Việt Nam đã kéo dài liên tục 6 tháng, qua 3 đợt sóng lớn và tăng hơn 150 điểm kể từ mốc 520 vào đầu năm.

Góc nhìn chuyên gia tuần mới: Dòng tiền sẽ chuyển hướng sang penny? ảnh 1

Ông Nguyễn Hồng Khanh 

Theo chỉ số PE trung bình thị trường, trong 3 lần chạm đỉnh cao nhất 640 trong 2 năm gần đây là khoảng 13.5 - 14 và năm nay tại đỉnh mới 680 vừa thiết lập, thì chỉ số PE cũng gần xấp xỉ 13.8.

Ở một góc nhìn hẹp hơn, với các cổ phiếu vốn hóa lớn nhất sàn HOSE, thì hiện tại PE trung bình đã đạt mức 18.5, cao nhất so với các đỉnh quá khứ. Điều đó cho thấy, việc chỉ số VN-Index bứt phá mạnh mẽ có sự đóng góp chính của nhóm VN30 và hiện tại định giá PE trung bình của nhóm này đã ở mức khá cao.

Hiện tại, thị trường đang trong mùa báo cáo kết quả kinh doanh 6 tháng của các doanh nghiêp, vì vậy sẽ có những đợt sóng lên xuống với sự phân hóa mạnh và chỉ số VN-Index có thể dao động quanh 660-680 trong một thời gian. Tuy nhiên, thị trường sẽ khó thể bứt phá xa hơn hiện tại, mà cần một đợt điều chỉnh tương đối để giá các cổ phiếu hấp dẫn hơn.

Tuần qua, thị trường không hẳn tập trung vào một nhóm cổ phiếu, mà rải rác ở các ngành, trong đó phải kể đến KSA khi cổ phiên này có những phiên “nổi loạn”. Dòng tiền cũng đang nhen nhóm chuyển từ các bluechip sang các cổ phiếu micap và penny. Theo các ông, nhóm cổ phiếu nào sẽ là tâm điểm trong thời gian tới?

Ông Dương Văn Chung, Giám đốc đầu tư, CTCK MB (MBS)

Như tôi đã nói, do đà tăng thị trường không còn nhiều, nên dòng tiền sẽ tập trung vào những cổ phiếu chưa tăng điểm trong thời gian qua, bất kể là buechips, micap hay penny, nếu như các cổ phiếu này không có thông tin xấu.

Hiện nay, có thể thấy, thị trường đã thiết lập một mặt bằng giá mới, nên dòng tiền sẽ có xu hướng luân chuyển từ nhóm cổ phiếu tăng mạnh sang nhóm cổ phiếu chưa tăng.

Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Đầu tư, CTCK Maybank KimEng (MBKE)

Nhóm bluechips vẫn rất quan trọng trong lúc này, đặc biệt là nhóm dầu khí, ngân hàng và đang có xuất hiện thêm nhóm bảo hiểm. Các cổ phiếu bất động sản lớn như VIC cũng đang nhận được sự quan tâm của nhà đầu tư. Khi nhóm bluechips tăng điểm, thì thị trường mới được hỗ trợ.

Góc nhìn chuyên gia tuần mới: Dòng tiền sẽ chuyển hướng sang penny? ảnh 2

 Ông Phan Dũng Khánh

Nhóm cổ phiếu pennies, midcap cũng có khá nhiều mã có sự tăng trưởng tốt, nhưng không nhiều như trước và khả năng cũng sẽ khó có thể nhận được nhiều sự quan tâm trong bối cảnh thị trường chung tích cực (khi thị trường xấu thì nhóm này lại được sự chú ý nhiều hơn). Tuy nhiên, chỉ có những mã này mới có mức tăng bằng lần và tạo ra nhiều cảm xúc như hiện tượng DRH có mức tăng giá khủng hàng đầu trong lịch sử thị trường chứng khoán Việt Nam.

Ông Nguyễn Hồng Khanh, Trưởng phòng Phân tích, CTCK SBS

Khi các nhóm cổ phiếu blue chip như VNM, GAS, VIC, MWG, VCB đã phá các đỉnh cao nhất, thì dòng tiền sẽ hướng sang các nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, thậm chí là các cổ phiếu có thị giá thấp như OGC, KSA, JVC…

Thị trường luôn có một nhóm nhà đầu tư ưa thích mạo hiểm với các dòng cổ phiếu penny do đặc tính thị giá rẻ và khi có tin thì lợi nhuận biên mang lại rất cao và nhanh hơn hẳn các cổ phiếu khác.

Nếu nhìn tổng thể thì dòng tiền chính của thị trường vẫn chảy vào các nhóm cổ phiếu lớn, có hoạt động cơ bản hỗ trợ và tăng trưởng cao trong năm nay, như nhóm ngành thép, ngân hàng, xây dựng như thời gian vừa qua.

Tôi cho rằng, các nhóm ngành kể trên cùng một số cổ phiếu đầu ngành khác như dược, bất động sản, mía đường, chứng khoán sẽ tiếp tục là đích nhắm đầu tư của số đông trong thời gian tới.

Khối ngoại vẫn tiếp tục mua ròng mạnh trong các phiên giảm điểm, là một trong những yếu tố nâng đỡ tâm lý thị trường. Nhiều ý kiến cho rằng, thị trường điều chỉnh chỉ mang tính chất ngắn hạn còn xu hướng tăng trong trung hạn vẫn được bảo lưu. Quan điểm của các ông?

Ông Dương Văn Chung, Giám đốc đầu tư, CTCK MB (MBS)

Đúng như trước đây tôi đã dự báo. Hiện tại, VN-Index sẽ cán mốc 660 điểm và đang tiến đến mốc 680 điểm và đỉnh trung hạn vẫn chưa diễn ra. Tuy nhiên, dư địa tăng điểm cho các chỉ số không còn lớn và mặt bằng chỉ số sẽ chỉ loanh quanh ngưỡng 660 - 690 điểm.

Góc nhìn chuyên gia tuần mới: Dòng tiền sẽ chuyển hướng sang penny? ảnh 3

 Ông Dương Văn Chung

Đà tăng của thị trường cũng sẽ không còn nhiều, biên độ thị trường không còn rộng, nên những cổ phiếu chưa tăng sẽ được nhà đầu tư quan tâm.

Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Đầu tư, CTCK Maybank KimEng (MBKE)

Với nhiều thông tin tích cực từ thế giới cũng như tại Việt Nam, hầu như không có thông tin nào quá xấu tác động đến thị trường nên khả năng thị trường chỉ đang trong nhịp điều chỉnh trong một xu hướng tăng điểm dài hạn.

Sắp tới đây, khi kỳ họp Quốc hội bắt đầu và báo cáo kết quả kinh doanh quý II được nhiều doanh nghiệp công bố, thì thị trường còn nhận được nhiều thông tin hỗ trợ hơn nữa.

Ông Nguyễn Hồng Khanh, Trưởng phòng Phân tích, CTCK SBS

Nếu nhìn so với lịch sử vài năm gần đây thì thị trường Việt Nam có vẻ đã tăng khá nhanh và chỉ số định giá đã cao hơi kỳ vọng. Tuy nhiên, nếu xét một số khía cạnh khác như so sánh với các thị trường cận biên thì thị trường Việt Nam vẫn còn khá hấp dẫn. Một yếu tố đáng chú ý với nhà đầu tư nước ngoài là hoạt động thoái vốn một số công ty lớn đang niêm yết đang được xúc tiến nhanh hơn và động thái IPO các doanh nghiệp nhà nước cũng được đẩy mạnh từ nay đến cuối năm là tín hiệu rất tích cực.

Thị trường đang bước sang một giai đoạn tăng tốc mới và tôi cũng đồng quan điểm xu hướng tăng trung hạn đang dần hình thành và điểm đáy hỗ trợ suốt 3 năm qua ở ngưỡng 500 sẽ được tịnh tiến lên 580-600 trong thời gian tới. Điều đó có nghĩa thị trường sẽ có điều chỉnh, nhưng không phải là mất đi những gì đang có, mà chỉ mang tính kỹ thuật trong thời gian ngắn và xu hướng chung vẫn tăng trưởng.

Theo ĐTCK