|
Cần ban hành Luật không khí sạch để giải quyết vấn nạn ô nhiễm không khí |
Mong muốn có Luật không khí sạch
Chia sẻ tại Hội thảo Hiểu về ô nhiễm không khí do Tổ chức Change tổ chức, PGS.TS Nguyễn Đình Tuấn - Phó Chủ tịch Hội nước và Môi trường TP.HCM, đồng thời là Phó chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam cho rằng những người làm trong lĩnh vực môi trường luôn muốn Quốc hội ban hành Luật không khí sạch, cũng như Luật chuyên ngành về không khí.
"Các tổ chức trong nước, các chuyên gia trong mạng lưới không khí sạch Việt Nam cũng từng đề nghị vấn đề này. Còn việc xây dựng luật tôi nghĩ không khó khăn gì. Tôi đã từng cho sinh viên làm đề tài so sánh các điều khoản về không khí trong Luật Bảo vệ môi trường Việt Nam với Luật không khí sạch của Mỹ. Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam cũng đã từng nghiên cứu về vấn đề này, nhưng đến nay vẫn chưa thấy ban hành Luật không khí sạch. Có Luật chuyên ngành, việc hành động thực thi bảo vệ không khí sẽ dễ dàng hơn".
|
PGS.TS Nguyễn Đình Tuấn - Phó Chủ tịch Hội nước và Môi trường TP.HCM chia sẻ các vấn đề về ô nhiễm không khí
|
Cấm xe máy lưu thông tại các đô thị, nên hay không?
Một trong 3 nguyên nhân cơ bản gây ô nhiễm không khí được Sở Tài nguyên và Môi trường TP.Hồ Chí Minh xác định là nguồn phát thải của phương tiện giao thông, đặc biệt là xe máy. Vậy, vấn đề đặt ra là có nên cấm xe máy lưu thông trong nội thành hay không?
Trả lời vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Đình Tuấn cho biết tại Việt Nam, việc cấm xe máy lưu thông vào nội thành thực hiện được, với điều kiện đáp ứng đầy đủ cơ sở hạ tầng. Trên thực tế, một số quốc gia đã làm được điều này, vì họ có cơ sở hạ tầng đáp ứng nhu cầu của người dân.
Các giải pháp tại Việt Nam chỉ thực hiện "nửa chừng"
Theo PGS.TS Nguyễn Đình Tuấn, vấn đề ô nhiễm không khí đã không còn mới mẻ tại Việt Nam, cũng như một số nước trên thế giới. Mỗi quốc gia có cách giải quyết phù hợp với tình hình kinh tế, xã hội.
Tại Việt Nam, vào năm 2007, Chi Cục bảo vệ môi trường đã tổ chức ngày hội kiểm định xe máy tại Nhà văn hóa Thanh Niên TP.HCM, để chuẩn bị cho chương trình kiểm định xe máy. Tuy nhiên, từ đó đến nay, vấn đề kiểm định xe máy vẫn chưa thực hiện được.
Một vấn đề khác là giải pháp nguyên liệu sạch đưa vào sử dụng, để cải thiện chất lượng môi trường. Vào năm 2001, chúng ta đã có chiến dịch loại bỏ xăng có chì nên chất lượng không khí tại TP.HCM và các vùng lân cận đã tăng cao đột ngột. Đây là một thành công rất đáng khích lệ.
Tuy nhiên, từ đó đến nay, chất lượng xăng của chúng ta so với nước ngoài vẫn không đạt được chất lượng tốt. Xăng của Việt Nam chứa hàm lượng diesel quá cao, sản sinh ra lượng bụi mịn PM1.0 có tác hại nguy hiểm hơn cả bụi mịn PM2.5
|
Người dân TP.HCM lưu thông trong không khí bụi mù mịt
|
Trên thế giới hiện nay đã áp dụng tiêu chuẩn khí thải Euro 5, 6 cho các phương tiện giao thông. Năm 2007, Việt Nam áp dụng tiêu chuẩn Euro 3 nhưng đến năm 2017 lại hoãn áp dụng tiêu chuẩn này và hiện tại cũng không có biện pháp cải thiện. Tại Việt Nam, chúng ta chỉ áp dụng mức Euro 2 đối với xe mới.
Năm 2006 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định về kiểm soát ô nhiễm không khí, nhưng quá trình thực hiện gần như không có tổng kết đánh giá, khắc phục như thế nào.
"Từ các thực trạng trên, có thể thấy chúng ta đã có những nỗ lực nhất định nhưng không đủ để ngăn chặn thực trạng ô nhiễm môi trường, dẫn đến hiện nay ô nhiễm không khí đã trở thành vấn đề báo động. Với tư cách là người nghiên cứu không khí trong nhiều năm, tôi nhận thấy tình trạng ô nhiễm không khí tại TP.HCM, Hà Nội và các đô thị khác chưa có dấu hiệu gì lạc quan.
Giải quyết ô nhiễm không khí là một bài toán cần có giải pháp tổng hợp về mọi phương diện, đồng thời, phải có sự nỗ lực và quyết tâm cao mới có thể thực hiện được" - Ông Tuấn cho hay.