Gỡ “điểm nghẽn” đánh giá cán bộ

Tổng Bí thư Tô Lâm vừa có bài viết Sắp xếp tổ chức bộ máy “Tinh-Gọn-Mạnh- Hiệu Năng-Hiệu Lực-Hiệu Quả”. Bài viết đã “điểm huyệt” đúng căn bệnh thiếu hiệu quả của bộ máy Nhà nước. Để tinh, gọn, hiệu quả, công tác đánh giá cán bộ rất quan trọng.

Những bất cập nổi cộm cần thay đổi ngay

Vấn đề đánh giá cán bộ đã được đề cập và bàn luận sôi nổi ở nước ta trong suốt nhiều năm qua, cũng đã trải qua nhiều lần đổi mới, như Báo cáo Chính trị trình Đại hội XII của Đảng đã nêu: “Đánh giá cán bộ vẫn là khâu yếu nhất qua nhiều nhiệm kỳ nhưng chưa có tiêu chí cụ thể và giải pháp khoa học để khắc phục”.

Thực tế cho thấy đánh giá cán bộ ở nước ta hiện nay còn nhiều bất cập, những vấn đề dễ thấy nhất là tiêu chí đánh giá chưa rõ ràng, kết quả đánh giá không gắn với lương thưởng, nặng tính hình thức, không thực chất, quy trình, thủ tục rườm rà, lạc hậu, rất “tốn công, tốn sức”.

Kiểu đánh giá “dĩ hòa vi quý” rất phổ biến, mọi người đánh giá tốt cho nhau bất kể kết quả thực tế tốt hay xấu, hầu hết ai cũng được đánh giá tốt cả.

Một kiểu đánh giá khác là thông qua “bỏ phiếu, bình bầu” khiến cho có những cán bộ lãnh đạo, quản lý chỉ lo “giữ mình” “tròn vo” để được phiếu cao, cứ “đi nhẹ, nói khẽ, cười duyên” để vừa lòng tất cả,...

Thậm chí, người ta còn lạm dụng đánh giá để cất nhắc người nhà, người của mình vào những chỗ béo bở,...

Với hệ thống đánh giá cán bộ như hiện nay, khó có thể quy trách nhiệm cá nhân rõ ràng nên nhiều việc lớn tồn đọng lâu ngày, hết năm này đến năm khác gây thất thoát, lãng phí ở nhiều nơi. Các cán bộ giữ cương vị quan trọng có kết quả hoạt động yếu kém cũng chẳng sao cả!!!

Những yếu tố trên làm mất động lực của nhiều cán bộ có năng lực và tâm huyết, trong khi vẫn có một bộ phận cán bộ né việc; không tạo được động lực, áp lực đủ mạnh thúc đẩy cán bộ làm việc hết mình, thậm chí trở thành “cơn gió ngược” đối với việc đạt mục tiêu trở thành quốc gia phát triển, thu nhập cao vào năm 2045.

Vậy đánh giá cán bộ cần được cải cách thế nào để tạo xung lực mới mạnh mẽ đưa đất nước vượt lên?

Cá nhân hóa trách nhiệm người đứng đầu với KPI mũi nhọn

Cần thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về thực hiện mục tiêu 2045, đề ra "Đại chiến lược tổng thể" để đạt mục tiêu trở thành quốc gia phát triển, thu nhập cao vào năm 2045 với lộ trình và các bước đi cụ thể.

Xác lập các KPI mũi nhọn ở các nhiệm vụ then chốt của từng bộ, ngành, tỉnh, thành, chẳng hạn, KPI về thực hiện chuyển đổi số, về đầu tư công, về cải cách hành chính, về tăng trưởng kinh tế, về phát triển R&D, về phát triển nguồn nhân lực trình độ cao...

Cá nhân hóa trách nhiệm người đứng đầu bộ, ngành, tỉnh, thành với KPI mũi nhọn, các KPI mũi nhọn thuộc bên Đảng thì bí thư chịu trách nhiệm cá nhân, các KPI mũi nhọn thuộc chính quyền thì Chủ tịch chịu trách nhiệm cá nhân, trường hợp hợp nhất thì chịu trách nhiệm cá nhân cả bên Đảng và chính quyền.

Chế độ thưởng phạt công minh theo KPI mũi nhọn

Thiết lập các chỉ tiêu KPI mũi nhọn rõ ràng, lượng hóa tối đa, cho điểm mỗi nhiệm vụ cùng hướng dẫn chi tiết. Với sự lượng hóa cụ thể, rõ ràng không chỉ tạo thuận lợi cho việc thực thi mà còn dễ cho việc quy trách nhiệm.

Kết quả hoàn thành các chỉ tiêu KPI mũi nhọn là căn cứ thực hiện chế độ thưởng phạt công minh cả về “kinh tế” và “chính trị” đối với cả tập thể và cá nhân.

Cụ thể, các bộ, ngành, tỉnh, thành được xếp hạng theo tổng điểm đạt được, mức tiền thưởng tương ứng với số điểm tập thể đạt được. Mức tiền thưởng do Ban Chỉ đạo Trung ương về thực hiện mục tiêu 2045 quyết định. Nguồn tiền thưởng được lấy từ quỹ khen thưởng của bộ, ngành, tỉnh, thành, trung ương cấp 20%, số còn lại do bộ, ngành, tỉnh, thành đóng góp.

Phần thưởng kinh tế đối với cá nhân, ai đạt nhiều điểm thì hưởng nhiều tiền thưởng, ai đạt ít điểm thì hưởng ít tiền thưởng, ai không đạt số điểm tối thiểu thì không được nhận tiền thưởng. Mỗi điểm tương ứng với số tiền thưởng xác định do Ban Chỉ đạo Trung ương về thực hiện mục tiêu 2045 quyết định.

“Phần thưởng chính trị” đối với cá nhân là ai đạt kết quả xuất sắc thì được xem xét cất nhắc lên chức vụ cao hơn, ai có kết quả yếu kém thì cho thôi chức vụ.

Cụ thể, người đứng đầu bộ, ngành, tỉnh, thành đạt thứ hạng hàng đầu là căn cứ để được xem xét bổ nhiệm chức vụ cao hơn bên Đảng và chính quyền, được tặng thưởng danh hiệu lãnh đạo điển hình, là hình mẫu lãnh đạo cho các lãnh đạo bộ, ngành, tỉnh, thành khác noi theo.

Ngược lại, người đứng đầu bộ, ngành, tỉnh, thành có thứ hạng thấp, không đạt chỉ tiêu KPI mũi nhọn tối thiểu bị thuyên chuyển công việc khác hoặc cho cơ hội xin từ chức hay nghỉ hưu sớm...

Số hóa việc giám sát, đánh giá KPI mũi nhọn

Số hóa việc giám sát, đánh giá KPI mũi nhọn để giảm công sức và thời gian đánh giá, giúp việc đánh giá được thực hiện nhanh chóng, khách quan, cũng như thuận tiện cho việc theo dõi tiến độ và kết quả đánh giá của các cá nhân và tập thể được kịp thời.

Với hệ thống đánh giá tự động, mọi đóng góp của cá nhân, tập thể đều được ghi nhận minh bạch, công bằng và do vậy, việc thưởng phạt sẽ công tâm công bằng hơn.

Cần lập cổng thông tin điện tử quốc gia để giám sát, đánh giá việc thực hiện KPI mũi nhọn của các bộ, ngành, tỉnh thành, hệ thống được thiết kế để tự động cho ra điểm số cuối cùng khi các cá nhân, tập thể nhập kết quả thực hiện KPI mũi nhọn của mình và người chịu trách nhiệm giám sát đánh giá nhập đầy đủ các thông tin, thông số theo quy định.

Các bộ, ngành, tỉnh, thành báo cáo kết quả thực hiện chỉ tiêu KPI mũi nhọn hàng tháng thông qua Cổng thông tin điện tử quốc gia. Công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc hoàn thành chỉ tiêu KPI mũi nhọn được thực hiện thường kỳ và đột xuất.

Các Tổ kiểm tra trung ương tiến hành kiểm tra, đánh giá kết quả hoàn thành chỉ tiêu KPI mũi nhọn của các bộ, ngành, tỉnh, thành hàng tháng, công khai kết quả kiểm tra hàng tháng trên website của Tổ, đưa ra cảnh báo nếu như không đạt được chỉ tiêu.

Kiểm tra, đánh giá toàn diện thực hiện 1 lần một năm và công khai kết quả trên các phương tiện thông tin đại chúng để nhân dân tiện theo dõi, giám sát, biết được hiện trạng hoàn thành chỉ tiêu KPI mũi nhọn của các bộ, ngành, tỉnh, thành đang phát triển hay thụt lùi so với năm trước; đang hoàn thành tốt các chỉ tiêu KPI mũi nhọn hay chưa hoàn thành tốt các chỉ tiêu này.

Tóm lại, cải cách đánh giá cán bộ là bước đi chiến lược khởi đầu cho một cách làm mới, chìa khóa bứt phá cho Việt Nam. Thời gian còn lại cho sự phát triển bứt phá không nhiều, hơn bao giờ hết, đây là lúc cần có cuộc cải cách đánh giá cán bộ đột phá với quy mô đủ lớn, phạm vi đủ rộng, thời gian đủ dài để tạo xung lực mới mạnh mẽ đưa đất nước ta vượt lên bắt kịp thế giới.