Theo TS. Nguyễn Đắc Hưng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục và Đào tạo, Dạy nghề, Ban Tuyên giáo Trung ương nhận định, CMCN 4.0 tạo ra nền sản xuất thông minh dựa trên nền tảng đột phá của công nghệ số và công nghệ cao, xóa nhòa ranh giới giữa các lĩnh vực công nghệ, vật lý, kỹ thuật số và sinh học; là kết hợp giữa các hệ thống ảo và thực nhờ vào Internet kết nối vạn vật.
Cũng như với tất cả các cuộc cách mạng công nghiệp trước đây, mục đích cuối cùng của cách mạng công nghiệp lần thứ tư nhằm phục vụ con người, nhưng điểm khác biệt của nó so với các cuộc cách mạng trước là nó có những tác động to lớn về kinh tế, xã hội… trên toàn cầu, khu vực và trong từng quốc gia.
Các tác động này mang cả tính tích cực và cả tiêu cực trên mọi phương diện. Riêng tại Việt Nam, trong 5 đến 10 năm tới, hầu hết các ngành nghề thuộc các lĩnh vực đều chịu ảnh hưởng, nhưng chịu ảnh hưởng mạnh mẽ nhất sẽ xuát hiện ở một số ngành như dệt may, giày dép, điện tử, tài chính - ngân hàng.
TS. Nguyễn Đắc Hưng nhấn mạnh, bên cạnh các ngành phải chịu ảnh hưởng mạnh mẽ và rõ nét trên, có thể dự báo trong vòng 5- 10 năm tới, tất cả các ngành nghề thuộc các lĩnh vực, ở mức độ khác nhau đều chịu ảnh hưởng.
Trước sự tác động làm thay đổi sâu sắc các hoạt động kinh tế, thì nhu cầu và yêu cầu đối với nguồn nhân lực cũng sẽ phải thay đổi.
Trong đó, đặc biệt là sự dịch chuyển mạnh mẽ lao động trên phạm vi toàn cầu: lao động trình độ cao về những nước phát triển, còn lao động trình độ thấp, thiếu kỹ năng làm việc sẽ dịch chuyển về các nước chậm phát triển. Nguyên nhân là do khi cách mạng công nghiệp lần thứ tư phát triển mạnh thì phần lớn những công việc đòi hỏi kỹ năng trung bình sẽ dần được thay thế bởi tự động hóa, rôbốt; máy móc sẽ thay thế đa số vị trí làm việc của con người.
Điển hình như trong ngành dệt may, giày dép: với việc ứng dụng công nghệ in 3D để tạo mẫu sẽ có thể sản xuất hàng loạt các sản phẩm phù hợp với những thông số đơn lẻ của từng khách hàng; bên cạnh đó, công nghệ nano sẽ có thể tạo ra nhiều sản phẩm dệt may, giày dép có thể tích hợp các chức năng khác phục vụ đời sống con người, nhất là việc theo dõi sức khỏe (đo nhịp tim, lượng calo giải phóng liên tục v.v…); đặc biệt một số công đoạn sản xuất chủ yếu sẽ được tự động hóa, như khâu cắt và khâu may (sử dụng robots, trong khâu may còn được gọi là sewbots). Tất cả sẽ làm thay đổi toàn bộ ngành dệt may, da giày.
Với những tác động trên, nhóm lao động chịu tác động mạnh nhất là lao động giản đơn, ít kỹ năng do rất dễ bị thay thế bởi người máy để giá thành của mỗi đơn vị sản phảm có thể giảm nhanh.
"Để đáp ứng những đòi hỏi của cuộc CMCN 4.0 thì giáo dục ở Việt Nam phải đổi mới căn bản, toàn diện theo hướng bảo đảm khối kiến thức nền tảng vững chắc cho học sinh. Trong đó, việc chuyển đổi cách thức giáo dục từ truyền thụ kiến thức sang phát triển phẩm chất và năng lực của học sinh đòi hỏi người giáo viên phải dành nhiều thời gian hơn cho riêng từng học sinh", TS. Hưng nhận định.
Việc đánh giá kết quả học tập của học sinh phải thay đổi theo hướng chấm bài luận, phát hiện năng lực và phân loại được học sinh thông qua nội dung và cách thức thể hiện bài luận.
Ngoài ra, học sinh có thể chọn lựa các học phần để học, tùy theo mức độ nhận thức, sở trường, nhu cầu và lượng kiến thức đã có của mình, theo sự hướng dẫn của giáo viên.
Trong chương trình giáo dục phổ thông mới cần xác định các chuẩn năng lực chung và năng lực chuyên môn; Xây dựng chuẩn giáo dục dựa trên tiêu chí năng lực của môn học; Các hình thức tích hợp hoặc phân hóa trong chương trình dạy học tùy theo cấp học.
Nhờ CNTT phát triển, phương pháp giáo dục cũng phải đổi mới mạnh mẽ hơn nữa trong việc tổ chức giáo dục qua Internet. Qua đó, hình thức giáo dục sẽ linh hoạt về thời gian, không gian, phù hợp với điều kiện và nhu cầu cá nhân, dó đó phải phát triển E- learning.
Ứng dụng công nghệ điện toán đám mây cho phép người dạy có thể cung cấp tài liệu học tập cho người học và thu thập các kết quả của quá trình dạy học từ phía người học một cách liên tục và linh hoạt.
Theo TS Hưng, giáo dục đại học phải nhanh chóng đổi mới mô hình, chương trình và phương thức đào tạo, từ khâu tuyển sinh đến khâu đánh giá, kiểm định chất lượng, nhất là đánh giá sinh viên tốt nghiệp. Phải đem lại cho người học những kỹ năng và kiến thức cơ bản cần thiết để người lao động dễ chuyển đổi nghề nghiệp, phải có tư duy sáng tạo mang tính liên ngành, thích nghi với các thách thức và yêu cầu công việc thay đổi liên tục trong thị trường lao động trong nước, khu vực và quốc tế, tránh nguy cơ bị mất việc làm.
Trong thị trường lao động hiện đại, các trường đại học không thể dự đoán được kiến thức, kỹ năng nào đang và sẽ được thị trường lao động. Các hoạt động đào tạo và nâng cao chuyên môn ở các trường đại học đang đối mặt với các yêu cầu hoàn toàn mới, đòi hỏi phải cải cách toàn bộ các hoạt động của nhà trường trong bối cảnh cạnh tranh quyết liệt giữa các trường đại học, giữa trường đại học với các viện nghiên cứu và các doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, các trường đại học cần giảng dạy những kiến thức hết sức cơ bản, nhất là kiến thức về lịch sử và văn hóa; về toán học và cách lập trình tin học; về KH&CN nền tảng; rèn luyện kỹ năng làm việc nhóm, tự học, biết cách tìm hiểu và tra cứu tài liệu, biết cách xử lý thông tin để trở thành tri thức của mình.
"Thay đổi cách đào tạo từ chỗ “dạy những cái sẵn có” sang “dạy những gì thị trường cần, doanh nghiệp cần”, hoặc thậm chí xa hơn là “dạy những gì thị trường và doanh nghiệp sẽ cần”. Mô hình giáo dục mới sẽ xuất hiện nhiều phòng học ảo, thầy giáo ảo, thiết bị ảo, phòng thí nghiệm, thư viện ảo… sẽ trở thành xu hướng chủ đạo trong hoạt động GD&ĐT trong thời gian tới", Vụ trưởng Vụ Giáo dục và Đào tạo, Dạy nghề cho biết.
Tất nhiên, giáo viên đang đứng trước nguy cơ bị thất nghiệp nếu không tự trang bị cho mình hành trang cần thiết để thực hiện nghĩa vụ cao cả là đào tạo nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu của xã hội mới.
Trong một Thế giới luôn thay đổi, mọi thứ đều được số hóa, thì CNTT sẽ phát triển mạnh mẽ nhất, ngành lập trình trở nên quan trọng để phát triển những ngành có liên quan đến CNTT.