Nhật Bản tuyên bố sẽ nổ súng nếu Hải cảnh Trung Quốc đổ bộ lên Senkaku, Bắc Kinh lên tiếng đáp trả

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Sau khi Trung Quốc thực thi luật cho phép Hải cảnh sử dụng vũ khí, Nhật Bản cảnh báo họ sẽ có biện pháp đối phó "nổ súng gây nguy hại", Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân ngày 1/3 lên tiếng đáp trả.
Ông Uông Văn Bân: "Trung Quốc kiên quyết đáp trả bất kỳ hành động khiêu khích và mạo hiểm nào đối với quần đảo Điếu Ngư" (Ảnh: Dwnews).
Ông Uông Văn Bân: "Trung Quốc kiên quyết đáp trả bất kỳ hành động khiêu khích và mạo hiểm nào đối với quần đảo Điếu Ngư" (Ảnh: Dwnews).

Theo tin trên trang web chính thức của Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 2/3, tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao Trung Quốc chiều ngày 1/3, một phóng viên của Hãng thông tấn Kyodo của Nhật Bản đã đặt câu hỏi: “Chính phủ Nhật Bản gần đây đã tuyên bố nếu tàu công vụ nước ngoài cưỡng chế đổ bộ lên quần đảo Senkaku, phía Nhật Bản có thể sử dụng vũ khí khi cần thiết. Trung Quốc có bình luận gì về điều này?”.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân trả lời: “Đảo Điếu Ngư và các đảo liên kết với nó là lãnh thổ cố hữu của Trung Quốc, việc tuần tra của lực lượng Hải cảnh Trung Quốc trong vùng biển của quần đảo Điếu Ngư là biện pháp chính đáng để Trung Quốc thực thi chủ quyền theo quy định của pháp luật. Quyết tâm và ý chí bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của mình của Trung Quốc kiên định không thay đổi và sẽ kiên quyết đáp trả bất kỳ hành động khiêu khích và mạo hiểm nào đối với quần đảo Điếu Ngư. Trung Quốc kêu gọi Nhật Bản nghiêm túc tuân thủ tinh thần đồng thuận bốn điểm giữa Trung Quốc và Nhật Bản, dừng những lời nói và việc làm nguy hiểm có thể làm phức tạp thêm tình hình ở quần đảo Điếu Ngư”.

Quần đảo Senkaku/Điếu Ngư đang trở thành điểm nóng tranh chấp trong quan hệ Nhật - Trung (Ảnh: Dwnews).

Quần đảo Senkaku/Điếu Ngư đang trở thành điểm nóng tranh chấp trong quan hệ Nhật - Trung (Ảnh: Dwnews).

Hãng thông tấn Kyodo của Nhật Bản ngày 28/2 chỉ ra rằng, đối phó việc chính phủ Trung Quốc cho phép Hải cảnh sử dụng vũ khí; chính phủ Nhật Bản tuyên bố nếu tàu Hải cảnh Trung Quốc cưỡng chế đổ bộ lên quần đảo Senkaku (Trung Quốc gọi là Điếu Ngư), Nhật sẽ áp dụng biện pháp “nổ súng gây nguy hại” có thể gây thương tích chết người cho đối phương. Kyodo cho rằng việc cả Trung Quốc và Nhật Bản đều ám chỉ việc sử dụng vũ lực của nhau, ẩn chứa nguy cơ leo thang thành một tình hình nguy hiểm khó lường.

Hãng thông tấn Kyodo đề cập, sau khi đạo luật cho phép Hải cảnh sử dụng vũ khí của chính phủ Trung Quốc có hiệu lực vào ngày 1/2, số ngày mà các tàu Hải cảnh Trung Quốc đi vào vùng biển gần quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trong tháng 2 đã tăng gấp đôi so với tháng 1/2021. Tàu Hải cảnh Trung Quốc được trang bị thiết bị tương tự như đại bác, có lúc có động thái cố gắng tiếp cận tàu đánh cá Nhật Bản. Hiện trường diễn ra tình hình căng thẳng giữa tàu Hải cảnh Trung Quốc với các tàu tuần tra Nhật Bản làm nhiệm vụ bảo vệ các tàu cá. Một người có liên quan của Nhật Bản có mặt tại vùng biển hiện trường cho biết: “Họ (tàu Cảnh sát biển Trung Quốc) từng bước áp sát, chúng tôi cảm thấy bị đe dọa”.

Kyodo News cho biết, các bước đi được sắp đặt của chính phủ Nhật Bản là: khi các tàu tuần tra của Cục Bảo vệ an ninh trên biển (Cảnh sát biển) Nhật Bản không đủ sức đối phó với các tàu của Hải cảnh Trung Quốc; Nhật sẽ ban hành mệnh lệnh cho Lực lượng Phòng vệ trên biển (Hải quân) tiếp sức đảm nhiệm việc thực thi quyền lực cảnh sát. Một quan chức của Bộ Quốc phòng Nhật Bản nói một cách bất an: “Một phát súng có thể phát triển thành một hoạt động quân sự quy mô lớn”.

Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Nobuo Kishi: quyết định nổ súng của Nhật sẽ được dựa trên tình huống cụ thể (Ảnh: Chinatimes).

Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Nobuo Kishi: quyết định nổ súng của Nhật sẽ được dựa trên tình huống cụ thể (Ảnh: Chinatimes).

Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Nobuo Kishi đã bảo lưu về việc “nổ súng gây nguy hại” của Lực lượng Phòng vệ trên biển (Hải quân) Nhật Bản, nói rằng "các quyết định sẽ được đưa ra dựa trên tình hình cụ thể cá biệt”.

Ngoài ra, theo Hãng tin tức Trung Quốc CNS, liên quan đến quan hệ Trung - Ấn, tại cuộc họp báo chiều 1/3, một phóng viên dẫn tin báo cáo nghiên cứu cho thấy tin tặc Trung Quốc có thể đã thực hiện các cuộc tấn công mạng vào hệ thống lưới điện của Ấn Độ, nhân cơ hội này để "cảnh báo" Ấn Độ không nên gây hấn trong vấn đề biên giới.

Ông Uông Văn Bân nói, Trung Quốc là quốc gia kiên định bảo vệ an ninh mạng, kiên quyết phản đối và ngăn chặn mọi hình thức tấn công mạng.

Ông Bân nhấn mạnh: “Rất khó để truy ra nguồn gốc của một cuộc tấn công mạng, không thể vô cớ, tùy tiện đoán mò và không được phép “hắt nước bẩn” vào một bên cụ thể mà không đưa ra bằng chứng. Cách làm này không chỉ vô trách nhiệm, mà cũng có dụng ý xấu. Trung Quốc kiên quyết phản đối điều này”.

Số vụ tàu Hải cảnh Trung Quốc đi vào vùng biển quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trong tháng 2 nhiều hơn gấp đôi tháng 1/2021 (Ảnh:SCSPI).

Số vụ tàu Hải cảnh Trung Quốc đi vào vùng biển quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trong tháng 2 nhiều hơn gấp đôi tháng 1/2021 (Ảnh:SCSPI).

Theo trang tin Hồng Kông Đông Phương (Dongfang) ngày 2/3, Tờ New York Times hôm thứ Hai (1/3) đưa tin rằng 4 tháng sau cuộc xung đột ở biên giới Trung - Ấn, vụ mất điện ở Mumbai, thành phố tài chính của Ấn Độ với dân số 20 triệu người, bị nghi là do một tổ chức hacker có liên hệ với Trung Quốc thực hiện, mục đích là đánh cắp thông tin của hai nhà sản xuất vaccine COVID-19 của Ấn Độ.

Bài báo của The New York Times trích dẫn một báo cáo nghiên cứu của Recorded Future, một công ty có trụ sở tại Massachusetts nói, Red Echo, một nhóm hacker được chính quyền tài trợ ở Trung Quốc, đã sử dụng công nghệ xâm nhập mạng tiên tiến để cài đặt phần mềm độc hại trong hơn 10 khâu chính của các cơ sở sản xuất và truyền tải điện của Ấn Độ. Bộ Điện lực Ấn Độ cũng xác nhận trong một thông báo: có thông tin cho rằng phía Trung Quốc đã sử dụng phần mềm gián điệp để xâm nhập vào mạng lưới điện của Ấn Độ. Một số quan chức địa phương cũng tiết lộ rằng sự cố mất điện là do một cuộc tấn công mạng từ Trung Quốc vào trung tâm phụ tải điện; Bộ Ngoại giao Ấn Độ tuyên bố chưa phát hiện thấy dữ liệu bị rò rỉ.

Mục tiêu của hacker Trung Quốc nhằm vào Ấn Độ là lấy dữ liệu của vaccine AstraZeneca (Ảnh: Đông Phương).

Mục tiêu của hacker Trung Quốc nhằm vào Ấn Độ là lấy dữ liệu của vaccine AstraZeneca (Ảnh: Đông Phương).

Ngoài ra, truyền thông Anh dẫn tin của công ty tình báo mạng Cyfirma đưa tin, tin tặc Trung Quốc đã sử dụng vụ mất điện này để xâm nhập vào hai nhà máy sản xuất vaccine và dược phẩm ở Ấn Độ nhằm giúp Trung Quốc giành lợi thế và vượt mặt các công ty sản xuất vaccine và dược phẩm của Ấn Độ. Nhóm hacker này đang nhắm vào viện nghiên cứu huyết thanh lớn nhất thế giới chuyên sản xuất vaccine và thuốc, mục tiêu là lấy cắp thông tin về loại vaccine COVID-19 được phát triển với sự hợp tác giữa Đại học Oxford và AstraZeneca đã được cung cấp cho Ấn Độ.