Giáo sư John Naughton: 'Muốn bảo vệ Trái Đất thì đừng mua iPhone 13'

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Apple liên tục tung ra sản phẩm mới để thuyết phục người dùng nâng cấp, trong khi iPhone cũ vẫn đáp ứng tốt nhu cầu sử dụng. Điều này được cho là đang tạo ra sự lãng phí lớn.

Apple liên tục tung ra sản phẩm mới để thuyết phục người dùng nâng cấp, trong khi iPhone cũ vẫn đáp ứng tốt nhu cầu sử dụng. Điều này được cho là đang tạo ra sự lãng phí lớn.

Hôm 14/9, Apple công bố dòng iPhone 13, sản phẩm chủ lực của hãng trong năm 2021. Như thường lệ, sự kiện này thu hút đông đảo người dùng quan tâm. Táo khuyết cũng khiến các fan vừa ý với việc mang đến những cải tiến đáng kể.

Chia sẻ trên The Guardian của ông John Naughton, tác giả của cuốn sách From Gutenberg to Zuckerberg: What You Really Need to Know About the Internet và là giáo sư tại Đại học Mở Vương quốc Anh, cho rằng việc mua iPhone 13 như một sự lãng phí lớn, tác động xấu đến môi trường toàn cầu.

Chiêu trò kinh doanh học từ ngành ôtô

iPhone 13 ra mắt trong sự chào đón háo hức của người dùng. Sản phẩm này có notch nhỏ hơn, camera đổi mới, chipset Apple A15 Bionic mạnh mẽ, gồm 6 nhân CPU, chứa gần 15 tỷ bóng bán dẫn, màn hình mới và sắc nét. Có thể nói iPhone 13 là dòng smartphone cao cấp hàng đầu hiện nay.

iPhone 13 series chỉ nâng cấp nhẹ nhằm mục đích khuyến khích người dùng lên đời. Ảnh: Apple.
iPhone 13 series chỉ nâng cấp nhẹ nhằm mục đích khuyến khích người dùng lên đời. Ảnh: Apple.

Nhưng John Naughton đặt ra câu hỏi: Tại sao tôi lại phải mua chiếc máy này? Cách đây 2 năm, ông đã lên đời iPhone 11, đến giờ nó vẫn đáp đầy đủ nhu cầu. Thiết bị thay thế iPhone 6 ông mua từ 2014, trước đó là iPhone 4 (2010).

Tất cả điện thoại vẫn đang hoạt động tốt. Chiếc cũ nhất đóng vai trò dự phòng trong gia đình, cho trường hợp điện thoại của ai đó bị hỏng hoặc mất. iPhone 6 được dùng làm máy quay video, bên cạnh chiếc John Naughton sử dụng hàng ngày.

Ông đã dùng 3 chiếc điện thoại trong 11,5 năm. “Như vậy chu kỳ nâng cấp iPhone của tôi là khoảng 4 năm một lần. Từ quan điểm của ngành công nghiệp smartphone, thiết bị nâng cấp mỗi 2 năm, tôi là người tụt hậu”, Naughton chia sẻ trên The Guardian.

Naughton cho rằng trên thực tế những điện thoại này không hề lỗi thời. Nếu mọi người nhận ra sự thật này, có lẽ họ sẽ giữ máy lâu hơn. Tuy nhiên, các nhà sản xuất, như Apple, hàng năm vẫn phát hành model mới, đi kèm cải tiến nhỏ so với thế hệ cũ thay vì một bước tiến nhảy vọt. Tại sao như vậy?

Naughton gọi việc này là “lỗi thời theo kế hoạch”, tức nhà sản xuất cố tình nói rằng phiên bản hiện tại sẽ trở nên lạc hậu hoặc vô dụng trong một thời gian cụ thể. Đây dường như là một triết lý tiếp thị có từ lâu.

Quay trở lại những năm 1920, khi ngành công nghiệp xe hơi Mỹ đạt đến điểm bão hòa, Alfred Sloan, ông chủ của General Motors, đã tìm cách khuyến khích khách hàng mua xe mới.

Ông đề ra chiến lược đổi mới yếu tố thẩm mỹ hàng năm, bản thân chiếc xe không nâng cấp nhiều nhưng vẻ bề ngoài của chúng trông khác nhau. Thậm chí xuất hiện những kiểu màu sắc kỳ lạ, nhiều chi tiết mạ crom, lốp màu trắng.

Có thể tổn hại môi trường

Sự lỗi thời theo kế hoạch này có thể tốt cho các công ty điện thoại nhưng gây hại ví của người dùng và tồi tệ hơn đối với hành tinh. Nó khuyến khích mọi người coi điện thoại là đồ dùng một lần.

Không ai thực sự biết chính xác có bao nhiêu chất thải điện tử được tạo ra hàng năm. Hồi 2019, một nghiên cứu ước tính con số này vào khoảng 53,6 triệu tấn.

Việc mua mới iPhone liên tục sẽ tạo ra lượng rác thải điện tử lớn. Ảnh: iMore.
Việc mua mới iPhone liên tục sẽ tạo ra lượng rác thải điện tử lớn. Ảnh: iMore.

Trước đó, vào năm 2018, nghiên cứu của một trường đại học ở Canada cho rằng quy trình sản xuất smartphone mới, kể cả khâu khai thác kim loại hiếm để trang bị cho máy, sinh ra 85-95% lượng khí CO2 phát thải liên quan tới thiết bị trong vòng 2 năm. Điều đó có nghĩa là mua điện thoại mới sẽ tiêu tốn năng lượng ngang với sạc và sử dụng nó trong cả thập kỷ.

Vì vậy, theo quan điểm của Naughton, việc giữ điện thoại hiện có sẽ tốt cho ví của người dùng và môi trường.

Tuy nhiên, ông cũng thừa nhận khó thực hiện việc này. Ngành công nghiệp điện thoại không tạo điều kiện thuận lợi cho dùng máy cũ và hỗ trợ sửa chữa trong thời gian dài.

Vấn đề cơ bản là smartphone hiện đại được thiết kế nguyên khối, cấu trúc chặt chẽ, người dùng không thể dễ dàng tháo lắp. Nếu họ mở vỏ bên ngoài thì sẽ mất bảo hành. Do vậy, mọi thứ phụ thuộc vào nhà sản xuất.

Cũng có những ngoại lệ như điện thoại Fairphone 3+ hoặc laptop Framework, cho phép người dùng dễ dàng tháo lắp, nâng cấp các thành phần dưới dạng module rời, không cần công cụ hay kiến thức phức tạp, tuy nhiên nó lại không phổ biến trên thị trường. Chúng có vẻ giống lego dành cho những người yêu công nghệ hơn là sản phẩm điện tử mang tính ứng dụng cao.

Theo Zing