Các ứng dụng giáo dục do Trung Quốc phát triển được hỗ trợ bởi trí tuệ nhân tạo tạo sinh (AI) đang gây chú ý ở Mỹ trong bối cảnh các nhà phát triển phần mềm tìm kiếm thị trường nước ngoài để thúc đẩy tăng trưởng khi tình trạng cạnh tranh ngày càng gay gắt ở quê nhà.
Theo đó, hai ứng dụng nổi tiếng nhất là Question.AI, được phát triển bởi công ty khởi nghiệp công nghệ giáo dục Zuoyebang có trụ sở tại Bắc Kinh, và Gauth của ByteDance. Cả hai đều là những công cụ trợ giúp làm bài tập về nhà dựa trên AI, được xếp hạng là hai trong số ba ứng dụng giáo dục miễn phí hàng đầu ở Mỹ trên cửa hàng iOS của Apple và Google Play từ tháng 2 đến tháng 5 vừa qua, theo dịch vụ ứng dụng di động thông minh AppMagic.
Thành công của họ tại thị trường Mỹ xuất hiện trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng tăng ở Trung Quốc, nơi có hơn 200 mô hình ngôn ngữ lớn – công nghệ đằng sau các dịch vụ AI tạo sinh như ChatGPT – đã được phát triển và trở thành những ứng dụng AI, một nửa trong số đó đã được chính quyền Trung Quốc chấp thuận phát hành công khai kể từ tháng 3 năm nay.
Ứng dụng giáo dục miễn phí số 1 tại Mỹ là Duolingo, nền tảng học ngôn ngữ lớn nhất thế giới đã hoạt động được hơn 13 năm. Question.AI đã được ra phát triển lần đầu vào năm 2020 với tên Gauthmath, một công cụ giải toán, trước khi chuyển hướng sang nhiều môn học khác vào năm ngoái.
Các ứng dụng này miễn phí khi sử dụng cơ bản nhưng tính phí cho các chức năng bổ sung, cho phép sinh viên Mỹ sử dụng AI để nghiên cứu các chủ đề từ khoa học, công nghệ, kỹ thuật, toán học đến kinh tế, vật lý, hóa học và văn học.
Người dùng chỉ cần chụp ảnh bài tập toán hoặc hóa học của mình và ứng dụng sẽ tạo ra lời giải kèm theo hướng dẫn và giải thích chi tiết từng bước.
Theo đó, Gauth được xếp hạng là ứng dụng giáo dục phổ biến thứ hai thế giới trên nền tảng iOS và Google Play, trong khi Question.AI đứng thứ bảy, theo AppMagic.
Nhiều nhà phát triển ứng dụng Trung Quốc hiện đang nhắm mục tiêu vào các thị trường phương Tây, bao gồm Checkmath, một công cụ giải toán do Yuanfudao phát triển và Talkie AI từ công ty khởi nghiệp AI Minimax có trụ sở tại Thượng Hải, ứng dụng cho phép người dùng tương tác với các nhân vật bot trò chuyện ảo.
Talkie hiện đứng thứ 4 trong các ứng dụng giải trí trên Google Play tại Mỹ, xếp sau các ứng dụng xem video trực tuyến như Tubi, Max và Netflix. Vị trí thứ năm thuộc về Disney+.
Mặc dù các ứng dụng Trung Quốc được hỗ trợ bởi AI tại thị trường Mỹ phần lớn đã thoát khỏi sự giám sát chặt chẽ khi đối đầu với TikTok, vốn phải đối mặt với lệnh cấm trừ khi công ty mẹ ByteDance thoái vốn hoạt động tại Mỹ, nhưng chúng vẫn phải đối mặt với những thách thức kiếm tiền.
Dữ liệu của AppMagic cho thấy cả Gauth và Question.AI đều không lọt vào top 10 ứng dụng có doanh thu cao nhất trong 4 tháng qua.
Theo SCMP