Theo Reuters, gói viện trợ này được Iran thực hiện bất chấp lệnh trừng phạt của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc do Mỹ đi đầu khởi xướng, tiếp tục tăng cường sự hợp tác quân sự giữa Iran với Nga.
Ba nguồn thạo tin của Iran cho Reuters biết, Iran đã cung cấp cho Nga 400 tên lửa đạn đạo bao gồm các tên lửa đạn đạo tầm ngắn Fateh-110 và Zolfaghar. Các chuyên gia mô tả tầm bắn của các loại tên lửa có thể phóng từ bệ phóng cơ động trên đường bộ này là từ 300 đến 700 km.
Về vấn đề này, Bộ Quốc phòng Iran và Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran đã từ chối bình luận, còn Bộ Quốc phòng Nga cũng chưa đưa ra phản hồi.
Lệnh cấm vận vũ khí của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đối với Iran đã hết hạn vào tháng 10/2023, bao gồm một số tên lửa, máy bay không người lái và các công nghệ khác. Tuy nhiên, Mỹ và Liên minh châu Âu vẫn duy trì các lệnh trừng phạt đối với Iran về tên lửa đạn đạo vì lo ngại Iran xuất khẩu thứ vũ khí này cho các quốc gia được họ ủy nhiệm ở Trung Đông và Nga.
Một nguồn tin của Iran cho biết, vào cuối năm ngoái, các quan chức quân sự và an ninh Iran và Nga đã lần lượt hoàn tất các hiệp định viện trợ quân sự tại các cuộc họp ở Tehran và Moscow, và các tên lửa đã được giao nhận vào đầu tháng 1 năm nay.
Một quan chức quân sự Iran cho biết, tính đến nay, có ít nhất 4 lô tên lửa đã được Iran chuyển giao cho Nga và nhiều lô khác sẽ được chuyển giao trong những tuần tới. Tuy nhiên, ông này từ chối cung cấp thêm các thông tin chi tiết.
Một quan chức cấp cao khác của Iran cho biết các tên lửa chủ yếu được chuyển đến Nga bằng tàu qua Biển Caspian.
Một quan chức Iran nói một cách không e ngại rằng trong tương lai sẽ có thêm nhiều tên lửa được chuyển cho Nga: "Không có lý do gì phải che giấu điều đó. Chúng tôi có thể xuất khẩu vũ khí cho bất kỳ quốc gia nào có nhu cầu".
Người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Nhà Trắng John Kirby vào đầu tháng 1 năm nay đã bày tỏ lo ngại rằng Nga có thể nhận được tên lửa đạn đạo tầm ngắn từ Iran bên cạnh tên lửa do Triều Tiên cung cấp.
Một quan chức Mỹ khi đó cũng nói, Mỹ biết cuộc đàm phán giữa hai bên Nga và Iran đang được tích cực tiến hành, nhưng chưa có dấu hiệu cho thấy tên lửa đã được chuyển giao, Lầu Năm Góc cũng không đưa ra bình luận về thông tin này.
Hôm 16/2, ông Viện trưởng công tố Ukraine phát biểu, sự thật chứng minh các tên lửa do Triều Tiên cung cấp cho Nga không thật tin cậy trên chiến trường, trong số 24 tên lửa của Triều Tiên đã được Nga sử dụng, chỉ có 2 quả đánh trúng mục tiêu. Tuy nhiên cả Nga và Triều Tiên đều phủ nhận việc Triều Tiên cung cấp đạn dược để Nga sử dụng trên chiến trường Ukraine.
"Fateh-110" (Kẻ chinh phục-110) được coi là "tên lửa ngôi sao" của Iran, trong những năm gần đây, nó đã nhiều lần xuất hiện trong chiến tranh Syria, xung đột Yemen, xung đột Mỹ-Iran, các cuộc tấn công xuyên biên giới của Iran nhằm vào Iraq và thậm chí cả xung đột Palestine-Israel. Tên lửa đạn đạo Fateh-110 được phát triển từ tên lửa đạn đạo B610. Tên lửa có đường kính thân 0,616 mét, dài 8,8 mét và mang đầu đạn thuốc nổ mạnh nặng 450 kg.
Theo sổ tay ngoại thương của Iran, các loại Fateh-110C và Fateh-110D là mẫu được dẫn đường chính xác, sử dụng các phương pháp dẫn đường quán tính và hiệu chỉnh qua vệ tinh, với sai số xác suất vòng tròn có thể đạt tới 5 mét. Sau vụ Mỹ ám sát tướng Soleimani, Iran đã sử dụng 11 tên lửa đạn đạo Fateh-110 trong cuộc tấn công vào căn cứ Ain al-Assad của quân đội Mỹ ở Iraq. Theo hình ảnh vệ tinh do BBC công bố, hầu hết tên lửa đạn đạo Fateh-110 đều đánh trúng mục tiêu.
“Zolfaghar” (Thanh kiếm của Thánh Allah) là tên lửa đạn đạo tầm trung mới được Iran công bố vào năm 2020. Tên lửa này có kiểu dáng tương tự như "Fateh -313" được phóng to và có tầm bắn 700 km. Biến thể của Zolfaghar sử dụng phương pháp dẫn đầu cuối truyền hình hồng ngoại và sai số xác suất vòng tròn có thể đạt được phạm vi 10 mét. Một số tên lửa Zolfaghar còn có đầu chiến đấu EFP, giúp tăng sức sát thương trước các mục tiêu được bọc thép.
Ông Jeffrey Lewis, chuyên gia tại Trường Nghiên cứu Quốc tế Monterey thuộc Đại học Middlebury, Mỹ phân tích: tên lửa "Fateh-110" là vũ khí chính xác, còn tên lửa cơ động trên đường “Zolfaghar” có thể bắn trúng mục tiêu trong phạm vi từ 300 đến 700 km, "được sử dụng để nhắm mục tiêu vào các mục tiêu có giá trị cao đòi hỏi phải tấn công chính xác". Ông cho rằng nếu 400 tên lửa này được sử dụng ở Ukraine có thể gây ra thiệt hại đáng kể.
Rob Lee, nhà nghiên cứu cấp cao tại tổ chức cố vấn "Viện Chính sách đối ngoại" của Mỹ, cũng cho rằng việc Iran cung cấp tên lửa "Fateh-100" và "Zolfarghar" sẽ giúp Nga có lợi thế lớn hơn trên chiến trường vì "chúng có thể được sử dụng để tấn công" các mục tiêu quân sự ở chiều sâu khi mà các tên lửa đạn đạo càng khó bị hệ thống phòng không Ukraine đánh chặn hơn."
Người phát ngôn Không quân Ukraine cho biết Ukraine hiện chưa có thông tin chính thức về việc Nga nhận được tên lửa "Fateh-110" nhưng đồng thời nhắc nhở rằng những tên lửa đạn đạo như vậy sẽ gây ra mối đe dọa nghiêm trọng cho Ukraine. Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Andriy Zagorodnyuk tiếp tục kêu gọi Quốc hội Mỹ phê chuẩn kế hoạch viện trợ cho Ukraine càng sớm càng tốt: "Việc thiếu sự hỗ trợ của Mỹ đồng nghĩa với việc thiếu hụt hệ thống phòng không mặt đất của Ukraine".
Thông tin Iran cung cấp tên lửa đạn đạo cho Nga đã gây lo ngại cho Mỹ và các nước phương Tây. Một nhà ngoại giao phương Tây am hiểu tình hình đã xác nhận rằng Iran đã vận chuyển tên lửa đạn đạo tới Nga trong những tuần gần đây. Ông cho rằng điều này khiến các nước phương Tây lo ngại rằng hai nước đã đạt được thỏa thuận "chuyển giao vũ khí cho nhau", nếu Iran có được vũ khí tiên tiến của Nga sẽ ảnh hưởng đến cuộc xung đột Palestine-Israel hiện tại cũng như tình trạng hiện tại của khu vực này.
Gregory Brew, nhà phân tích tại Eurasia Group, một công ty tư vấn rủi ro chính trị có trụ sở tại Mỹ, cho rằng: “Mối quan hệ này mang tính chất giao dịch: đổi lại, Iran hy vọng nhận được nhiều hợp tác an ninh và vũ khí tiên tiến, đặc biệt là máy bay hiện đại, từ Nga”.
Theo Creaders, Guancha