|
Ảnh minh họa |
Để có thêm một góc nhìn về thị trường bất động sản hiện nay, Phóng viên VnMedia đã có cuộc trao đổi với ông Trần Ngọc Quang - Tổng Thư ký Hiệp hội bất động sản Việt Nam (Vnrea).
- Thị trường bất động sản đang khởi động lại khá sôi động. Nguồn cung thị trường rất lớn, liệu tới đây có xảy ra tình trạng cung vượt cầu không thưa ông?
Ông Trần Ngọc Quang: Theo tôi, nguồn cung của thị trường hiện nay rất khó thống kê. Hiệp hội bất động sản Việt Nam đang tiến hành tập hợp lại các dự án để đưa ra con số thống kê trong năm 2015 và nguồn cung những dự án trong năm tiếp theo.
Theo số liệu ban đầu tập hợp, tôi thấy rằng: Tỷ lệ chung cư tung ra năm 2015 trong tổng diện tích xây dựng m2 sàn đạt từ 3-5%. Tuy nhiên, để có con số chính xác hơn, các chủ đầu tư cần tự thống kê, liên kết chặt chẽ với hiệp hội ngành nghề, với bộ phận thống kê của cơ quan quản lý nhà nước để có con số đưa ra lượng hàng hoá phù hợp trong các năm sau, nắm bắt tình hình phát triển chung, có như vậy mới có thể tránh dư thừa hàng hoá.
Luật kinh doanh bất động sản nói rõ, một chủ trương rất mới của Chính phủ là việc phát triển bất động sản hiện nay không chỉ theo quy hoạch mà còn phát triển theo kế hoạch, phù hợp với kế hoạch kinh tế, xã hội của địa phương.
Thời điểm này, các cơ quan quản lý nhà nước phải vào cuộc, phải đưa ra các con số: Ở Hà Nội, TP.HCM và các địa phương phải phát triển bao nhiêu m2 nhà ở? Dự án nào vượt quá phải lùi lại sau? Đấy mới là thể hiện rõ vai trò trong quản lý thị trường bất động sản theo đúng tinh thần Luật Kinh doanh bất động sản được thông qua.
Ông Trần Ngọc Quang - Tổng thư ký hiệp hội bất động sản Việt Nam
Ông có đánh giá như thế nào về cung - cầu thị trường hiện nay?
Tôi cho rằng đây cũng là một nghịch lý, có điều phải suy nghĩ.
Nhu cầu mua rất cao, đa số là nhu cầu thực của người tiêu dùng. Năm nay theo thống kê, nhu cầu là 100 triệu m2 nhà ở, năm ngoái đạt 92 triệu m2. Nhu cầu nhiều nhưng chủ đầu tư đưa ra giá và diện tích cao hơn với khả năng của người tiêu dùng. Chính vì vậy, người mua phải dùng công cụ tài chính như đi vay ngân hàng
Ngoài ra, còn có những nghịch lý như: thừa mứa bất động sản giá trị cao và tình trạng đầu cơ của những người nhiều tiền bắt đầu quay trở lại. Chính vì vậy, các chủ đầu tư sẽ phải tính toán lại xem bao nhiều bất động sản cho người thu nhập cao, bao nhiêu bất động sản cho người thu nhập trung bình và bao nhiêu bất động sản cho người thu nhập thấp? Tức là tính toán lại nguồn cầu phù hợp với cung, có như vậy thì thị trường sẽ ổn định hơn.
- Hiện nay, giá bán tại nhiều dự án bất động sản đang tăng khá nhiều, ông đánh giá thế nào về mức giá hiện nay?
Tôi đồng ý với quan điểm của nguyên Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam là không phải giá nhà của Việt Nam cao, mà do thu nhập của người dân quá thấp. Theo tôi, mức giá bất động sản hiện nay tăng khoảng 2-5% , mức giá này phù hợp với tình hình chung của nền kinh tế nhưng so với nhu cầu người tiêu dùng vẫn cao.
Chủ đầu tư cũng tiết giảm chi phí nhưng tôi cho rằng cần phải tiết giảm nhiều hơn nữa, áp dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ, vật liệu xây dựng mới để giá bất động sản hợp lý. Ngoài ra, thu nhập của người dân cũng cần được nâng cao lên.
- Hiện nay, mức giá bất động sản tăng cao, theo nhiều nhà đầu tư là do chiến lược bán hàng của chủ đầu tư “bán thành nhiều đợt, đợt sau cao hơn đợt trước” đã đẩy mức giá len cao, đó có phải là nguyên nhân đẩy giá cao không thưa ông?
Theo tôi có tình trạng nhiều chủ đầu tư bắt tay với sàn phân phối để đẩy giá lên, đưa hàng ra số lượng hạn chế tạo sự khan hiếm trên thị trường. Trong tương lai khi các doanh nghiệp bất động sản trở nên chuyên nghiệp hơn, thị trường lành mạnh minh bạch hơn thì tình trạng đó sẽ hết.
Cách làm trên của chủ đầu tư là cách làm không chuyên nghiệp, hạn chế năng lực của các chủ đầu tư khi phát triển dự án tiếp theo đồng thời làm giảm niềm tin của khách hàng đối với đội ngũ môi giới hiện tại.
- Một vấn đề khác cũng đáng lưu tâm trong sự phát triển của thị trường bất động sản hiện nay là việc trên một tuyến đường, hàng loạt dự án bất động sản cao tầng mọc lên, trong khi hạ tầng không đáp ứng kịp. Ông đánh giá vấn đề này như thế nào?
Đó là một thực tế. Không chỉ là câu chuyện giữa các dự án và hạ tầng phải phù hợp. Mà là khi các dự án trong quá khứ được cấp phép phải triển khai lộ trình đã cam kết với nhà nước.
Ngoài nỗ lực của chủ đầu tư, bàn tay của nhà nước phải can thiệp vào, phải phân loại các dự án, ví dụ ở khu vực hạ tầng chưa đầy đủ, nhà nước có thể cho phép các chủ đầu tư ở khu vực đó ngừng triển khai hoặc chậm triển khai ở khu vực đó.
Ở một số phân khúc mà hiện nay phần cung hơi nhiều thì nhà nước có thể giảm yêu cầu, hoặc cho phép các chủ đầu tư chuyển đổi hoặc giãn tiến độ, có như vậy mới điều tiết được cân đối nguồn cung của thị trường bất động sản và hài hoà giữa các khu vực.
Xin cám ơn ông!
Theo VnMedia