Giáo dục Đại học trong kỷ nguyên của Cách mạng Công nghiệp 4.0

Chất lượng đầu ra của giáo dục đại học nên là những tấm bằng cử nhân, kỹ sư với những lý thuyết và điểm số cao hay là những em dám tìm tòi, dám học hỏi và dám thất bại.
Hình minh họa
Hình minh họa

Saudi Arabia vừa trao quyền công dân đầu tiên trên thế giới cho một robot tên Sophia có trí tuệ nhân tạo. Sophia có khả năng trả lời những câu hỏi hóc búa của một MC không kém phần hóm hỉnh như một con người có trí thức. Thông tin này làm ngạc nhiên rất nhiều người không trong ngành IT. Là một nhà giáo dục đại học, tôi đã từng đặt câu hỏi ‘Giáo dục đại học nên thay đổi như thế nào để đáp ứng sự thay đổi mau chóng trong xã hội, trong thị trường lao động nhanh đến như vậy?’

Giáo dục Đại học trong kỷ nguyên của Cách mạng Công nghiệp 4.0 - 1

Sophia, Robot đầu tiên được cấp quyền công dân đầu tiên trên thế giới. Ảnh: Internet

Đây cũng là câu hỏi mà hầu như các nhà GD ĐH ở Mỹ ở mọi ngành tranh luận sôi nổi bấy lâu nay. Tuy nhiên kể cả ở Mỹ, chương trình đào tạo đại học vẫn chưa thay đổi đủ nhanh để đáp ứng nhu cầu của xã hội.

Ở Việt Nam muốn có thay đổi trong chương trình đào tạo lại càng khó hơn nhiều. Nhưng đây là một việc làm rất cấp bách vì phải cần ít nhất 4 năm mới đào tạo được một kỹ sư hay cử nhân. Khi sinh viên ra trường thì thị trường lao động có thể đã thay đổi rất nhiều rồi. Tôi xin đưa ra một thí dụ điển hình.

Trí tuệ nhân tạo (Artificial Intelligence - AI) là não bộ của robots thì vẫn chưa đưa vào chương trình đào tạo kỹ sư phần mềm ở đa số đại học trên thế giới. Muốn học thì phải lên cao học ở bằng MS  (Thạc sỹ khoa học tự nhiên) hay PhD (Tiến sỹ). Control theory (Lý thuyết điều khiển tự động), kiến thức điều khiển các cử động của robots thì phải chờ đến năm cuối đại học trong ngành Mechanics (Cơ khí), chuyên ngành Mechatronics (Cơ điện tử) mới học. Đó là hai thành phần cơ bản cho phát triển robots mà phải chờ đến năm cuối của đại học thì may ra biết được một tí xíu trong chương trình đào tạo kỹ sư chuyên ngành ở Mỹ. Tại sao vậy?

Tại vì những người thiết kế chương trình đào tạo là những người đã già và bảo thủ nghĩ rằng sinh viên cần phải có những kiến thức cơ bản khác trước khi được học những cái mới. Câu hỏi quan trọng là những kiến thức cơ bản ấy có còn thật sự cần thiết trong tương lai không hay nó có thể được thay thế bởi những kiến thức khác hay không? 

Thí dụ trong thế hệ của tôi thì làm toán phải biết lấy căn, cộng, trừ, nhân, chia bằng tay nhanh chóng. Bây giờ kiến thức ấy thật sự không cần thiết. Bạn có cảm thấy kể cả Mỹ vẫn chưa chuẩn bị kịp cho CMCN 4.0 không?

Thế giáo dục đại học phải như thế nào trong kỷ nguyên của CMCN 4.0. Tôi cho rằng đại học cần phải tạo môi trường và khuyến khích phát triển tính tò mò và khả năng tự học. Có như thế sinh viên mới có khả năng đáp ứng được những thay đổi nhanh chóng trong môi trường công việc của họ và không bị đào thải bởi xã hội.

Tôi xin chia sẻ một thí dụ điển hình mà tôi đã áp dụng cho Takara, đứa con trai của mình. Takara năm nay là đầu năm 3 ở đại học và đang học Mechanics (cơ khí). Trong chương trình học, Takara vừa hoàn thành môn Vật lý và mới bắt đầu vào chuyên ngành cơ khí. Lập trình trong chương trình đào tạo thì có chút ít Mathlab. Tôi khuyên Takara đừng quá chú trọng điểm số miễn sao giữ trên 3.0 nếu muốn học tiếp cao học. Thời gian còn lại lên mạng học hỏi tìm tòi làm những gì thỏa tính khám phá của mình. Mới đây, Takara làm tôi rất ngạc nhiên và tự hào vì đã khuyên con phát triển đúng hướng.

Takara lên mạng tự học AI – a deep convolutional neural network (thật sự tôi không biết nó là gì). Trong cuộc thi Hackathon Machine Learning Division ở Đại học Utah, một mình Takara thiết kế thiết bị IoT chỉ gồm một board gắn với một webcam chiếu vào điện thoại di động của mình rồi coding dạy nó nhận dạng phụ nữ đẹp theo đánh giá của cậu ta trong 4 giờ. Sau đó dùng thiết bị này vào trang Tider (Một website hẹn hò trực tuyến) để thử nghiệm. Thiết bị đánh giá chính xác 85% so với đánh giá của Takara. Vậy là Takara có thể lọc các phụ nữ đẹp trong website một cách nhanh chóng!

Với thành quả này Takara đứng thứ hai trong cuộc thi nhưng đó không phải là vấn đề quan trọng. Điều tôi muốn nói ở đây là tất cả những kiến thức này Takara tự học và không có trong chương trình đào tạo. Với trình độ của một sinh viên đầu năm 3 thì không thể làm được điều này. Câu hỏi đặt ra: Chất lượng đầu ra của giáo dục đại học nên là gì? Có nên là những tấm bằng cử nhân, kỹ sư với những lý thuyết và điểm số cao hay là những em dám tìm tòi, dám học hỏi, dám thất bại?

GS.TS Trương Nguyện Thành, sinh năm 1961, là tiến sĩ ngành Hóa và Tính toán; có hai bằng sáng chế quốc tế về công nghệ thông tin. GS.TS Trương Nguyện Thành từng công tác tại Khoa Hóa học, Đại học Utah Mỹ. 

Sau 38 năm sống và làm việc tại Mỹ, ông trở về nước, làm hiệu phó điều hành trường Đại học Hoa Sen với tâm nguyện xây dựng một trường đại học đẳng cấp quốc tế.

Ông còn là Viện trưởng khoa học - Chủ tịch Hội đồng Khoa học, Viện Khoa học và Công nghệ Tính toán TP.HCM

Theo Khám phá 
http://khampha.vn/khoa-hoc-cong-nghe/giao-duc-dai-hoc-trong-ky-nguyen-cua-cach-mang-cong-nghiep-40-c7a583988.html