Giải pháp nào để ngăn video xấu độc trên YouTube?

Nếu YouTube không đủ sức kiểm duyệt nội dung, đã đến lúc các nước phải hành động.

Cứ mỗi phút, người dùng YouTube trên khắp thế giới lại tải lên một khối lượng video dài 500 giờ, tạo ra hơn 5 tỷ video cho nền tảng này. Dù đã rất nỗ lực tuyển các nhân viên chuyên trách làm nhiệm vụ kiểm duyệt, YouTube cho thấy nền tảng này không có khả năng lọc những video xấu độc ở mức độ cảnh báo nguy hiểm hoặc gần tới ngưỡng 18+. 

Từ những gì báo chí phản ánh suốt thời gian qua, có thể thấy rõ ma trận các video xấu độc đang tràn lan trên YouTube nhiều hơn bao giờ hết. Vấn đề là, dù có dẹp hay xử phạt được YouTuber này, rất mau chóng sẽ có những người khác thế chỗ. Đáng lo hơn, thuật toán của YouTube luôn đề xuất đúng thể loại video mà người xem quan tâm, đó là những nội dung có tính tranh luận xã hội hay gây chia rẽ quan điểm. 

Như vậy, câu chuyện bắt YouTube kiểm duyệt hoặc gỡ bỏ video là gần như không thể khi có quá nhiều video tải lên mỗi phút. Điều này cũng đúng với các trường hợp ở nước ngoài, nơi ngỡ như có lượng người xem văn minh tiến bộ hơn.

Trai hư Logan Paul làm đủ trò độc hại vẫn được YouTube bao bọc.

Tai tiếng nhất phải kể đến Logan Paul, dù có làm đủ trò phá phách từ đùa bỡn bên xác chết đến thử thách nhai viên bột giặt, YouTuber 25 tuổi người Mỹ này vẫn không hề hấn gì và kiếm bộn với 22 triệu subscriber ở thời điểm hiện tại. Tại Việt Nam, NTN Vlogs là ví dụ tiêu biểu nhất cho việc càng làm nội dung nhảm nhí càng có nhiều người xem, đạt gần 9 triệu subs sau nhiều lần bị YouTube tắt kiếm tiền rồi khôi phục.

Nếu không thể ngăn YouTube kiểm duyệt chặt chẽ, vậy chỉ còn giải pháp quản lý đầu vào, tức giới hạn độ tuổi người xem. Hiện tại, YouTube chỉ cho phép sử dụng dịch vụ nếu người dùng trên 13 tuổi và phải có sự đồng ý của người giám hộ hợp pháp nếu dưới 18 tuổi.

Vấn đề là YouTube không quan tâm việc đăng ký độ tuổi có đúng hay không, hoặc làm thế nào để xác thực việc người giám hộ đã đọc kỹ điều khoản thỏa thuận. Làm thế nào để giải quyết bài toán này?

Với mã xác thực được gửi về số điện thoại, một giải pháp đơn giản là vô hiệu hóa khả năng nhận mã OTP để đăng ký các dịch vụ online khi người dùng chưa đủ độ tuổi tương ứng. Hiện nay, những thuê bao trả trước đều đã phải đăng ký thông tin chính chủ theo Nghị định 49/2017/NĐ-CP. Như vậy chỉ cần tiến tới chặn SIM rác, trẻ em sẽ không thể sử dụng điện thoại để đăng ký tài khoản xem YouTube mà không có sự giám sát của bố mẹ.

Tuy nhiên, điều này chỉ có hiệu quả phần nào với các video đặt giới hạn age-restricted (18+) trên YouTube, mà phần lớn các chủ kênh đều cố tình ‘lờ’ đi. Nghĩa là, nếu không đặt giới hạn 18+, người dùng không cần phải đăng nhập vẫn có thể xem video một cách thoải mái.

Susan Wojcicki, CEO của YouTube từ năm 2014, nhận nhiều chỉ trích vì chỉ tập trung vào việc gia tăng view trên nền tảng này

Điều này cũng là lý do khiến các chuyên gia nước ngoài cũng phải lắc đầu trong việc đưa ra giải pháp ngăn chặn nội dung xấu độc trên YouTube. Một giải pháp hạn chế tạm thời được vận động rất nhiều trong những năm qua là loại bỏ tính năng tự động phát (autoplay) trên YouTube, vốn góp phần làm lây lan nhanh hơn video xấu độc ngẫu nhiên. 

Nhưng thật khó để bắt YouTube từ bỏ những tính năng làm tăng view cho các video khi nền tảng này chỉ quan tâm đến các chỉ số. Nhiều chuyên gia cho biết giải pháp thực sự chỉ đến từ bên trong những công ty mạng xã hội như Facebook hay Google. Vì thế, chừng nào các công ty này không chịu thay đổi thuật toán và hạn chế nội dung xấu độc, chừng đó thế giới vẫn còn phải chịu đựng các video có nội dung xấu độc.

Theo Vietnamnet

Theo https://vietnamnet.vn/vn/cong-nghe/cong-dong-mang/giai-phap-nao-de-ngan-video-xau-doc-tren-youtube-676971.html