“Thế giới đã thay đổi” . Ông Anthony Salcito, Phó Chủ tịch Khối Giáo dục toàn cầu, Tập đoàn Microsoft, đã thốt lên như vậy để mở đầu bài nói chuyện chính của mình tại Hội nghị thượng đỉnh giáo dục châu Á Bett Summit Asia 2016 vừa diễn ra tại Malaysia. Tham dự hội nghị này có hơn 1.500 đại biểu là các nhà lãnh đạo chính sách hàng đầu, các nhà giáo dục, cán bộ nghiên cứu từ khắp châu Á.
Không thể tách rời công nghệ
Cụ thể là gì? Thế giới đã ở vào kỷ nguyên hội tụ số, của công nghệ cao và kỹ thuật số. Kết nối từ Internet thông thường đang chuyển nhanh lên Internet cho vạn vật (Internet of Things, IoT) khi mọi thứ trên đời này được kết nối với nhau thông qua các liên kết số.
Microsoft cho biết hiện nay có tới 91% chỗ làm việc trong tương lai cần các kỹ năng số (digital literacy), những người ra trường sẽ rất khó tìm được việc làm nếu không có các kỹ năng này. Nếu như ngày trước người ta cần biết đọc, biết viết chữ (literacy) thì ngày nay cần phải biết sử dụng các thiết bị số (digital literacy).
Các nhà giáo dục và các chuyên gia công nghệ đang nỗ lực hợp tác với nhau đưa ra một mô hình mới cho giáo dục. Đó là chuyển đổi lên số hóa trên nền tảng điện toán đám mây trong kỷ nguyên IoT.
Vấn đề mấu chốt ở đây là giáo viên đóng vai trò một người hướng dẫn, một người vẽ ghi và sẵn sàng trợ giúp học trò trong suốt quá trình học. Việc này đòi hỏi giáo viên phải không ngừng nâng cao tri thức và kỹ năng số. Việc giáo viên hướng dẫn rất cần để giúp học trò tiếp cận đúng thông tin cần tìm và lọc bỏ những thông tin xấu giữa một thiên la địa võng thông tin ngồn ngộn trên Internet. Tất nhiên, học trò được hướng dẫn và trau dồi các kỹ năng tìm kiếm thông tin trên Internet và sử dụng công cụ số để có thể tự mình phục vụ mình - đây cũng là những kỹ năng số sống còn của trẻ trong tương lai khi trưởng thành và vào đời.
Vai trò mới của thầy cô giáo
Ông Anthony Salcito lưu ý rằng các lớp học do giáo viên lãnh đạo chuyển sang việc học tập dựa trên các dự án, các lớp học truyền thống chuyển thành lớp học có thể gấp lại (dùng laptop), việc học tập độc lập chuyển thành học tập cùng tập thể, việc học tập cá nhân hóa chuyển thành học tập chuyên nghiệp hóa.
Dữ liệu vừa là nền tảng, vừa là động lực giúp cho tiến trình chuyển đổi số hóa giáo dục thành công. Dữ liệu ở đây bao gồm tri thức. Ngày nay nguồn tri thức không chỉ giới hạn trong sách giáo khoa, các thư viện, trong sách báo. Nguồn tri thức phong phú và có sẵn cho mọi người nằm trên Internet. Vấn đề còn lại là kỹ năng tìm kiếm và xử lý dữ liệu trên Internet. Thực tế khảo sát cho thấy chính sức mạnh của nguồn dữ liệu số đã giúp cải thiện mạnh mẽ thành tích học tập của học sinh.
Giáo dục số hóa ở đây không phải chỉ đơn giản là đầu tư trang bị các thiết bị công nghệ cao thay thế các học cụ truyền thống, cũng như không phải chỉ chuyển các tài liệu học tập từ dạng in sang dạng số. Đó là cả một hệ thống giáo dục toàn diện được vận hành trên nền kỹ thuật số và kết nối Internet mà mỗi lớp học là một tế bào hợp thành. Chúng ta đã có nhiều bài học kinh nghiệm đắt giá về tin học hóa nhà trường. Không phải chỉ trang bị máy tính cho nhà trường, thậm chí tới từng lớp học hay từng học sinh, từng giáo viên là đã số hóa, công nghệ hóa được hoạt động giáo dục. Các thiết bị này thực chất chỉ là công cụ mang tính phương tiện và trợ giúp. Vì thế muốn số hóa giáo dục, các nhà làm giáo dục phải bắt đầu từ tư duy, suy nghĩ theo công nghệ số. Chẳng hạn, không thể coi tấm bảng tương tác như một chiếc bảng đen truyền thống và không thể sử dụng cây bút cảm ứng (stylus) như một viên phấn.
Cũng cần nói rõ là việc chuyển đổi lên số hóa không thể thay đổi bản chất của một nền giáo dục. Mấu chốt vấn đề nằm ở chỗ tự thân nền giáo dục phải tạo ra cho mình một sự thay đổi cho phù hợp với kỷ nguyên số hóa và kết nối. Giáo dục không thể tách rời khỏi cuộc sống xã hội. Vì thế, giữa một xã hội “digital”, giáo dục không thể là “analog”.
Theo Pháp Luật TP HCM