|
Ảnh minh họa |
Go-Viet hôm nay 20/11 thông báo thử nghiệm dịch vụ Go-Food tại TP.HCM đồng thời công bố ca sĩ Sơn Tùng MTP là đại sứ thương hiệu.
Go-Viet hợp tác với hàng chục ngàn đối tác ăn uống trên toàn quốc, từ tiệm ăn bình dân Việt Nam, chuỗi cửa hàng thức ăn nhanh đến các nhà hàng sang trọng, và hứa hẹn sẽ làm thỏa mãn cả những tín đồ ẩm thực khó tính nhất với danh sách các món ăn phong phú và hàng loạt ưu đãi hấp dẫn.
Sử dụng Go-Food khá đơn giản như các ứng dụng khác: Khi người dùng đặt món, tài xế Go-Viet gần nhất sẽ nhận đơn hàng và liên hệ xác nhận với người dùng trong vòng vài phút; sau đó, khách hàng có thể theo dõi vị trí của tài xế và tình trạng đơn hàng trên ứng dụng.
Bà Nguyễn Bảo Linh - Đồng sáng lập kiêm Phó Tổng giám đốc phụ trách Phát triển của Go-Viet cho biết sẽ thí điểm dịch vụ giao đồ ăn tại thành phố Hồ Chí Minh và hy vọng sẽ sớm triển khai trên toàn quốc.
“Go-Food tại thị trường Indonesia là dịch vụ giao nhận thức ăn lớn nhất thế giới (bên ngoài Trung Quốc). Chúng tôi tin rằng Go-Food sẽ đáp ứng nhu cầu đa dạng của các tín đồ ẩm thực Việt, cũng như được ưa chuộng, đón nhận từ người dùng khi dịch vụ chính thức ra mắt trong thời gian sắp tới”, bà Linh nói.
Như vậy, thị trường giao đồ ăn hiện tại đã có đủ mặt các ông lớn, gồm GrabFood, Now (Foody) và Go-Viet. Cuộc chiến giữa 3 gã khổng lồ này hứa hẹn sẽ có nhiều thú vị trong thời gian tới.
Go-Viet với sự hậu thuẫn của Go-Jek có khởi điểm khá giống với Grab, cả hai cùng xuất phát điểm là ứng dụng gọi xe. Hiện hai startup này đều hướng đến một “siêu ứng dụng” cung cấp hầu hết các dịch vụ liên quan khác.
Không tự nhận là “siêu ứng dụng” nhưng Now từ giao đồ ăn đã nhảy vào giao dược phẩm, thực phẩm, rượu bia, giúp việc nhà,... chắc chắn sẽ mở rộng thêm trong tương lai.
Thị trường giao đồ ăn hiện vẫn có Lala.vn, Zalo, Vietnammm,... tuy nhiên vẫn chưa đủ mạnh khi so với Now, GrabFood hay nền tảng phía sau Go-Food tại Việt Nam.
Dịp này Go-Vịet cũng công bố Sơn Tùng M-TP là đại sứ thương hiệu của công ty.