Gian nan chuyện học online thời Covid

VietTimes – Giãn cách xã hội bắt buộc học sinh và cả phụ huynh phải làm quen với một phương thức học tập mới. Và đúng là vạn sự khởi đầu nan…

Cái giá của… miễn phí

Vào thời điểm bắt đầu thực hiện học online, Sở Giáo dục Hà Nội có khuyến cáo các trường sử dụng phần mềm Zoom. Đây là phần mềm cho phép tạo ra các phòng học riêng mà các thầy cô có thể nhìn, giảng dạy và trao đổi trực tiếp với các học trò. Mỗi phòng học có thể hỗ trợ 100 người tham gia cùng lúc.

Bản chất của Zoom là một phần mềm dành cho các công ty nhỏ. Các nhân viên công ty có thể bàn thảo công việc qua Zoom một cách thuận tiện vì nó có chức năng chia sẻ màn hình và hiển thị tới 9 cửa sổ cùng lúc trên màn hình.

Trước dịch Covid-19,  không nhiều công ty biết đến Zoom và sử dụng nó. Nhưng khi gần như toàn thế giới phải ngồi nhà, phần mềm Zoom đã được sử dụng rộng rãi cho các nhân viên làm việc từ xa và học sinh học tập trực tuyến. Chỉ trong vòng 3 tháng, Eric Yuan, nhà sáng lập và CEO của Zoom đã bỏ túi 4 tỷ USD nhờ giá cổ phiếu tăng và tiền bản quyền thu được từ phần mềm này.

Phần mềm Zoom tính phí bản quyền sử dụng (bản Pro) mỗi tháng là 14,99 USD (khoảng 350 nghìn đồng). Nếu mua theo năm thì giá rẻ hơn, chỉ 12,49 USD/tháng (292 nghìn đồng).

Zoom cũng cung cấp một phiên bản miễn phí nhưng giới hạn thời gian mỗi phiên chỉ 40 phút. Sau 40 phút, người dùng đã bị mất kết nối và phải đăng nhập lại. Đây chính là nỗi phiền toái đầu tiên của học sinh các trường học tại Việt Nam khi đa số các thầy cô sử dụng phần mềm Zoom miễn phí.

Anh M.S, một phụ huynh có con học cấp 2 cho biết, các thầy cô giáo dạy online rất nhiệt tình, nhưng nhiều lúc thầy cô đang thao thao giảng bài thì… bụp, cả lớp bị văng ra ngoài. Thế là con anh lại hì hục đăng nhập lại. Khi vào tới nơi thì thấy thầy đã giảng qua một đoạn rồi.

Về lý thuyết, sau khi truy cập vào phòng học 40 phút mới bị văng ra ngoài, nhưng trên thực tế chỉ khoảng 35 phút là học sinh đã bị đẩy ra. Đó là bởi vì các thầy, cô đã mở phòng từ trước đó 5-10 phút để chuẩn bị.

Học sinh không thấy hình bạn bè và thầy cô trên Zoom (ảnh: LMS)
Học sinh không thấy hình bạn bè và thầy cô trên Zoom (ảnh: LMS)

Em D.A, học sinh cấp hai một trường thuộc quận Cầu Giấy cho biết, khi em học online, trên màn hình thỉnh thoảng có chữ Trial (dùng thử) rất to xuất hiện. Em thắc mắc không biết thầy cô dùng bản Zoom gì mà lại hiện chữ như vậy.

Rõ ràng, việc bị văng ra khỏi lớp đã ảnh hưởng rất nhiều đến sự tập trung của thầy cô giáo và học sinh. Gần đây, một số thầy cô giáo đã ý thức được việc mua bản quyền phần mềm. Đơn cử như trường THCS Cầu Giấy, hầu như các tiết học của các thầy cô đều diễn ra trôi chảy, không bị ngắt giữa chừng.

Phụ huynh toát mồ hôi

Nhưng mua phần mềm có bản quyền cũng chưa chắc đã giải quyết được triệt để những hạn chế khi học online. Nhiều phụ huynh than trời vì con em mình học theo kiểu cô giáo nói mà cả lớp không nhìn thấy cô đâu, học sinh không nhìn thấy nhau, hoặc hình ảnh và âm thanh từ phía thầy cô rất tệ. Điều này diễn ra khá phổ biến.

Nguyên nhân là do hệ thống mạng ở nhà một số thầy cô giáo quá kém. Một số thầy, cô không hiểu biết nhiều về công nghệ, lắp mạng Internet cũng chỉ để đọc báo nên sử dụng gói cước giá rẻ, tốc độ đường truyền không cao. Khi thầy, cô làm host (chủ phòng học) thì do mạng quá yếu đã không “gánh” nổi hình ảnh và âm thanh của lớp học.

Chị P.Q có con học tại trường tiểu học K.Đ, quận Thanh Xuân cho biết: “Lớp đông gần 60 con, học Zoom miễn phí nên con nào vào lớp muộn toàn báo lỗi, phụ huynh lại kêu trong group của lớp: Cô ơi, cô ời sao con không vào được (trong lúc cô đang giảng bài). Tiếng thì lúc được lúc mất, hình thì thỉnh thoảng lại nhảy tưng tưng, giật giật”.

Học online, thời gian mỗi tiết học ngắn nên thầy cô giáo không thể giao bài và chờ học sinh làm xong để chữa bài. Bài tập được giao qua Zalo hoặc email của lớp. Đối với các học sinh cấp 1 chưa được sử dụng Zalo, email, các bậc phụ huynh lại phải toát mồ hôi in bài tập ra cho các con làm.

Chị H.N, phụ huynh bé D học tại trường tiểu học T.H cho biết lớp con chị có tới 4-5 group Zalo, trong đó các phụ huynh trao đổi việc học tập với các thầy cô giáo rất sôi nổi. Nhưng cũng vì nhiều nhóm quá nên chị phải căng mình theo dõi vì sợ bỏ sót mất các bài cô giao trên group. “Con học nhiều thì mình cũng bận rộn theo”, chị N cho biết.

Không chỉ có vậy, các thầy cô giáo ngoài yêu cầu học sinh làm bài tập trong sách giáo khoa còn yêu cầu các em luyện thêm trên một số trang web như olm.vn hay vndoc.com, tiếng Anh thì học qua ứng dụng Fun English. Thế là các phụ huynh học sinh cấp 1 lại phải truy cập và cài đặt phần mềm cho các con mỗi khi con cần học.

Về thiết bị học online, nhiều gia đình chỉ có 1 chiếc laptop nên nếu 2 bé học online là phải trưng dụng cả điện thoại của bố mẹ. Nhà nào có 2 cái laptop thì coi như bố mẹ cũng mất công cụ làm việc khi con học online.

Nỗi lo bị quấy phá

Điều phiền toái nhất đối với thầy trò khi học online là bị quấy phá. Thời điểm bắt đầu triển khai học online qua phần mềm Zoom, rất nhiều lớp học chứng kiến tình trạng bị kẻ xấu vào “quậy”. Phổ biến nhất là tình trạng kẻ xấu vẽ bậy vào màn hình chia sẻ của cô giáo.

Ban đầu, các thầy, cô còn nghĩ là có một bạn trong lớp học nghịch ngợm, nhưng khi tra tìm thì thấy xuất hiện những tài khoản lạ tham gia vào phòng học. Sau vài lần bị quấy phá, lớp học của bé D tại trường T.H đã phải yêu cầu các bé điền đầy đủ tên và lớp thì mới duyệt cho vào phòng học online.

Kẻ xấu vào vẽ bậy trên màn hình chia sẻ của một lớp học online
Kẻ xấu vào vẽ bậy trên màn hình chia sẻ của một lớp học online

Sở dĩ kẻ xấu có thể “chui” vào phòng học là vì nhiều thầy cô giáo đã không đặt mật khẩu cho phòng học đó. Kẻ xấu chỉ cần có mã ID là tham gia được.

Thậm chí, trong một số trường hợp, kẻ xấu có cả mã ID và mật khẩu. Đó là do các học sinh hư đã gửi thông tin ra ngoài. Chẳng hạn như trên kênh YouTube của một giang hồ là K.B, phía dưới phần bình luận của người xem có thể thấy một vài học sinh đã chia sẻ ID và mật khẩu Zoom với lời mời gọi “anh em vào lớp tôi quậy cho vui”.

Ngay cả ở nước ngoài, đã có rất nhiều trường hợp quậy phá được phản ánh lại trên báo chí. Kẻ xấu vào phòng họp riêng, bật nhạc hoặc phát những hình ảnh khiêu dâm, tục tĩu.

Thực tế thì phần mềm Zoom bảo mật khá lỏng lẻo do các kỹ sư viết phần mềm này ban đầu không ngờ được sẽ có nhiều người sử dụng đến như vậy. Ngoài ra nó còn có nhiều lỗi ngớ ngẩn khác như gộp những người sử dụng email có đuôi giống nhau vào một nhóm khiến cho ảnh đại diện, email và số liên lạc của họ bị lộ với những người khác. Phần mềm này tồn tại một số lỗ hổng bảo mật nghiêm trọng như mã hóa dữ liệu đầu cuối kém, dễ dàng bị dò quét ID cuộc họp, lỗ hổng liên quan đến đường dẫn UNC (Universal Naming Convention).   

Qua một thời gian sử dụng và chứng kiến các lỗi bảo mật, nhiều công ty như Google, SpaceX đã cấm nhân viên dùng Zoom. Lần lượt các nước Mỹ, Đức, Đài Loan, Hàn Quốc, Singapore cũng đã yêu cầu công sở và trường học không sử dụng Zoom.

Tại Việt Nam, ngày 14/4, Cục An toàn Thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) thông báo đã ghi nhận hơn 500.000 tài khoản Zoom bị lộ lọt thông tin cá nhân của người sử dụng. Cục khuyến cáo các cơ quan, tổ chức hành chính nhà nước không sử dụng Zoom trong các buổi họp trực tuyến. Bộ Giáo dục Đào tạo Việt Nam ngày 13/4 cũng gửi công văn cho các Sở GD khuyến cáo các trường sử dụng phần mềm có bản quyền.

Không nạp đủ kiến thức

Nỗi lo của các bậc phụ huynh không chỉ dừng lại ở những hạn chế của phần mềm. Khi học online, thầy cô rất khó kiểm soát sự tập trung của các học sinh.

Trong một buổi họp phụ huynh học sinh lớp 8 được tổ chức gần đây, một phụ huynh đã phản ánh rằng ông đã phát hiện con mình trong khi tham gia lớp học vẫn mở một cửa sổ khác để chơi game với các bạn.

Một số phụ huynh khác thì nói rằng số tiết học online hiện nay ít hơn rất nhiều so với tiết học chính khóa ở trường, vì vậy lượng kiến thức nạp vào sẽ không đủ. Chính thầy giáo chủ nhiệm cũng phải thừa nhận rằng lượng kiến thức truyền tải không nhiều và khuyến khích học sinh tham khảo thêm các tiết học trên truyền hình. Thầy giáo cũng nói rằng chắc chắn đề thi cuối kỳ năm nay sẽ nhẹ nhàng hơn so với các năm trước.

Việc giãn cách xã hội đã khiến cho thầy trò phải học từ xa là điều không ai mong muốn. Đây là giải pháp tạm thời trong thời điểm dịch bệnh đe dọa đến sức khỏe mọi người. Qua đây cũng có thể thấy Bộ Giáo dục chưa có sự chuẩn bị cho những tình huống như thế này. Các công ty công nghệ của Việt Nam cũng chưa có những giải pháp tổ chức lớp học từ xa đủ tốt. Những phần mềm như Jitsu của Cục Tin học hóa được đưa ra quá muộn, bây giờ vẫn đang thử nghiệm triển khai.

Có lẽ Covid-19 là cơ hội để các công ty công nghệ có thể chuyển mình thích ứng với điều kiện mới, và ngành Giáo dục từ đây cũng cần lên phương án cho những tình huống không mong muốn như thế này trong tương lai.