Giám đốc điều hành khu vực Asean - Global PR Hub: Báo chí đang phải đối mặt với nhiều thách thức

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Báo chí đang phải đối mặt với nhiều thách thức và đây là áp lực cho các tờ báo phải nâng cao chất lượng, tốc độ, cách thể hiện, nhằm níu giữ người đọc lâu hơn cũng như giải bài toán kinh tế.

Bà Lê Mai Anh, Giám đốc điều hành khu vực Asean - Global PR Hub nói rằng "Làm thế nào để chuyển đổi số báo chí trong giai đoạn hiện tại là câu hỏi đau đầu với nhiều cơ quan báo chí".
Bà Lê Mai Anh, Giám đốc điều hành khu vực Asean - Global PR Hub nói rằng "Làm thế nào để chuyển đổi số báo chí trong giai đoạn hiện tại là câu hỏi đau đầu với nhiều cơ quan báo chí".

Theo Chiến lược Chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, định hướng đến 2030 (vừa được phê duyệt tháng 4/2023), 70% cơ quan báo chí đưa nội dung lên các nền tảng số (ưu tiên các nền tảng số trong nước). 50% cơ quan báo chí sử dụng nền tảng phân tích, xử lý dữ liệu tổng hợp tập trung, ứng dụng trí tuệ nhân tạo để tối ưu hóa hoạt động. 80% cơ quan báo chí hoạt động, vận hành mô hình tòa soạn hội tụ, phù hợp với sự phát triển của khoa học, công nghệ tiên tiến trên thế giới, sản xuất nội dung theo các xu hướng báo chí số.

Tuy nhiên câu hỏi đặt ra là làm thế nào để chuyển đổi số báo chí trong giai đoạn hiện tại? Nâng cao nhận thức, tăng cường tuyên truyền; rà soát, hoàn thiện các quy định pháp luật; phát triển các sản phẩm báo chí số; phát triển nền tảng số; phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; tăng cường hợp tác quốc tế, học tập kinh nghiệm của các quốc gia có nền báo chí số phát triển mạnh... sẽ là những hạng mục mà bất cứ tòa soạn nào cũng sẽ lưu tâm đầu tư và phát triển.

Nhìn về mô hình chuyển đổi số thành công, cần lưu tâm đến 4 trụ cột chính theo nhóm tác giả của Havard Business Review:

Picture3.png

Trong đó có 4 trụ cột chính bao gồm:

1. Nâng cao ứng dụng công nghệ thông tin

2. Số hóa việc vận hành

3. Tiếp thị số

4. Xây dựng các mô hình kinh doanh mới

Chiếu theo 4 trụ cột này thì bất cứ tòa soạn nào cũng cần đầu tư về mặt công nghệ để đảm bảo yếu tố tòa soạn hội tụ ( media convergence model).

Trong bất kỳ môi trường nào, cơ sở vật chất của các cơ quan báo chí có tác động trực tiếp đến hiệu quả hoạt động của tòa soạn. Cơ sở vật chất đầy đủ và hiện đại tạo điều kiện thuận lợi cho các phóng viên tác nghiệp.

Đối với tòa soạn hội tụ, cơ sở vật chất là yếu tố then chốt trong việc truyền thông và phát sóng thông tin đến công chúng. Việc hiện đại hóa cơ sở vật chất để phục vụ hoạt động báo chí cũng là một trong những vấn đề đáng quan tâm của các cơ quan báo chí trong xu hướng mô hình tòa soạn hội tụ hiện nay.

Ngoài ra, tòa soạn cần trang bị các phương tiện kỹ thuật hiện đại, vì nội dung không thể tách rời khỏi công nghệ. Kỹ thuật tốt sẽ giúp nội dung bứt phá và thể hiện sức mạnh của nó. Thực tế cho thấy, tòa soạn hội tụ cần có một trung tâm sản xuất tin bài và một hệ thống quản lý nội dung dựa trên nền tảng internet.

Việc đầu tư nâng cấp hạ tầng vật lý này là vô cùng quan trọng. Nếu không tạo ra cơ sở hạ tầng vật lý đủ tốt, dù nội dung có hay và phong phú đến đâu cũng sẽ gặp khó khăn trong quá trình sản xuất và truyền tải đến công chúng.

Mô hình tòa soạn hội tụ là sự kết hợp của nhiều loại hình báo chí như báo in, báo mạng, phát thanh, truyền hình... Trung tâm của mô hình này là một hệ thống phần mềm đặc biệt để quản lý và điều hành mọi hoạt động của tòa soạn. Bản chất của mô hình này bắt nguồn từ việc sử dụng công nghệ kỹ thuật để kết nối những người làm báo ở các hình thức khác nhau lại gần nhau hơn, thậm chí không có rào cản, bởi cần phải linh hoạt và đa nhiệm trong công việc báo chí hiện đại.

mc-ao-6809.jpg
Một số cơ quan báo chí đã sử dụng MC ảo dẫn chương trình tin tức

Thực tế, đại dịch Covid-19 cũng là 1 bài kiểm tra bảo chứng cho phần kỹ năng đa nhiệm và sự kết nối dựa trên nền tảng internet này của các phóng viên. Nói ví von thì việc đầu tư chuyển đổi số cho hạ tầng kỹ thuật của tòa soạn như là việc chuẩn bị áo ráp và bộ đàm cho người lính ra trận trong cuộc chiến cạnh tranh về tốc độ đưa tin, và nền tảng truyền tải tin.

Nghiên cứu câu chuyện chuyển đổi số của Grupo Globo là tập đoàn truyền thông lớn nhất ở Brazil, Mỹ Latinh và cũng là tập đoàn sở hữu nhiều công ty con kinh doanh truyền hình, radio, Internet và tạp chí.

Frederic Kachar – CEO của Infoglobo (đơn vị thành viên của Grupo Globo) đã chia sẻ: “Cuộc sống là kỹ thuật số, người tiêu dùng của chúng tôi là 24/7. Mọi người không thể chờ đợi báo ngày. Chúng tôi phải cung cấp một sản phẩm kỹ thuật số rất độc đáo và khác biệt với tất cả các nội dung miễn phí mà chúng ta có thể thấy trên web”. Giải pháp của tòa soạn là dựa trên ba nguyên tắc: một quy trình làm việc mới, một hệ thống sản xuất ngoại vi cốt lõi mới và một siêu bàn làm việc.

Quy trình làm việc mới hoạt động 24/7 tập trung vào 5 khung giờ vàng (8 giờ sáng, 11 giờ sáng, 2 giờ chiều, 5 giờ chiều và 9 giờ tối) để xuất bản nội dung chất lượng cao suốt cả ngày, nhằm tạo thói quen và tăng độ trung thành của bạn đọc; các biên tập viên và phóng viên đa phương tiện, đa nền tảng sản xuất nội dung một cách tập trung và phân phối nội dung đó thông qua các phương tiện truyền thông khác nhau trên các nền tảng khác nhau; và sáu nhà báo cấp cao - những người hiểu tất cả mọi thứ được kết hợp với nhau một cách nhuần nhuyễn - ngồi tại siêu bàn làm việc.

Vị CEO này cũng chia sẻ “Kỹ thuật số là nơi mọi thứ bắt đầu” và số hóa quy trình vận hành tòa soạn là một trong những điều làm thay đổi tờ báo 90 năm tuổi.

Picture2.jpg

Bài toán kinh doanh tiếp cận khách hàng không chỉ là bài toán nan giải của các doanh nghiệp kinh doanh thông thường nó cũng là bài toán cho chính các tòa soạn. Làm thế nào để tiếp cận độc giả khi mà bây giờ những người tiêu dùng thông minh này không có khuynh hướng tiêu dùng một chỗ mà là tiêu dùng trên hành trình chuyển động (on-the-go), thời gian truy cập thông tin thì giảm đi và bị phân tán vào quá nhiều hạ tầng tại 1 thời điểm. Một số đơn vị báo chí toàn cầu đang sử dụng các kênh kỹ thuật số, AI và phân tích dự đoán để tiếp cận người đọc.

Các nhà xuất bản (Publisher) đang sử dụng Trí tuệ nhân tạo AI để xác định và hành động theo các hành vi quan trọng của tệp người đọc, chẳng hạn như xác định những nhu cầu tìm kiếm thông tin của những người đọc khác nhau để đưa ra các gợi ý truy cập thông tin đúng nhu cầu.

Một số hãng nước ngoài đã du nhập vào Việt Nam với nền tảng giới thiệu tính năng khám phá nội dung thông qua native widget có thể kể đến như MGID, Naver,… Bằng hình thức này các nhà xuất bản có thể kiểm soát người đọc 100% bằng công cụ cũng như giải quyết bài toán giữ chân người dùng.

Xây dựng mô hình kinh doanh mới

Đây là tiêu chí cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng. Theo báo cáo của Reuters về Xu hướng và dự báo Báo chí, truyền thông, công nghệ năm 2023 thì việc đa dạng hóa nguồn thu cho các tòa soạn được đề cao.

Thuê bao báo chí cần chiếm 80% trong doanh thu của tòa soạn, tiếp theo đó mới là doanh thu từ quảng cáo. Bên cạnh nguồn thu từ nội dung trả phí thì một số nguồn thu mới có xu hướng tăng như phí sử dụng nội dung tin (content licensing) tăng 4% trên các nền tảng khác. Cụ thể như Google đang trả tiền cho hơn 300 đơn vị báo chí tại thị trường châu Âu, hay như Facebook (Meta) chi trả gần 20 triệu USD cho những đối tác nội dung lớn để đăng tải nội dung trên nền tảng của họ. Bên cạnh đó các tòa soạn còn có thể gia tăng nguồn thu từ dịch vụ Factchecking trước vấn nạn tin giả.

bao cao CĐS bao chi.png
Hình số liệu từ báo cáo

Báo chí Việt Nam đứng trước áp lực lớn

Thực tế, báo chí Việt Nam cũng phải đối mặt với nhiều thách thức như: sụt giảm trong doanh thu quảng cáo, vấn nạn tin giả và độ xác thực của thông tin; thiếu hụt nhân sự ngành báo, hay sự cạnh tranh từ mạng xã hội… Đây là áp lực cho các tờ báo phải nâng cao chất lượng, tốc độ, cách thể hiện, nhằm giữ chân người đọc lâu hơn cũng như giải bài toán kinh tế.

Theo đánh giá của tác giả, ở Việt Nam, doanh thu chủ yếu vẫn là nguồn thu từ quảng cáo chiếm phần lớn, thói quen tiêu dùng tin tức mất phí (dù là phí rất thấp) vẫn chưa có nhiều. Việc này cần thời gian để thay đổi thói quen, hành vi của người đọc.

Tuy nhiên, đây cũng là thời cơ để các tờ báo “tái định vị thương hiệu” bằng các sản phẩm chất lượng cao, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh và cần thiết trong bối cảnh môi trường báo chí Việt Nam hiện đang rất đông đảo (khoảng 800 đơn vị).

Một số báo đã áp dụng phương áp thu phí người đọc với các nội dung chuyên sâu, phân tích như Vietnam plus, Tạp chí Ngày Nay, Vietnamnet,… vậy câu hỏi đặt ra là có giữ chân được người đọc hay không nếu báo thu phí? Họ sẽ rời bỏ và chỉ đọc báo free?!

Thực tế người tiêu dùng nội dung không hề ngần ngại trả phí thậm chí có thể trả phí cao như Netflix, Spotify,…để xem phim, nghe nhạc. Nên vấn đề là các đơn vị báo chí cần phải tạo ra các sản phẩm chất lượng mà thôi vì thực tế, hiện tại gọi là thu phí cho các tòa soạn nhưng mức phí này gần như là “cho không”. Đơn cử như Vietnamnet thu phí 2 triệu đồng/năm với khoảng 2.000 bài báo nội dung Premium, tính ra 1 bài báo là 1.000 đồng tiền phí!

Vậy nên để sống được bằng nguồn thu thuê bao với Báo chí Việt Nam thì còn 1 chặng đường rất rất dài nhưng phải làm để đa dạng hóa các hình thức kinh doanh trên nền tảng báo chí số./.

---

Bài viết tham khảo thông tin từ "The 4 Pillars of Successful Digital Transformations" đăng trên Harvard Business Review.